Gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô và di tích 48 Hàng Ngang
VOV.VN - Đám tang cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, người đã hiến trên 5.000 lượng vàng cho cách mạng sẽ được tổ chức trọng thể theo nghi thức cấp cao vào ngày 14/11.
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, người giữ "tay hòm chìa khóa" gia sản của gia đình nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô (1914 - 1988) vừa qua đời tối 5/11/2017, hưởng thọ 104 tuổi. Bà là bậc nữ lưu hào kiệt của Việt Nam trong thế kỷ XX.
Nơi khai sinh Bản Tuyên ngôn Độc lập
Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (mặt sau là số 35 phố Hàng Cân) là ngôi nhà 4 tầng, hai mặt phố, bên dưới là cửa hàng.
Nhà được xây dựng “hình ống”, gồm 3 khối, nối với nhau bởi giếng trời. Mặt tiền phía phố Hàng Ngang rộng chừng 6m, là cửa hàng. Phía sau là sân, bếp, khu phụ.
Ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang |
Ngôi nhà là một địa chỉ đỏ thời kỳ đầu Cách mạng Việt Nam, nay đã trở thành di tích, điểm đến của du khách khi đến thăm Hà Nội.
Ngôi nhà là nơi lưu giữ biết bao câu chuyện về Bác Hồ khi Người ở đây năm 1945, là nơi ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đây còn là nơi lưu giữ những kỷ niệm của Bác Hồ với gia đình doanh nhân yêu nước, ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ.
72 năm trước, ngôi nhà 48 Hàng Ngang thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, một doanh nhân buôn tơ lụa nổi tiếng giàu có.
Ngày 25/8/1945, Bác Hồ được các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Trần Đăng Ninh… đưa đến đây được chủ nhà bố trí ở một căn phòng trên tầng 2 và Bác đã lưu trú lại đây từ tối 25 - 30/8/1945, đó là những ngày lịch sử của đất nước, dân tộc.
Tại đây, Bác Hồ đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Những “ngày đặc biệt” tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, phòng ăn của gia đình được dùng làm phòng họp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ban Thường vụ Trung ương Đảng.
Tại căn phòng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp với Ban Thường vụ Trung ương Đảng bàn, thông qua 3 nội dung quan trọng là Tuyên ngôn Độc lập; tổ chức lễ Quốc khánh và thành phần Chính phủ lâm thời nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tổ chức yêu nước, quyết định ngày tuyên bố độc lập.
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ. |
Sau này, ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã được gia đình ông bà Trịnh Văn Bô hiến tặng cho Nhà nước và trở thành một di tích lịch sử, bởi nơi đây đã gắn liền với sự kiện quan trọng của đất nước.
Hầu hết những vật dụng trong nhà đều được bảo vệ cẩn thận, những nét xưa của ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn, cửa mở cho du khách ra vào tự do.
Kỷ niệm với Bác Hồ
Chúng tôi gặp những người quen biết với gia đình ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ và được nghe nhiều câu chuyện về gia đình bà, về những đóng góp của gia đình bà cho Cách mạng.
Một trong những câu chuyện khiến chúng tôi xúc động là cuộc gặp bất ngờ giữa bà Hoàng Thị Minh Hồ (khi đó mới 31 tuổi) và “ông cụ thượng cấp”, người mà bà không hề biết đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ngôi nhà 48 Hàng Ngang, bà Hoàng Thị Minh Hồ là người trực tiếp và chỉ đạo nhà bếp nấu ăn phục vụ. Hằng ngày vào 9 giờ, ông bà thay nhau mang cháo và hoa quả lên dù khi đó chưa biết Bác là ai.
Chiều tối ngày 26/8/1945, bà Minh Hồ đem thức ăn tối lên mời. Một ông cụ ra mở cửa cho bà, sau khi lễ phép chào và đặt khay thức ăn lên bàn, bà định đi xuống nhà, ông cụ liền chỉ tay vào chiếc ghế mời bà ngồi.
Là chủ nhà nhưng lúc ấy mới được tiếp xúc với “ông cụ thượng cấp”, người mà bà thường nghe các đồng chí lãnh đạo nhắc đến một cách kính cẩn. Tuy không biết ông cụ giữ chức vụ gì nhưng bà đoán chắc chắn ông cụ phải là người quan trọng.
“Ông cụ thượng cấp” thân thiện nhìn bà rồi hỏi: “Cô tên là gì?”. “Thưa cụ! Cháu là Trịnh Văn Bô ạ”.
Nghe bà trả lời vậy, ông cụ niềm nở cười thành tiếng: “Cháu là con gái sao lại là Trịnh Văn Bô, phải là Trịnh Thị... chứ?”.
Bà cười ngượng ngập, tự nhủ mình đã mất bình tĩnh. Tiếng “ông cụ thượng cấp” vẫn trầm ấm: “Trịnh Văn Bô là tên chú ấy. Tôi muốn được biết tên của cô”. “Dạ, thưa cụ! Cháu tên là Hoàng Thị Minh Hồ ạ”.
“Họ Hoàng, tên là Minh Hồ!...”, ông cụ cứ nhắc đi nhắc lại mấy lần câu đó rồi lại cất giọng ấm áp: “Cháu còn trẻ và đẹp. Tuổi trẻ nhưng cháu có tấm lòng người mẹ cao cả, cháu giàu của lại giàu lòng thương người nghèo khó, thương người hoạt động vì nước. Cháu là người yêu nước, cháu vẹn toàn cả hai vai: Đảm việc nhà, tham gia việc nước...”.
Xúc động, ấp úng mãi bà Minh Hồ mới nói thành lời: “Thưa cụ! Được phục vụ cụ, phục vụ cách mạng là niềm vinh dự của gia đình cháu ạ!”.
Một tuần sau ngày lễ Tuyên ngôn Độc lập, tại Phủ Chủ tịch, ông bà Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ được Bác Hồ tặng một chiếc ngà voi, trên có khắc một đàn voi, vòi con nọ quấn lấy con kia cùng với lời thân mật: “Thay mặt Trung ương Đảng, tặng gia đình cô món quà này, chúc gia đình và cách mạng đoàn kết như đàn voi này”.
Doanh nhân hào kiệt
Không chỉ có ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang mà gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô đã hiến cho Nhà nước sau này. Trong những ngày đầu, ngay sau Cách mạng tháng 8/1945, khi quốc khố gần như trống rỗng, chỉ có hơn 1 triệu đồng tiền Đông Dương thì quá nửa là tiền cũ, rách nát, không tiêu được. Khi đó, bà Hoàng Thị Minh Hồ cùng chồng là thương gia Trịnh Văn Bô đã ủng hộ Chính phủ trong Tuần lễ vàng số tiền lên đến 5.147 cây vàng.
Nói về nghĩa cử của vợ chồng nhà tư sản Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ, GS-NGND Vũ Dương Ninh nhận định: “Đây là tấm gương doanh nhân Việt Nam, trong lúc đất nước khó khăn nhất đã mang gần hết tài sản của mình để ủng hộ Cách mạng.
Gia đình cụ Trịnh Văn Bô là tấm gương sáng chói và cũng tiêu biểu cho tình cảm của người Việt Nam lúc bấy giờ, trong những ngày sôi nổi cách mạng để giành lại độc lập cho đất nước…"./.