Gia tăng bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người

VOV.VN - Nhiều bệnh truyền nhiễm mới nổi gần đây như: Zika, MERS-CoV, SARS, cúm gia cầm H7N9, H5N1, cúm H1N1... đe dọa tính mạng con người.

Sáng nay (24/2), phát biểu tại hội thảo tham vấn giữa cơ quan Chính phủ và các trường Đại học về xây dựng và phát triển nguồn nhân lực Một sức khoẻ, TS. BS Phạm Đức Phúc, điều phối viên mạng lưới Một sức khoẻ các trường Đại học Việt Nam (VOHUN) cho biết: Mục tiêu của hội thảo là giúp các khối trường Đại học nắm bắt được nhu cầu công việc, nguồn nhân lực thực sự và năng lực của các cán bộ mà cơ quan Chính phủ cần để điều chỉnh chương trình đào tạo với mục đích đáp ứng nhu cầu của xã hội và góp phần đảm bảo an ninh y tế toàn cầu.

TS. BS Phạm Đức Phúc

Theo TS Phúc, “Một sức khoẻ” là một phương thức phối hợp xuyên ngành nhằm đảm bảo sức khoẻ con người, động vật và môi trường đã được FAO, tổ chức Động vật Quốc tế (OIE) và WHO công nhận. Phương thức tiếp cận Một sức khoẻ nhằm khuyến khích nỗ lực hợp tác xuyên ngành tại các cấp địa phương, quốc gia, quốc tế và áp dụng các kiến thức chuyên môn nhằm cải thiện tối đa sức khoẻ con người, động vật và môi trường. Ngoài áp dụng cho các bệnh truyền nhiễm, “Một sức khoẻ” còn là nội dung quan trọng cho công tác phòng ngừa, giám sát và ứng phó các bệnh lây truyền giữa động vật và người. Từ góc độ y tế công cộng, mục tiêu cuối cùng của Một sức khoẻ là làm thế nào để tối ưu sức khoẻ con người, sức khoẻ động vật và sức khoẻ môi trường.

“Vì những vấn đề sức khoẻ toàn cầu hiện nay, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm mới nổi gần đây như: Zika, MERS-CoV, SARS, cúm gia cầm H7N9, H5N1, cúm H1N1 gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế toàn cầu mà Một sức khoẻ đang được kỳ vọng áp dụng như một cách tiếp cận chính để kiểm soát các bệnh này”- TS Phúc cho biết.

Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Đại học Y tế Công cộng – thành viên Mạng lưới Một sức khoẻ các trường Đại học Việt Nam nhấn mạnh: “Mạng lưới Một sức khoẻ các trường Đại học Việt Nam được thành lập từ ngày 22/11/2011 do USAID tài trợ. Với sự tham gia của 17 trường và khoa thời điểm ban đầu, đến nay đã lên đến 18 khoa/trường đào tạo về y tế, y học dự phòng, y tế công cộng, thú y, điều dưỡng, môi trường nhằm thúc đẩy và phát triển một cách mạnh mẽ cho khái niệm “Một sức khoẻ” tại Việt Nam.

GS. TS Bùi Thị Thu Hà

Theo GS Hà, với sứ mệnh liên kết và trao quyền cho các trường Đại học hàng đầu tại Việt Nam để tạo ra nguồn lực xã hội và trí tuệ về Một sức khoẻ chống lại các bệnh truyền nhiễm và bệnh lây nhiễm giữa động vật và người.

 

“Chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo về Một sức khoẻ để giảng dạy cho khối các trường Y dược và Nông lâm trên toàn quốc. Đồng thời, xây dựng những khoá học đào tạo liên tục về năng lực cốt lõi Một sức khoẻ dành cho các cán bộ y tế, thú y và môi trường tuyến cơ sở”.

GS Hà nhấn mạnh: “Mạng lưới đang từng bước hỗ trợ các cơ quan Chính phủ tạo ra nguồn lực hiện tại và tương lai có một nền tảng kiến thức và kỹ năng thực hành vững chắc về Một sức khoẻ, để đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch bệnh đảm bảo sức khoẻ công cộng, sức khoẻ sinh thái, sức khoẻ môi trường cũng như đóng góp vào đảm bảo an ninh y tế toàn cầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên