Gần 400 con gia súc ở Sơn La bị chết do rét đậm, rét hại
VOV.VN - Đợt rét đậm, rét hại vừa qua đã gây thiệt hại lớn với người nông dân tỉnh Sơn La.
Theo thống kê, tổng số gia súc và vật nuôi bị chết rét là gần 400 con, chủ yếu là bê, nghé, lợn con. Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng trên 5 tỷ đồng.
Theo ông Cao Viết Thịnh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sơn La, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trước và trong khi thiên tai xảy ra, UBND tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã thành lập các đoàn công tác xuống cơ sở, phối hợp với các xã chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nhân dân đưa gia súc về chuồng, che chắn kín gió, bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng, thức ăn tinh, làm khô réo nền chuồng và thực hiện che chắn cho cây trồng… Tuy nhiên, do những ngày qua nhiệt độ xuống rất thấp, vùng núi cao phổ biến từ 2 đến 4 độ C, có nơi dưới 0 độ và xảy ra băng giá, sương muối…, nên thiệt hại là khó tránh khỏi.
Dự báo, khoảng gần sáng 17/1, tiếp tục có một bộ phận không khí lạnh mạnh tăng cường và ảnh hưởng đến các tỉnh khu vực Tây Bắc. Các vùng núi cao của tỉnh Sơn La nhiệt độ có nơi dưới 2 độ, khả năng xảy ra băng tuyết và sương muối.
Để chủ động ứng phó với đợt rét này, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La đã có công văn đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố thường xuyên cập nhật diễn biến của không khí lạnh gây rét đậm, rét hại để người dân biết, chủ động phòng chống.
Ngoài tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ khô nền, ấm chuồng và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi; hướng dẫn việc chăn thả và nuôi nhốt trâu bò để tránh rét; chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng, chống rét cho đàn gia súc, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La cũng yêu cầu các huyện, thành phố tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống rét tại cơ sở; khi có thiệt hại thì kịp thời thống kê, xác minh đầy đủ diện tích cây trồng, số lượng vật nuôi bị chết rét, báo cáo UBND tỉnh để tổng hợp và kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ, giúp người dân nhanh chóng ổn định sản xuất, đời sống./.