Đừng để vấn đề an toàn lao động chỉ là lời nói suông
VOV.VN -Người lao động thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, chủ DN không trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho NLĐ là nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động.
Những năm gần đây, tai nạn lao động xảy ra liên tục là vấn đề đáng báo động. Mỗi năm, cả nước có hàng nghìn vụ tai nạn lao động xảy ra làm cho nhiều người chết và bị thương nặng. Thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, chủ doanh nghiệp không trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho người lao động là nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động.
Tai nạn lao động đã cướp đi đôi tay, chân phải của ông Nguyễn Văn Trị.
|
Đã hơn 10 năm trôi qua, nhưng ông Nguyễn Văn Trị, công nhân Công ty Nam Việt, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương vẫn chưa khỏi bàng hoàng về vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra đối với anh. Trong một đêm mưa ấy, khi kiểm tra đường điện của công ty thì anh đạp phải múi điện hở và bị giật bất tỉnh, buộc phải cắt bỏ chân phải và cánh tay trái. Kể từ đó, cuộc đời của anh gắn chặt với chiếc xe lăn. Mọi gánh nặng của gia đình có 5 đứa con đều đổ dồn trên đôi vai gầy của người vợ.
“Gia đình đông con, hoàn cảnh khó khăn, khi bị tai nạn, cuộc sống gia đình rất cùng cực. Mọi công việc, kinh tế, cơm ăn áo mặc do vợ lo hết. Tôi cố gắng làm chỗ dựa tinh thần cho con chứ cũng chẳng biết giúp gì”- anh Trị nghẹn ngào.
Với bà Phan Thị Phấn, ở phường Phú Mỹ, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, có đứa con trai là Nguyễn Văn Tiên bị tai nạn khi kiểm tra ống nước công trình và chết tại chỗ cũng rất đáng thương tâm. Sau sự cố đau thương đó, con dâu bà bỏ đi, hai đứa cháu nội bà phải nuôi và chăm sóc. Nhìn di ảnh người con trai xấu số đã mất hơn 1 năm, bà Phấn không khỏi xót xa và lo lắng cho hai đứa cháu đang tuổi ăn, tuổi học.
Bà Phan Thị Phấn bên di ảnh người con trai xấu số chết do tai nạn lao động. |
Không chỉ riêng anh Trị và bà Phấn mà tại Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung, hoàn cảnh mất mát, đau thương cũng đang hiện hữu với hàng trăm, hàng nghìn gia đình do tai nạn lao động.
Theo Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2018, cả nước xảy ra gần 8.000 vụ tai nạn lao động làm hơn 1.038 người chết. Trong đó, Bình Dương, TP.HCM và Đồng Nai là những địa phương đứng đầu cả nước về số vụ tai nạn và người chết do mất an toàn lao động.
Tại Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2019, đã xảy ra 419 vụ tai nạn lao động, làm chết 13 người; 408 người khác bị thương tật từ 1% đến 82%.
Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều doanh nghiệp chưa coi trọng vấn đề an toàn đối với người lao động; trang bị các thiết bị bảo hộ lao động còn mang hình thức, đối phó với các đợt kiểm tra của ngành chức năng. Người lao động thì còn chủ quan, coi thường an toàn lao động nên có khi bất chấp. Bởi vậy, theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, để khắc phục tình trạng này, tới đây ngành lao động sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp.
“Tiếp tục thực hiện các giải pháp, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động và cả doanh nghiệp. Tăng cường thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp về chấp hành pháp luật an toàn vệ sinh lao động. Từ đó có kế hoạch cho doanh nghiệp thực hiện tốt các biện pháp, giải pháp đúng theo quy định để hạn chế thấp nhất tai nạn lao động”- ông Phạm Văn Tuyên cho biết.
“An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn” đó là câu khẩu hiệu thường gặp ở các công trình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhưng để khẩu hiệu này không chỉ là lời nói suông thì trước hết các ngành chức năng phải có biện pháp mạnh để xử phạt các tổ chức, cá nhân cố tình không chấp hành các qui định của pháp luật về an toàn lao động./.
Quảng Ninh: Tại nạn lao động làm 2 công nhân tử vong
Tai nạn lao động ở Bến Tre: Các công nhân bị rơi đã phục hồi sức khỏe
Doanh nghiệp dùng tiền để giảm trách nhiệm khi xảy ra tai nạn lao động