Dịch Covid-19 bùng phát khiến hàng triệu lao động bị mất việc, dịch bệnh cũng tạo ra một làn sóng dịch chuyển lao động từ các trung tâm kinh tế lớn về các địa phương cũng như sự chuyển dịch trong cơ cấu ngành nghề. Các chuyên gia cho rằng, để hàn gắn đứt gãy thị trường lao động cần có những chiến lược lâu dài.

Theo số liệu từ Bộ LĐ-TB-XH, từ đầu năm 2021, Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hàng chục triệu lao động. Trong quý 3, người lao động bị tác động nhiều nhất với 4,7 triệu lao động bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, trên 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm. Đặc biệt, vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ông Lê Tuấn Anh, Trưởng phòng nhân sự Công ty Trà Cozy cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc sản xuất, kinh doanh gặp không ít khó khăn. Khu vực miền Nam là thị trường lớn của công ty này, nhưng trong nhiều tháng liền, các tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 khiến lượng hàng hóa tiêu thụ giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu trong nước.

Sau khi dịch bệnh dần được kiểm soát, doanh nghiệp này đang đẩy mạnh việc kinh doanh, có nhu cầu tuyển thêm chuyên viên marketing và giám đốc marketing, mức lương vị trí chuyên viên marketing từ 20-25 triệu đồng/tháng, vị trí giám đốc marketing, mức lương lên đến 40-60 triệu đồng/tháng. Đây được cho là mức lương khá tốt trên thị trường, tuy nhiên, việc tuyển dụng vẫn rất khó khăn. Theo ông Lê Tuấn Anh, nguyên nhân do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, người lao động chưa muốn thay đổi công việc, bên cạnh đó, thời điểm cận Tết nên họ có tâm lý ngại chuyển việc. Dù đã thông qua nhiều kênh tuyển dụng các nhau, nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa tuyển đủ nhân sự.

Còn theo đại diện Công ty Cổ phần May Việt Thắng (TP Thủ Đức, TP.HCM), mặc dù TP.HCM đã mở cửa từ đầu tháng 10, các hoạt động giao thông vận tải cũng đã kết nối trở lại, nhưng hiện nay tỷ lệ người lao động quay lại cũng chỉ đạt 80%. Hiện doanh nghiệp đang cần tuyển thêm khoảng 100 công nhân, nhưng từ hơn 1 tháng nay vẫn chưa thể tuyển đủ, nguyên nhân do một số lao động tại các tỉnh miền Tây đã về quê tránh dịch nhưng không trở lại địa phương tìm kiếm việc làm.

Trong khi đó, nhiều lao động tại các thành phố lớn sau khi về quê lại lâm vào tình cảnh khó khăn, không có việc làm. Gia đình anh Nguyễn Mạnh Khương, huyện Cái Nước, Cà Mau làm công nhân ở Bình Dương và đã trở về địa phương tránh dịch, sau thời gian dài ở Bình Dương không có việc làm, anh Khương trở về quê với hai bàn tay trắng. Trong thời gian cách ly theo quy định, gia đình anh nhận được hỗ trợ của địa phương để trang trải khó khăn, sau đó, anh muốn tìm việc làm để ổn định đời sống nhưng vẫn chưa tìm được. Hiện anh Khương đang đi lấy bánh mì về bán để trang trải tạm bợ.

Chị Nguyễn Thị Quý (Văn Trấn, Yên Bái) cũng trở về từ TP.HCM từ tháng 10 sau thời gian dài mất việc, đời sống bấp bênh tại nơi đất khách quê người. Về quê, chị Quý có mong muốn tìm việc ngay gần nhà để tiện chăm sóc con cái, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được công việc phù hợp.

“Sống tại TP.HCM lương tháng khá, nhưng chi phí sinh hoạt, nhà ở cao, nên số tiền để ra cũng không còn được nhiều, tôi quyết định sẽ về làm gần nhà để tiện chăm sóc gia đình. Sau khi hết cách ly, tôi đã đến phỏng vấn tại Trung tâm dịch vụ việc làm nhưng vẫn chưa tìm được công việc phù hợp do tuổi đã cao”, chị Quý cho biết.

Thời gian qua, để phục hồi thị trường lao động, tại khu vực phía Bắc, các Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương, Bắc  Kạn cũng đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tổ chức các phiên giao dịch việc làm liên tỉnh, thành phố để hàn gắn đứt gãy của thị trường lao động.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, sau khi thành phố trở lại bình thường mới, hoạt động tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc Hà Nội và các tỉnh phía Bắc được tiến hành khá sôi nổi.

Trước đây, khi chưa có dịch, trung tâm phải trao đổi trực tiếp để nắm bắt nguyện vọng của người lao động cũng như nhà tuyển dụng. Khi dịch bệnh bùng phát, việc tư vấn trực tiếp rất hạn chế, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phải ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động tư vấn, trong đó có sử dụng các trang mạng xã hội, qua Zalo, email, để làm sao người ứng tuyển tiếp cận nhanh nhất với các vị trí việc làm, doanh nghiệp cũng tìm được nhân sự cần tuyển dụng.

“Sàn giao dịch việc làm trên phạm vi Hà Nội có trên 15 điểm, chúng tôi đã thường xuyên tổ chức, trao đổi chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh hoá. Trên địa bàn Hà Nội, nhóm lao động sản xuất, công nghệ thông tin truyền thông, tài chính ngân hàng, điện tử, tài chính quay trở lại tuyển dụng đông và dự báo sẽ hot trong thời gian tới”, ông Vũ Quang Thành cho biết.

Tương tự, ở phía Nam, các trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh khu vực ĐBSCL, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến liên tỉnh nhằm mở rộng cơ hội tìm kiếm cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Tại Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh cho hay, toàn tỉnh có 750.000 người lao động trở lại làm việc (đạt tỷ lệ 71% so số lao động cuối tháng 4/2021, trong các khu công nghiệp có 87% lao động đã trở lại làm việc).

Theo ông Phạm Văn Tuyên, dự báo tình hình thị trường lao động tỉnh Bình Dương sẽ không có tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong tháng 12/2021 và quý 1/ 2022, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh từ quý 2/2022 để đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Ông Phạm Văn Tuyên cho biết, để tạo thuận lợi cho người lao động trong tình hình mới, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm online, bởi vậy việc kết nối cung cầu lao động không chỉ trong phạm vi tỉnh, mà với nhiều tỉnh thành khác.

Đặc biệt, tỉnh Bình Dương đã triển khai việc ứng dụng CNTT trong kết nối việc làm tại các trung tâm dịch vụ việc làm, theo đó các trung tâm đã triển khai việc thu thập việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động vào cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động qua website vieclambinhduong.vn, kết nối trực tuyến người sử dụng lao động với người lao động. Doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin về nhu cầu, số lượng và vị trí tuyển dụng và cử cán bộ thực hiện phỏng vấn ngay tại công ty qua phần mềm hỗ trợ. Về phía người lao động, chỉ cần có kết nối internet trên máy tính hoặc điện thoại… là có thể tìm hiểu một cách đầy đủ nhất thông tin về doanh nghiệp và thực hiện trả lời phỏng vấn trực tuyến.

Ngoài ra, Bình Dương đưa vào sử dụng trang zalo “Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương”, hỗ trợ người lao động các thông tin về chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo nghề và việc làm, lao động có thể đăng ký tìm việc trực tiếp trên trang zalo. Trên cơ sở thông tin ứng viên tìm việc, nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối việc làm phù hợp, nhanh nhất.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, hiện nay các doanh nghiệp có đông lao động vẫn chưa hoạt động hết công suất và rất thận trọng khi tăng quy mô lao động để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch.

