Đùn đẩy, né tránh giải quyết khiếu nại tố cáo?
VOV.VN - “Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng không được giải quyết. Nắng mưa, bà con đi lên đi xuống, vậy trách nhiệm của cán bộ thế nào?”
Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về "giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2014" vừa được trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, tình hình khiếu nại tố cáo vẫn phức tạp. Nhiều ý kiến thảo luận cho rằng một bộ phận cán bộ, công chức còn thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ.
Thái độ trách nhiệm của cán bộ đến đâu?
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: Trong năm 2014, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính Nhà nước để khiếu nại, tố cáo giảm 1,8% so với năm 2013 nhưng số đoàn đông người tăng 12,1%; số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 3,39%; số vụ việc khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền giảm 9,54%. Có 39/63 địa phương số lượng các đơn khiếu nại tố cáo giảm.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Phong Tranh, số lượt đoàn đông người tiếp tục tăng, có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt. Đáng chú ý, có một số đối tượng xúi giục, kích động, lôi kéo công dân khiếu nại đông người có hành vi quá khích, gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Điều đáng quan tâm khi nguyên nhân của tình hình khiếu nại tố cáo vẫn do “trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, chuyển đơn lòng vòng, giải quyết chưa hết thẩm quyền. Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước ở một số địa phương chưa làm hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Đội ngũ cán bộ tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ở địa phương còn thiếu, không tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ”.
Cho rằng cả 3 báo cáo đã nêu được bức tranh chung về khiếu nại tố cáo, tuy nhiên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, số vụ khiếu nại, lượt tiếp công dân có số người giảm, nhưng số đoàn tăng lên là hết sức chú ý. Các báo cáo cho thấy chất lượng nguồn nhân lực đang “gặp khó khăn”, thể hiện ở chỗ trình độ năng lực chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ và tinh thần trách nhiệm.
“Tiêu cực thì đương nhiên phải xử lý nhưng còn ý thức trách nhiệm với nhân dân và trước pháp luật, trước Nhà nước, trước Quốc hội như thế nào? Án tồn động chưa giải quyết được 50% trong khi điều này liên quan đến sinh mệnh chính trị, quyền công dân. Báo cáo nêu trách nhiệm còn chung chung”, ông Ksor Phước đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi tại sao cứ để khiếu nại tố cáo tăng, đặc biệt ở Trung ương và việc đánh giá cán bộ công chức: “Đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu, công chức giải quyết khiếu nại tố cáo như thế nào trong khi báo cáo chưa đề cập tý nào đến trách nhiệm! Dân vất vả lắm! Nắng mưa, bà con đi lên đi xuống, vậy trách nhiệm của cán bộ thế nào?”.
Bày tỏ quan điểm thấy "lạ" khi giải quyết khiếu nại tố cáo giảm sâu so với cùng kỳ, ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt vấn đề: Phải chăng chúng ta không quan tâm hay thiếu cán bộ? 5.000 đơn giám đốc thẩm còn tồn đọng mà không phân loại biết bao nhiêu đơn đúng, bao nhiêu đơn sai. Án cũ xảy ra nhiều năm gần như để đấy. Có trường hợp chuyển cơ quan nào cũng nói đã giải quyết đúng luật, vậy liên ngành phải ngồi với nhau để giải quyết dứt điểm, đừng để tình trạng như thế”.
Đại biểu Đỗ Văn Đương kiến nghị: Ngoài trách nhiệm thì phải xử lý cụ thể người giải quyết khiếu nại tố cáo sai khiến người dân tiếp tục khiếu kiện. Vụ ông chấn nếu giải quyết ngay thì đâu oan 10 năm. Vấn đề chủ quan chứ không phải do cơ chế pháp luật. Do đó, Quốc hội cần có Nghị quyết về giải quyết khiếu nại tố cáo.
Đôn đốc nhưng Tòa án, Viện Kiểm sát giải quyết chậm
Năm 2014, ngành Tòa án và ngành Kiểm sát tiếp tục quan tâm đến việc giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo do các cơ quan Đảng, Nhà nước và Quốc hội chuyển đến. Nhiều vụ, việc được giải quyết kịp thời, đúng thời hạn, có phân tích, đánh giá cụ thể về nội dung, căn cứ và quá trình giải quyết. Nhiều kiến nghị của các cơ quan dân cử sau giám sát đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu thực hiện nghiêm túc.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, công tác này vẫn còn những tồn tại cần sớm được khắc phục. Theo đó tỷ lệ giải quyết còn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều trường hợp việc thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan còn quá chậm, dẫn đến đương sự bức xúc, khiếu nại đến các cơ quan của Quốc hội nhiều lần. Có những vụ việc đã được UBTP nghiên cứu, chuyển đến TANDTC và VKSNDTC đề nghị xem xét, giải quyết từ năm 2012 nhưng đến nay UBTP vẫn chưa nhận được thông báo về kết quả giải quyết. Có những vụ việc VKSND, TAND chỉ có thông báo về tiến độ giải quyết mà không thông báo về kết quả giải quyết cụ thể.
Đáng lưu ý, có một số vụ việc được UBTP nghiên cứu, có văn bản đề nghị TANDTC, VKSNDTC cho mượn hồ sơ vụ án, báo cáo kết quả giải quyết bằng văn bản để Ủy ban giám sát theo quy định của pháp luật nhưng việc giải quyết còn chậm; cá biệt, có vụ kéo dài hàng năm mà TANDTC không có văn bản trả lời mặc dù UBTP đã có văn bản đôn đốc nhiều lần.
“Việc thực hiện một số kiến nghị sau giám sát chưa kịp thời; một số tồn tại, hạn chế do nguyên nhân chủ quan chậm được khắc phục mặc dù đã được UBTP kiến nghị qua nhiều năm. UBTP đề nghị TANDTC và VKSNDTC cần có giải pháp cụ thể để chấn chỉnh, sớm khắc phục những hạn chế này, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo”, ông Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định công tác tiếp công dân năm nay đã có nhiều tiến bộ nhưng cũng vẫn còn nhiều mặt hạn chế, báo cáo của ngành Tòa án và Viện kiểm sát còn chung chung. Những nguyên nhân gây nên sự hạn chế, trách nhiệm của người đứng đầu còn chưa truy đến cùng.
“Tại sao không giải quyết dứt điểm được những vụ khiếu nại kéo dài nhiều năm? Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan ở Trung ương hay các cấp chính quyền địa phương? Có hay không trách nhiệm của cán bộ giải quyết khiếu nại tố cáo? Tại sao trong nhiều năm liền đều báo cáo là năng lực cán bộ tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo còn hạn chế, còn yếu kém mà không khắc phục?”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu ra các vấn đề cần làm rõ./.