Đừng để tử thần theo chân vaccine
VOV.VN-Dư luận đang hoài nghi về qui trình, chất lượng vaccine và trách nhiệm của những người cầm mũi tiêm trước sinh mạng của đứa trẻ...
Trong khi nguyên nhân cái chết của 5 đứa trẻ sau khi tiêm vaccine Quinvaxem 5 trong năm ngoái còn chưa được làm rõ thì nay lại có thêm 4 trẻ sơ sinh ở Quảng Trị và Bình Thuận bị tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B. Có lẽ chưa bao giờ ngành Y tế phải đối mặt với những hoài nghi của người dân và các nhà khoa học về qui trình, chất lượng vaccine và trách nhiệm của những người cầm mũi tiêm trước sinh mạng của đứa trẻ. Điều dễ nhận thấy là những sự cố này chỉ xảy ra đối với trẻ em tiêm vaccine miễn phí mà lại chưa thấy xảy ra ở lĩnh vực tiêm dịch vụ?
Cứ mỗi khi có trẻ em bị tử vong sau khi tiêm vaccine thì ngành y tế lại vỗ yên dân chúng rằng: “vaccine cũng như thuốc dùng trong điều trị bệnh đều có thể gây ra những phản ứng không mong muốn"; Rằng, đó là "điều không thể tránh khỏi và không có vaccine nào là an toàn tuyệt đối”. Thế nhưng, tỷ lệ phản ứng, đặc biệt là các trường hợp phản ứng nặng và tử vong sau tiêm chủng liên tục xảy ra thời gian gần đây cho thấy vấn đề không còn bình thường nữa, mà thực sự trở thành nỗi bức xúc của xã hội.
Giáo sư Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện quốc gia kiểm định vaccine và sinh phẩm y tế cho rằng đây là những sự cố bất thường trong lịch sử tiêm chủng: “Nói về vaccine, chỉ được phép xảy ra các phản ứng nhẹ như đau đầu, nổi mẩn da, sốt nhẹ… chứ tử vong là không được phép. Còn tử vong vì những lý do khác thì nguyên nhân gây tử vong có liên quan nhiều tới việc khám sàng lọc chưa được kỹ càng. Việc khám bệnh sàng lọc cho trẻ em trước khi tiêm cần phải thận trọng, kỹ càng. Hiện nay, các cơ sở y tế xã phường, nhất là ở vùng sâu vùng xa, làm sao có thể phát hiện bệnh tiềm ẩn của trẻ em được hoặc là tại nhà hộ sinh, bác sỹ đỡ đẻ cả đêm mệt lắm rồi làm sao khám được cho khám cho cháu nhỏ đó để phát hiện bệnh bẩm sinh, kể cả trình độ giáo sư còn khó chứ chưa nói gì đến nhân viên y tế xã”.
Theo PGS Đỗ Sỹ Hiển, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn sức khỏe cộng đồng, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ phản ứng nặng và tử vong sau tiêm chủng ngày càng nhiều là do sự đầu tư cho tiêm chủng mở rộng ở nước ta chưa tương xứng. Hiện có 26 loại bệnh có thể dự phòng bằng vaccine. Nhưng mới có 9 loại bệnh được tiêm vaccine miễn phí. Ngân sách dành cho tiêm chủng mở rộng mỗi năm khoảng 240 tỷ đồng, mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, nên phải trông chờ vào nguồn vaccine viện trợ của quốc tế. Vì vậy, chúng ta chủ yếu vẫn sử dụng vaccine thế hệ cũ, độ an toàn thấp”.
“Về chất lượng, nhiều loại vaccine của chúng ta đang thuộc thế hệ vaccine cũ. Vì thế tỷ lệ phản ứng nặng nhiều và một số chuyện rắc rối thường gặp: Ví dụ vaccine ho gà là cũ. Tại sao Hàn Quốc sản xuất vaccine Quivaxem 5 trong 1 có thành phần ho gà mà họ không sử dụng mà chỉ đem bán cho các nước khác, còn họ, họ lại sử dụng loại vaccine có thành phần vô bào vì an toàn hơn và đó là thế hệ vaccine mới. Vaccine viêm não Nhật Bản chúng ta đang dùng – sản xuất từ não chuột mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không nên dùng. Ví dụ, chúng ta đã thanh toán bại liệt 10 năm, vẫn dùng loại uống, trong khi thế giới khuyến cáo nên dùng loại tiêm…”- PGS Đỗ Sỹ Hiển dẫn chứng.
Những phân tích của PGS Đỗ Sỹ Hiển đã phần nào trả lời cho câu hỏi mà dư luận đặt ra lâu nay rằng: có nhiều nguyên nhân dẫn đến tử vong sau tiêm chủng, nhưng vì sao chỉ xảy ra đối với trẻ tiêm vaccine miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà chưa thấy xảy ra đối với trẻ tiêm vaccine dịch vụ?
Thực tế cho thấy, tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ, trẻ em được tiêm vaccine thế hệ mới. Chẳng những độ an toàn cao hơn mà tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ tiêm chủng ở đây cũng tốt hơn. Bà Bùi Thị Việt Hoa, nguyên Trưởng phòng dịch tễ và vaccine sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho rằng, đã đến lúc ngành y tế cần có những đổi mới trong tiêm chủng mở rộng.
Bà Hoa nhấn mạnh: “Nên sử dụng những vaccine tốt chứ đừng sử dụng những vaccine thế giới người ta đã bỏ rồi mà mình vẫn cứ dùng, bên dịch vụ chưa xảy ra sự cố gì vì vaccine ở đấy tốt. Như hiện nay vaccine của chương trình tiêm chủng mở rộng chuyền về nội thành Hà Nội, người dân không thiết tha dùng đâu, bỏ đi rất phí. Và Bộ Y tế cũng cần phải có hệ thống quản lý tiêm dịch vụ xã hội hóa giống như Chương trình tiêm chủng mở rộng.”
Tăng cường sử dụng vaccine thế hệ mới với độ an toàn cao hơn đồng nghĩa với đầu tư kinh phí nhiều hơn. Nhưng chúng ta sẽ đạt được 2 mục đích là bảo vệ sức khỏe trẻ em và giảm được gánh nặng bệnh tật cho xã hội. Theo tính toán của các chuyên gia y tế, cứ đầu tư 1 USD cho vaccine phòng bệnh bại liệt thì sẽ tiết kiệm được 3,4 USD chi phí y tế trực tiếp và 2,4 USD chi phí gián tiếp cho bệnh này; đầu tư 1 USD cho tiêm phòng vaccine sởi thì sẽ tiết kiệm được hơn 10 USD chi phí y tế trực tiếp và 2,3 USD chi phí gián tiếp.
Nhờ vaccine mà thế giới đã thanh toán được nhiều loại bệnh và cứu được hàng triệu trẻ em khỏi bàn tay thần chết, hoặc không bị tàn phế vì các bệnh truyền nhiễm. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng về tiêm chủng mở rộng, với 90% trẻ em được tiêm vaccine phòng bệnh và không còn xã trắng, bản trắng về tiêm chủng. Thế nhưng, nếu không điều chỉnh kịp thời tư duy đầu tư cho lĩnh vực y tế dự phòng để hạn chế tối đa tỷ lệ phản ứng nặng và tử vong sau tiêm chủng thì kết quả vừa nêu liệu có còn ý nghĩa?
"Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai". Đừng vì những tính toán trước mắt mà để tử thần theo chân vaccine, đe dọa cuộc sống của con em chúng ta./.