Đường sắt Việt Nam không đổi mới sẽ có ngày phá sản
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ GTVT: “Ngành đường sắt đang chậm tiến và đi giật lùi, nếu không cải tiến sẽ có ngày phá sản, chẳng di sản ăn sẵn nào có thể còn mãi".
Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm ngành GTVT, theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tai nạn giao thông đường sắt giảm nhưng chỉ cần lơ là sẽ lại gia tăng.
Ngành đường sắt đã có nhiều nỗ lực để "vớt vát" lại hành khách sau một thời gian dài không chịu thay đổi. |
Theo ông Minh, chỉ ngay hai tháng đầu năm 2017, tai nạn giao thông đường sắt tăng nhanh, số người chết tăng hơn 20%. Trong tháng Bảy, một tuần có 5 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm 5 người chết.
“Hiện nay, ngành đường sắt đã phá bỏ 231 lối mở dân sinh, đồng thời cũng ban hành kế hoạch cho các tháng cuối năm vì cứ xảy ra tai nạn là đường sắt thiệt,” ông Minh nói.
Nhấn mạnh 6 tháng của năm 2017, sản lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách đều tăng trưởng, dù tỷ lệ không quá cao, người đứng đầu ngành đường sắt thừa nhận, với đường sắt tuyến dài không phải là lợi thế. Do đó, Tổng công ty tập trung khai thác tuyến ngắn mới có lợi thế cạnh tranh đặc biệt là vào tàu đẹp, giờ đẹp. Hiện, vận tải đường sắt Hà Nội có khoảng 500 toa xe, nhưng có khoảng 85 toa xe đạt chất lượng cải tạo.
Chỉ ra nhược điểm cố hữu tồn tại đã lâu trong ngành đường sắt, ông Minh bày tỏ quan điểm “điều tệ nhất đối với ngành đường sắt là chất lượng vệ sinh”. Tới đây, Tổng công ty sẽ thuê đơn vị chuyên nghiệp làm vệ sinh hai đầu hành trình, còn trên hành trình sẽ do nhân viên đảm nhiệm.
Tuy nhiên, tại nhiều ga cơ sở vật chất vẫn còn rất sơ sài. |
“Bước đầu đã chặn được đà xuống dốc từ tháng Năm vừa rồi, khi sản lượng vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng, nhưng đây chưa thể là kết quả bền vững vì chưa có các toa xe đạt chất lượng dịch vụ cao. Chỉ sơ sẩy 1-2 vụ ‘lình xình’ làm không tốt, sẽ làm cho hình ảnh của đường sắt xấu đi”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, trong năm 2017, đơn vị đã và đang thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm thay đổi chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ vận tải đường sắt để lấy lại niềm tin của hành khách, đồng thời sẽ hoàn thành cải tạo ga Hà Nội, đưa cửa soát vé tự động vào hoạt động, đưa suất ăn hàng không lên một số tuyến tàu có lưu lượng tốt…
Không có gì ăn sẵn được mãi
Phát biểu tổng kết, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho rằng, mặc dù kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm vừa qua tăng trước sự cạnh tranh khốc liệt của đường bộ, hàng không và bước đầu đã chặn được đà xuống dốc, nhưng thực tế ngành đường sắt vẫn đang đi giật lùi. Nghịch lý của sự không thua lỗ, được ông lý giải là do doanh nghiệp đã được “ăn sẵn” những di sản từ sau khi cổ phần hoá.
Một trong những điều hành khách đi tàu sợ nhất là "mùi trên tàu", khu vệ sinh... |
“Ngành đường sắt đang chậm tiến và đi giật lùi, nhưng doanh nghiệp lại không thua lỗ, vì ăn sẵn từ sau khi cổ phần hoá. Nhưng ai cũng hiểu logic đi giật lùi mãi sẽ có ngày phá sản, chẳng di sản ăn sẵn nào có thể còn mãi. Ngành đường sắt khẩn trương tìm nguồn để thay đổi các toa xe. Tổng công ty nên dồn sức cho tuyến ngắn, không nên tập trung vào tuyến Bắc-Nam vì khó cạnh tranh với hàng không. Trước đây, con một thì có vẻ túc tắc, nhưng nay cạnh tranh nhiều loại hình thì phải sắp xếp lại”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu.
Đối với an toàn giao thông, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, trong Luật Đường sắt phải sửa từ “lối đi tự mở” chứ không phải dùng từ “lối đi dân sinh” và đề nghị Tổng công ty Đường sắt phối hợp với các địa phương nơi có tuyến đường sắt đi qua để ngăn tình trạng đường ngang dân sinh tự phát nhằm kéo giảm tai nạn giao thông./.
Thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, trong sáu tháng đầu năm 2017, vận tải của đường sắt đạt hơn 3.719 triệu tấn Km, bằng 108,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải hơn 2.268 tỷ đồng, bằng 108,4% so với cùng kỳ năm trước.
Còn tính chung sản lượng của toàn Tổng công ty thời gian qua đạt hơn 3.796 tỷ đồng, đạt 110,5% so với cùng kỳ; doanh thu hơn 3.515 tỷ đồng, bằng 103,8%; thu nhập bình quân 7,4 triệu đồng/người/tháng, bằng 105,8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận được công ty mẹ tính toán theo báo cáo nhanh là 62,7 tỷ đồng.