Dùng cờ lê phá thủy lôi, bom từ trường của Mỹ
(VOV) -Chỉ với các dụng cụ rất thô sơ nhưng qua sự khéo léo và quyết tâm của các chiến sĩ, hiệu quả bất ngờ.
Bác Đặng Đức Năng, bác Trần Thế Hùng, Đội 8 Công Binh HQ trong buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm |
Song với quyết tâm “đánh địch mà đi, mở luồng mà tiến”, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, lực lượng đầu tiên, trực tiếp và chủ yếu trong nghiên cứu, tháo gỡ thủy lôi, bom từ trường của địch, rà phá làm mất hiệu lực hàng nghìn quả thủy lôi, bom từ trường của Mỹ, mở tuyến thông luồng thắng lợi, đảm bảo nối liền mạch máu giao thông, phục vụ sản xuất và chi viện cho chiến trường. Chỉ với các dụng cụ rất thô sơ như cờ lê mỏ lết dùng để sửa xe đạp hay thanh gỗ được đẽo gọt một đầu sao cho vừa với các ốc chìm trên thân quả bom rồi vặn, tháo nhưng đã mang lại hiệu quả bất ngờ.
Có lẽ không một chuyên gia vũ khí Mỹ nào hồi đó lại có thể nghĩ rằng những người lính Đội 8 Công binh Hải quân chân trần vào trận, quần đùi áo lót nhuộm bùn đất lại có thể chiến thắng họ bằng “công nghệ tay trần với cờ lê”.
Đội 8 Công binh Hải quân phối hợp với lực lượng trục vớt MK52 tại cửa Nam Triệu (ảnh tư liệu) |
Bác Trần Thanh Hoài - chiến sĩ Đội 8 Công Binh Hải quân – một trong ba người đầu tiên được giao nhiệm vụ tháo gỡ thủy lôi tâm sự: “Đứng trước thực tại như thế mình cũng lo chứ. Có điều, nếu mình không làm thì người khác cũng làm. Mà nếu mình không được phân công thì lại băn khoăn tự hỏi là tại sao người khác làm được mà mình không làm được?”.
Trung tá Đặng Đức Năng, nguyên Phân đội trưởng Phân đội 8, Công Binh Hải quân kể lại, Bộ Tư lệnh Hải quân giao nhiệm vụ cho những chiến sĩ công binh Đội 8 có mặt ở 23 khu vực của các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, cùng các lực lượng phối hợp rà phá hàng nghìn quả thủy lôi và bom từ trường.
Kẻ thù đối mặt với các cán bộ chiến sĩ Đội 8 Công Binh lúc bấy giờ là những quả thủy lôi hiện đại MK50, MK52 và bom từ trường DST 36.
Làm việc trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, trên trời máy bay địch oanh tạc, ngoài biển thì tàu chiến pháo kích, trong khi vũ khí trang bị chỉ là những tấm tôn, thùng phi, cuộn dây điện, nam châm…song mọi người đều quyết tâm bằng mọi giá phải tháo bằng được thủy lôi một cách nguyên vẹn để về nghiên cứu.
“Khi học tập về thủy lôi, được chuyên gia Liên Xô huấn luyện, chúng tôi rất nhớ: Trong thủy lôi địch có khả năng gài bẫy, nó có thể tự nổ bất cứ lúc nào nên rất nguy hiểm. Vì vậy, chúng tôi xác định, làm việc này có thể phải trả giá bằng tính mạng, mỗi lần nhận nhiệm vụ là một lần xác định hy sinh nhưng không ai chùn bước. Đầu tiên chúng tôi còn tổ chức lễ truy điệu sống. Mỗi lần rà phá, tháo gỡ thành công đã làm cho tinh thần của anh em phấn chấn, quyết tâm”, Trung tá Đặng Đức Năng cho biết.
Sau khi các cán bộ chiến sĩ Đội 8 Công Binh Hải quân tháo được quả thủy lôi đầu tiên, nhiệm vụ của cán bộ, công nhân Xưởng 56 là mổ xẻ, phanh phui, tìm hiểu tất cả những tính năng, kỹ chiến thuật của nó.
Chỉ trong vòng 20 ngày, cán bộ chiến sĩ xưởng 56 đã vẽ được sơ đồ mạch điện, nguyên lý nổ của thủy lôi sau đó chuyển toàn bộ bản vẽ cho Nhà máy X46 Hải quân nghiên cứu sản xuất ra phương tiện rà phá thủy lôi.
Trên cơ sở kết hợp với các cán bộ, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội, cán bộ, kỹ sư công nhân nhà máy đã cho ra đời nhiều thiết bị rà phá thủy lôi hiệu quả như HT-5, HT-6, HDL-9, PĐ-67 và khung dây điện từ đặt trên cạn.
Việc nghiên cứu chế tạo thành công phương tiện rà phá thủy lôi và bom từ trường khẳng định ngành kỹ thuật Hải quân có thể nghiên cứu các loại thiết bị để đổi phó với nhiều loại thủy lôi và bom từ trường cải tiến của địch.
Trong những năm tháng ấy, chiến trường sông, biển miền Bắc đã trở thành nơi đọ trí, đọ tài quyết liệt giữa một bên là kẻ thù có trang bị kỹ thuật vũ khí hiện đại, tối tân, một bên là quân dân miền Bắc do lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam làm nòng cốt chủ lực, có phương tiện, vũ khí thô sơ nhưng ý chí chiến đấu ngoan cường, dũng cảm.
Kết quả, chúng ta đã đánh bại một phương thức tác chiến thâm độc của kẻ địch và đã giành được chiến thắng vẻ vang.
Lần thứ hai, năm 1972-1973 đã rà phá và phá nổ được 4.495 quả thủy lôi và bom từ trường. Tổng hợp cả hai cuộc chống địch phong tỏa, Quân chủng Hải quân đã cùng với quân, dân ta phá hủy được 13.346 quả thủy lôi và bom từ trường, đập tan âm mưu và hành động phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường vô cùng thâm độc và xảo quyệt của đế quốc Mỹ trên sông, biển miền Bắc nước ta những năm 1967-1968 và 1972-1973.
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương - Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân khẳng định: Đánh bại cuộc phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi, bom từ trường của đế quốc Mỹ có ý nghĩa to lớn cả về quân sự và chính trị, đặc biệt là về khoa học công nghệ quân sự trên chiến trường sông, biển. Thắng lợi đó góp phần khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam - một dân tộc đất không rộng, người không đông nhưng không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù xâm lược nào.
“Giá trị lịch sử của chiến công trong chống phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường của đế quốc Mỹ trên sông, biển miền Bắc luôn là thực tiễn sinh động, có ý nghĩa lịch sử to lớn, tính thời sự sâu sắc. Đó cũng là cơ sở lý luận và thực tiễn quý báu để Hải quân Nhân dân Việt Nam tiếp tục nghiên cứu vận dụng, bổ sung hoàn thiện những cách đánh mới phù hợp, nhằm đối phó có hiệu quả với âm mưu phong tỏa đường biển của địch nếu có xảy ra trong tương lai và góp phần không ngừng phát triển lý luận quân sự Hải quân”, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương nhấn mạnh./.