Từ nay đến cuối năm, nếu doanh nghiệp nâng công suất hoạt động bình thường như trước thời điểm diễn ra dịch Covid-19, dự kiến sẽ thiếu hụt lao động nhưng không ở mức trầm trọng.

Theo ông Lê Minh Tấn, quý 1/2022 rơi vào thời điểm đón Tết Nguyên đán, đây cũng là lúc các doanh nghiệp cần tuyển nhiều lao động để bổ sung vào lực lượng lao động chuyển đổi việc làm hoặc người lao động về quê chưa trở lại sau Tết. Nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục được kiểm soát tốt, tác động tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế, thì trong quý 1/2022, sẽ cần khoảng 75.000 chỗ việc làm cho sự phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Lê Minh Tấn, hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tập trung vào các ngành nghề sử dụng nhiều lao động không yêu cầu tay nghề cao. Do đó, mức lương khởi điểm khi bắt đầu công việc chưa thể bảo đảm cuộc sống cho người lao động và những người phụ thuộc. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa có các chính sách chăm lo tốt cho người lao động để yên tâm làm việc, việc làm của người lao động không ổn định nên sẽ gặp khó khăn khi tuyển dụng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động kết nối việc làm sau dịch bệnh, ông Tấn cho biết, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã triển khai hoạt động kết nối cung – cầu lao động như nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đặc biệt trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, công nghệ cao. Tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến, thực hiện tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động và kết nối cung – cầu lao động đến các doanh nghiệp. Kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều tham gia sàn giao dịch việc làm khu vực ĐBSCL để tìm kiếm nguồn lao động sau khi trở về các địa phương.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, trong và sau đợt dịch lần thứ tư vừa qua đã diễn ra một đợt dịch chuyển lao động lớn nhất từ trước tới nay. Số lao động di chuyển từ Đồng Nai về các tỉnh ước khoảng 50.000 - 60.000 người, chủ yếu tập trung về các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên.

Theo báo cáo chưa đầy đủ, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu sử dụng khoảng 35.000 - 40.000 lao động, các doanh nghiệp khá khó khăn để có thể tuyển dụng đáp ứng nhu cầu trên, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm, do tâm lý người lao động hiện còn e ngại quay trở lại làm việc do tình hình dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn.

Theo bà Hiền, tình trạng khan hiếm lao động có thể sẽ tiếp diễn trong quý 1 và quý 2/2022 càng làm cản trở đà phục hồi của các doanh nghiệp.

Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, để thu hút lao động quay trở lại thị trường lao động trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát, cần tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến hoặc trực tiếp tại các trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố. Đặc biệt cần đẩy mạnh việc kết nối trực tuyến để hạn chế việc đi lại cho người lao động. Các đơn vị chức năng cần chủ động rà soát, nắm bắt thông tin về nguồn lao động thất nghiệp địa phương, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, xây dựng phương án hỗ trợ kết nối việc làm giữa lao động và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.

Thị trường lao động bị đảo lộn do dịch Covid-19 không chỉ cần những giải pháp hàn gắn mang tính tức thời, mà hơn hết cần những giải pháp mang tính dài hạn.

Nói thêm về điều này, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho rằng, thời gian tới, ngành LĐ-TB-XH cần xây dựng các ứng dụng thu thập thông tin cung - cầu lao động có kết nối với cơ sở dữ liệu chung của quốc gia, như cơ sở dữ liệu dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký thành lập doanh nghiệp và dữ liệu thuế để nắm bắt tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, tình trạng tham gia hoạt động kinh tế của người lao động, từ đó có các chính sách ứng phó kịp thời hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động trong giai đoạn đầu quay lại các tỉnh, thành phố làm việc như hỗ trợ chi phí về nhà ở, sinh hoạt, di chuyển, xét nghiệm Covid-19. Đẩy mạnh liên kết vùng, điều tiết cung cầu lao động phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm khu vực kết nối cung nhân lực và cầu nhân lực theo yêu cầu của xã hội. Đặc biệt, để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động và đặc biệt là lao động ngoại tình cần xã hội hóa xây nhà lưu trú, ký túc xá, nhà ở giá rẻ cho người lao động có thu nhập thấp, không có chỗ ở ổn định, vận động các nhà chủ trọ hỗ trợ giảm giá tiền trọ để người lao động giảm gánh nặng về nhà ở khi làm việc và sinh sống tại thành phố.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, TS Ngô Quỳnh An, Phó Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, để đảm bảo an toàn trên thị trường lao động, ngoài việc thúc đẩy người lao động tham gia BHXH tự nguyện còn cần thêm chính sách, giải pháp để định vị lại thị trường lao động sau làn sóng Covid-19 lần thứ 4.

“Tại các địa phương, chúng ta cần xây dựng lại bản đồ hóa kỹ năng lao động để xem phía cung, phía cầu lao động hiện nay người ta cần gì. 

Đối với những lao động hồi hương, nếu trước mắt chúng ta chưa sử dụng họ, có thể điều chuyển đến những vùng lân cận, không thúc đẩy di chuyển quá xa, bởi mô hình lao động hiện nay vẫn là di chuyển tự do, trong khi đó, hệ thống tiếp cận dịch vụ xã hội chưa được đào tạo đầy đủ. Vì vậy, sự di chuyển này mang lại rủi ro rất lớn.

Mặc dù ban đầu, các doanh nghiệp có thể thấy việc lao động di chuyển tự do chi phí thấp, nhưng khi đại dịch xảy ra, các chi phí chồng chất và lên rất cao. Đó sẽ là tổn thất lớn nhất đối với cả người lao động và người sử dụng lao động, tạo tiền đề đứt gãy nguồn cung lao động”, TS Ngô Quỳnh An nói.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng, cần đẩy mạnh số hóa thị trường lao động. Khi đó, sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin về lao động cũng như doanh nghiệp. Như vậy quản lý thị trường, phổ biến thông tin và định hướng lao động cũng dễ dàng hơn.

Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, ngày 5/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, với mục tiêu tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Sự bùng phát của dịch Covid-19 ở nước ta trong nửa đầu năm 2021 đã ảnh hưởng rất xấu đến thị trường lao động, gây khó khăn và thách thức lớn trong giai đoạn đầu triển khai Chương trình. Cụ thể như việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển cung, cầu lao động, hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao đông và tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm kết nối cung-cầu lao động…

Hiện nay, Bộ LĐ-TB-XH đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương nỗ lực thực hiện việc phát triển thị trường lao động. Bộ cũng đang tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để có những báo cáo, định hướng, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và các văn bản quy phạm pháp luật về thị trường lao động; thực hiện các chính sách vay vốn, cũng như các dự án khác.

Đặc biệt, Cục Việc làm – Bộ LĐ-TB-XH cũng đang nghiên cứu xây dựng đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, việc làm kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động phân tích, dự báo thị trường lao động để kịp thời cung cấp thông tin định hướng cho các chủ thể tham gia thị trường lao động.

“Trong đợt dịch vừa rồi, chúng tôi nhận thấy rằng việc thu thập, nắm bắt thông tin thị trường lao động, cũng như tình hình lao động, việc làm, cung-cầu lao động là một việc rất cần thiết phải triển khai. Ngoài ra, Bộ cũng đầu tư nâng cao năng lực hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm để giúp các trung tâm thực hiện các hoạt động giao dịch việc làm. Hiện nay chúng tôi cũng đang đề xuất các tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm dịch vụ việc làm kết nối liên thông, thu thập, nắm chắc thông tin về nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cũng như nhu cầu, nguyện vọng của người lao động để kết nối liên thông giữa các vùng với nhau, qua đó tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến để kết nối cung-cầu lao động hiệu quả”, ông Tào Bằng Huy cho biết./.


Thứ Tư, 06:53, 08/12/2021