Gần 11.000 phụ nữ mại dâm sẽ được tiếp cận và chăm sóc
VOV.VN -Giai đoạn 2015-2017, dự kiến sẽ có hàng chục nghìn người đồng tính, người nghiện, phụ nữ mại dâm được tiếp cận và chăm sóc.
Tại hội thảo “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS”, do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 20/11 tại Hà Nội, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế và các cơ quan của nhà nước luôn đánh giá cao sự đóng góp có hiệu quả của các tổ chức xã hội và cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam.
TS. Hoàng Đình Cảnh đánh giá cao vai trò của các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS |
Các tổ chức xã hội đã đóng góp tích cực, có hiệu quả trong công tác vận động chính sách, tham gia xây dựng các văn bản pháp luật; cung cấp các dịch vụ dự phòng; huy động nguồn lực…
TS Hoàng Đình Cảnh khẳng định, việc VUSTA được Quỹ toàn cầu, Ban điều phối quốc gia Việt Nam, Bộ Y tế và các bên liên quan thống nhất đề xuất trở thành đơn vị tiếp nhận viện trợ chính của Quỹ toàn cầu để triển khai dự án phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015 – 2017 tại 15 tỉnh, thể hiện sự đánh giá cao đó.
Theo GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch VUSTA, giai đoạn 2015 – 2017, địa bàn triển khai hoạt động của dự án sẽ được thực hiện tại 15 tỉnh, thành gồm: Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa.
Dự án tập trung thực hiện các mục tiêu chính như cung cấp các dịch vụ dự phòng HIV cho các nhóm chính. Dự kiến đến năm 2017 sẽ có trên 26.240 người quan hệ đồng tính nam, 44.892 người nghiện chích ma túy và gần 10.478 phụ nữ mại dâm được tiếp cận và chăm sóc.
Dự án cũng củng cố hệ thống cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia một cách hiệu quả và bền vững vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, tạo môi trường thuận lợi về mặt pháp lý cho các nhóm chính tiếp cận vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
“Dự án thực hiện thành công sẽ góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia 90 – 90 – 90 vào năm 2020 và hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030” – ông Đặng Vũ Minh phát biểu.
Theo đánh giá, việc khởi động dự án giai đoạn 2015 – 2017 là một thách thức rất lớn, nhưng thực sự quan trọng để các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng tham gia chủ động, tích cực vào ứng phó quốc gia đối với đại dịch HIV/AIDS, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia và các cam kết của Việt Nam./.