Đường đèo vui tiếng đài

Đài PT-TH tỉnh Yên Bái phát sóng chương trình phát thanh về an toàn giao thông nhằm tuyên truyền việc đội mũ bảo hiểm và không uống rượu khi lái xe cho đồng bào

Những con đường quanh co qua dốc núi mù sương của tỉnh Yên Bái giờ không còn quạnh vắng khi mà đồng bào các dân tộc nơi đây đã có điều kiện tham gia giao thông bằng xe máy ngày một nhiều hơn.

Hình ảnh đó phản ánh sự phát triển, nhưng mặt khác cũng là một nguy cơ tiềm tàng về tai nạn giao thông. Từ góc nhìn ấy, Công ty Tư vấn phát triển PeaPROs đã đề xuất sáng kiến hỗ trợ kỹ thuật giúp Đài PT-TH tỉnh Yên Bái xây dựng và phát sóng chương trình phát thanh tương tác nhằm tuyên truyền việc đội mũ bảo hiểm và không uống rượu khi lái xe cho đồng bào.

Sáng kiến đó được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ thực hiện và nhanh chóng mang đến những tín hiệu vui trên những cung đường vùng cao.

Từ búi tóc tằng tẩu…

Yên Bái là tỉnh miền núi có tới 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc Thái, Dao, Mông. Một phần vì địa hình núi cao hiểm trở, một phần vì những phong tục tập quán của đồng bào dân tộc khiến bà con gặp nhiều khó khăn trong nhận thức về an toàn giao thông.

Tục tằng tẩu của chị em người Thái khiến họ khó khăn trong việc đội mũ bảo hiểm. Thói quen đi đường “tự nhiên như đi giữa rừng đại ngàn” hay tục lệ uống rượu của đa số đồng bào các dân tộc vùng cao... là những nguyên nhân dẫn đến rất nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc ở các địa bàn như các huyện Trạm Tấu, Lục Yên, thị xã Nghĩa Lộ và cả thành phố Yên Bái.

Trong khi đó, do điều kiện sống phân tán, đời sống còn nhiều thiếu thốn nên việc tiếp cận với hệ thống thông tin, truyền thông gặp rất nhiều khó khăn, những quy định về trật tự an toàn giao thông nhiều khi không đến được với đồng bào. Do đó, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân khi tham gia giao thông còn nhiều hạn chế.

Việc thay đổi một thói quen, một phong tục tập quán hay tạo lập một nếp sống mới đối với đồng bào các dân tộc là cả một quá trình lâu dài, không chỉ có vai trò của những chiến sỹ cảnh sát giao thông mà còn đòi hỏi sự tham gia tích cực của rất nhiều cơ quan, ban ngành và của cả cộng đồng, trong đó góp một phần quan trọng là hệ thống thông tin, báo chí, đặc biệt là làn sóng phát thanh.

Việc tăng thời lượng, lập một chương trình riêng về an toàn giao thông từ cuối năm 2008, Đài PT-TH Yên Bái đã xác định: Nâng cao ý thức và hiểu biết pháp luật của người dân là yếu tố quyết định nhằm giảm tai nạn giao thông.

CSGT Yên Bái phát tờ rơ và ticker về giao thông

…Tới việc thay đổi những thói quen

Trước đây, trên làn sóng phát thanh của Đài PT-TH Yên Bái, những thông tin về an toàn giao thông được lồng vào trong các bản tin thời sự hàng ngày. Nhưng một năm trở lại đây, với việc triển khai Dự án Hỗ trợ nâng cao kiến thức an toàn giao thông cho người dân tỉnh Yên Bái thông qua hệ thống phát thanh bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc (Thái, Dao, Mông) của đài phối hợp với PeaPROs thực hiện thí điểm dưới sự hỗ trợ của WHO, những vấn đề về an toàn giao thông đã được đưa vào một chương trình riêng với thời lượng 15 phút.

Ngoài những bản tin về an toàn giao thông, chương trình còn có những phóng sự đề dẫn, những tiểu phẩm vui với ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc do cộng tác viên và chính các thính giả của chương trình cộng tác.

Là thính giả thường xuyên của chương trình, ông Vũ Quang Trung (tổ 43, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái) cũng là một cộng tác viên rất tích cực với những tiểu phẩm vui về an toàn giao thông được rút ra từ chính những tình huống cụ thể mình chứng kiến hàng ngày.

Với ông, viết những tiểu phẩm là để kể về những trải nghiệm của mình khi tham gia giao thông, cũng là để nhắc nhở con cháu và những người xung quanh nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông, tránh những vụ tai nạn đáng tiếc vẫn xảy ra…

Theo ông Tô Văn (70 tuổi, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên), với đối tượng hướng tới là đồng bào các dân tộc, nội dung chương trình dễ tiếp cận qua các chuyên mục đa dạng, phong phú, hấp dẫn, chương trình An toàn giao thông trên làn sóng phát thanh của đài đã thực sự đến được với đồng bào. Ông cũng cho rằng, những phóng sự kịp thời, những bản tin về các vụ tai nạn giao thông có tác động trực tiếp đến thính giả và mang lại hiệu quả giáo dục cao.

Và quyết tâm của nhà Đài

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hòa (phóng viên Phòng Thời sự, Đài PT-TH Yên Bái) khi vừa từ hiện trường một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại thành phố Yên Bái trở về.

Với dáng vẻ mệt mỏi, quần áo bám đầy bụi đường, đôi mắt chị ánh lên một nỗi buồn khi kể về vụ tại nạn giao thông vừa được chứng kiến. Dường như trong nỗi buồn ấy có cả sự tiếc nuối. Bởi nếu như người tham gia giao thông am hiểu hơn về Luật Giao thông, nếu người đó không uống rượu khi tham gia giao thông thì hậu quả có lẽ không đến mức đau lòng như thế. Vẫn biết rằng, thay đổi một thói quen, một phong tục là cả một quá trình…

Tôi cảm nhận được từ chị niềm mong muốn một sự đổi thay trên mảnh đất quê hương khi kể về hiệu quả của những chương trình phát thanh an toàn giao thông mà chị và các đồng nghiệp đã và đang thực hiện.

Là phóng viên chuyên trách về giao thông, nhiều năm gắn bó với đề tài này nhưng chị Hoà vẫn cảm thấy vô cùng thú vị khi triển khai chương trình với sáng kiến của PeaPROs: “Chúng tôi đã dành ra rất nhiều buổi thảo luận với các chuyên gia mà PeaPROs mời đến như: nhà báo Phạm Trung Tuyến ở Kênh VOV giao thông (Đài TNVN), thạc sĩ Trần Nam Bình (Đại sứ quán Thuỵ Điển), anh Trần Lê Trà (Bộ KH-ĐT)… Họ là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông và hỗ trợ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số để cùng chúng tôi thống nhất nội dung chương trình sao cho gần gũi với bà con, đem lại hiệu quả tuyên truyền cao nhất.

Những chương trình đầu tiên, thậm chí chúng tôi phải sửa đi, sửa lại nhiều lần trước khi phát sóng”. Được biết, các anh: Trần Nam Bình và Trần Lê Trà là cán bộ quản lý của Chương trình giảm nghèo “Chia sẻ” do Tổ chức SIDA tài trợ tại các tỉnh Yên Bái, Hà Giang và Quảng Trị.

Dù chỉ là một chương trình phát thanh 15 phút, nhưng trước khi thực hiện, PeaPROs cũng tiến hành điều tra cụ thể từ nhu cầu thính giả, thói quen tiếp nhận thông tin của bà con.

Đánh giá về quá trình hợp tác thực hiện chương trình cùng PeaPROs, bà Thanh Thuỷ, Phó Giám đốc Đài PT-TH Yên Bái cho biết: “Trước kia, chúng tôi chỉ đơn thuần thực hiện các chương trình tuyên truyền phản ánh, nhưng làm việc cùng PeaPROs, thấy các bạn ấy lồng ghép cả việc tuyên truyền trên sóng với việc phát băng đĩa cho các đơn vị truyền thanh cơ sở, rồi in tờ rơi, stiker để phối hợp với lực lượng chức năng phát cho người tham gia giao thông thì tôi thực sự nể sự tâm huyết của các bạn”.

Chính từ cái sự “nể tâm huyết” của ekip PeaPROs mà Đài PT-TH Yên Bái và PeaPROs đã quyết tâm thực hiện chương trình một cách hoàn hảo. Ngay cả khi chương trình thí điểm do WHO tài trợ đã kết thúc, Đài PT-TH Yên Bái vẫn tiếp tục đầu tư để duy trì và phát triển chương trình tuyên truyền an toàn giao thông dành cho đồng bào dân tộc.

Sự quyết tâm của họ, tôi có thể nhận thấy rất rõ ràng trong dáng vẻ của người nữ phóng viên khi trở về từ hiện trường, và trong ánh mắt nhìn về những rặng núi xa xôi của bà Phó Giám đốc Đài. Họ quyết tâm vì biết rằng, để thay đổi thói quen của một cộng đồng thì một dự án chỉ là bước khởi đầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên