Gia tăng tai nạn giao thông trong thanh thiếu niên người đồng bào thiểu số

VOV.VN - Thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nạn nhân chủ yếu là thanh thiếu niên người đồng bào thiểu số.

Chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người điều khiển xe máy phải đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia, tuân thủ luật giao thông đường bộ, nhưng các vụ vi phạm chưa có dấu hiệu giảm.

Nhóm lỗi thanh thiếu niên dân tộc thiểu số thường gặp là chưa đủ tuổi điều khiển các phương tiện giao thông, không có giấy phép lái xe; vi phạm các quy định về đội mũ bảo hiểm, tốc độ, nồng độ cồn; tụ tập dàn hàng ngang trên đường, rú ga gây mất trật tự công cộng. Nhiều vụ việc được ngăn chặn kịp thời, tuy nhiên, cũng có nhiều vụ việc đã gây hậu quả nặng nề, để lại đau thương, mất mát cho người thân. 

Hồi đầu năm 2021, riêng xã Ia Hrú đã có 5 trường hợp tử vong.  Ông Huỳnh Thái Nghiêm, Chủ tịch UBND xã Ia Hru, huyện Chư Pưh cho biết, cả 5 trường hợp đều không đội mũ bảo hiểm, 2 người chưa có giấy phép lái xe mô tô. Cùng với những nguyên nhân trực tiếp này, ông Nghiêm cho rằng, có một phần lỗi xuất phát từ tâm lý nuông chiều con cái của bà con địa phương: “Gia đình nuông chiều con cái trong vấn đề xe cộ. Dù không có điều kiện, nhưng gia đình cũng mua bằng được xe cho con. Sự tham gia giao thông chưa nhận thức đầy đủ, nên dẫn tới những hậu quả đau lòng như thế. Người thân trong gia đình rất bất ngờ, không nghĩ con cái tới tuổi trưởng thành, tham gia giao thông lại mất mát, bất ngờ như thế. Họ rất đau lòng, đau khổ.”

Phân tích các vụ tai nạn giao thông trong vùng dân tộc thiểu số, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai cho biết, đa số các nạn nhân là thanh thiếu niên, lao động chính của các gia đình. Lỗi gây ra tai nạn phổ biến là các hành vi tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, điều khiển xe mô tô phân khối lớn, sử dụng rượu bia, lưu thông quá tốc độ cho phép, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng… chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Già làng Puih Hieng, làng Trol Đeng, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, cho biết: Việc tuyên truyền hướng đến khuyến cáo cha mẹ không nuông chiều, mua các loại xe phân khối lớn cho con khi chưa đủ tuổi; khuyên bảo các em phải chấp hành luật giao thông. Nếu còn xảy ra vi phạm, ngoài chịu trách nhiệm trước pháp luật, làng sẽ có biện pháp để răn dạy thanh thiếu niên vi phạm. 

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó Trưởng ban An toàn Giao thông tỉnh Gia Lai cho biết đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trong thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số có mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở địa bàn nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những nơi có tuyến quốc lộ đi qua. Trong đó, tỉnh chú trọng các biện pháp kết hợp giữa tuyên truyền và xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông:

“Thứ nhất, kết hợp tuyên truyền diện rộng với vận động cá biệt những thanh niên hay uống rượu, có hành động càn quấy khi tham gia giao thông. Thứ hai là việc tuần tra, kiểm soát, không chỉ trên các tuyến quốc lộ mà còn tuần tra trên hệ thống giao thông nông thôn, đặc biệt các tuyến kết nối khu dân cư ra quốc lộ nhằm ngăn chặn ngay từ đầu các nguyên nhân có thể xảy ra tai nạn giao thông trên quốc lộ.”- ông Nguyễn Văn Hạnh cho biết thêm.

Qua các đợt tuyên truyền của tổ chức đoàn than niên, của Ủy ban an toàn giao thông, nhiều người đã thay đổi nhận thức, hành động khi tham gia giao thông. Anh Siu Hiên (làng Rú Rưng, xã Ia Hrú) cho biết: “Bản thân tôi sau này tham gia giao thông sẽ chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước. Trước khi tham gia giao thông là tôi đôi mũ bảo hiểm, không uống rượu bia, không lạng lách, không đục bô xe.”    

Lực lượng cảnh sát giao thông huyện Mang Yang đã đến trực tiếp từng gia đình có thanh thiếu niên cá biệt động viên, tuyên truyền về luật giao thông đường bộ kết hợp cho các em xem hình ảnh, hậu quả của các vụ tai nạn nghiêm trọng do thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Với cách thức mưa dầm thấm lâu, thông qua hình ảnh trực quan sinh động, video trong điện thoại, tuyên truyền bằng cả hai thứ tiếng Kinh-Bahnar, Kinh-Jrai, góp phần chuyển biến được ý thức chấp hành giao thông của thanh thiếu niên chậm tiến vùng dân tộc thiểu số./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên