Gần 33.000ha cây keo, cây cao su ngã đổ do mưa bão ở Quảng Nam
VOV.VN - Các đợt mưa bão vừa qua đã làm gần 33.000ha cây keo và cây cao su của nông dân tỉnh Quảng Nam ngã đổ, người trồng cây cao su lâm cảnh trắng tay.
Sau bão số 9, hơn 3ha cây keo và cây cao su của gia đình ông Nguyễn Thành Trung, ở thôn Xuân Ngọc, xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng nam bị gãy đổ, hư hỏng hoàn toàn. Vườn cao su của ông Trung đã trồng hơn 10 năm đang vào giai đoạn thu hoạch. Trước bão, ông Trung dự định qua Tết sẽ thu hoạch lứa cây cao su đầu tiên để có tiền trả bớt nợ nần nhưng bây giờ bão đã quật ngã, ông chịu cảnh trắng tay.
“Gia đình tập trung nguồn vốn lớn nhất dồn vào cây cao su và cây keo lâm nghiệp, đến bữa nay phải chịu thiệt hại rất lớn. Kinh tế của bà con chúng tôi ở đây chủ yếu sống nhờ vào cây cao su, cây keo lâm nghiệp, không có ruộng nông nghiệp. Bão làm đổ ngã hết không thể khôi phục được, giờ phá trồng lại, nhưng phải chờ có nguồn vốn mới thể làm được. Cuộc sống hết sức khó khăn, rất mong có sự giúp đỡ của Nhà nước”, ông Nguyễn Thành Trung nói.
Theo bà Phạm Thị Lộc, ở xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, những cây keo ngã đổ chỉ có thể làm củi đốt, cây còn nguyên vẹn thì bán với giá thấp. Nếu trước đây, giá cây keo khoảng 1,2 triệu đồng/tấn thì bây giờ giảm xuống còn 500.000-600.000 đồng/tấn nhưng ít người mua. Huyện Núi Thành đã lập đoàn kiểm tra xuống các xã, phối hợp với địa phương thống kê, kiểm tra lại diện tích và tỷ lệ thiệt hại để có phương án hỗ trợ, giúp bà con khôi phục lại sản xuất.
Ông Nguyễn Đức An, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Cây keo, cây cao su thiệt hại cực kỳ lớn, hầu như các vùng núi diện tích keo 2 - 3 năm của người dân bị ngã đổ, thiệt hại trên 50% diện tích. Còn cây cao su thiệt hại khá lớn. Cây khoảng 3-4 năm tuổi, người dân đốn hạ và đưa vào nhà máy để bán thu hoạch còn những cây keo 2 năm, 1 năm thì thiệt hại nhiều. Giá thành của cây keo trước đây cao, khi thiệt hại, bị công ty, nhà thu gom ép giá nên bị giảm giá. Huyện đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp các địa phương tổng hợp tính toán hỗ trợ cho người dân”.
Tại tỉnh Quảng Nam, sau bão số 9, gần 33.000ha cây keo, cây cao su bị gãy đổ, nặng nhất là ở các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Hiệp Đức, Nông Sơn, Tây Giang, Nam Giang.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, ngành Nông nghiệp tỉnh đã cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, giúp người trồng rừng khắc phục lại những diện tích keo ngã đổ; phối hợp với các địa phương đề xuất chính sách hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do thiên tai.
“Bão số 9 vừa qua gây thiệt hại về rừng trồng rất lớn. Đặc biệt là cây keo và cây cao su. Tỉnh đã cho cán bộ kỹ thuật về giúp cho bà con. Diện tích nào mà khai thác được chúng tôi chủ động khai thác. Những diện tích gãy đổ chúng tôi có cách chăm bón, tỉa giữ lại những phần còn lại. Riêng cây cao su gãy thiệt hại tương đối lớn thì phải trồng lại từ đầu”, ông Hồ Quang Bửu nói./.