Gia tăng tình trạng buôn bán phụ nữ và xuất cảnh trái phép ở Nậm Pồ

VOV.VN - Địa bàn Nậm Pồ có trên 450 người vắng mặt. 1/4 số người là phụ nữ trẻ và trong độ tuổi lao động nghi là bị lừa bán sang Trung Quốc.

Mặc dù đã có nhiều giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, nhưng tình trạng mua bán người và xuất cảnh trái phép ra nước ngoài trên địa bàn huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên vẫn diễn biến phức tạp, với số vụ và nạn nhân bị bán đều tăng so với những năm trước. 

Trẻ em Nậm Pồ, Điện Biên.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã có trên 450 người vắng mặt tại nơi cư trú không có lý do. Trong đó có tới 1/4 số người là phụ nữ trẻ và trong độ tuổi lao động nghi là bị lừa bán sang Trung Quốc.

Ông Mùa A Sùng, bản Huổi Khương, xã Vàng Đán có con gái nghi bị lừa bán, lo lắng: “Từ khi con bị mất đến thời điểm bây giờ gia đình rất lo lắng, không biết làm thế nào. Không biết con mình có giải cứu được để đoàn tụ với gia đình như trước không”.

Tỉnh Điện Biên có đường biên giới dài, nhiều đường mòn, lối mở thông thương với nước bạn Lào, lại có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, bà con 2 bên biên giới có các mối quan hệ thân tộc, dân tộc. Đây là một trong các điều kiện để tội phạm buôn bán người gia tăng, với nhiều hình thức và thủ đoạn mới. Các đối tượng tạo lập thành đường dây, ổ nhóm, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở nước ngoài với các đối tượng ở địa bàn khu vực biên giới và các đối tượng từ các tỉnh nội địa để dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em đến Lào Cai tìm việc làm. Nhưng thực chất, chúng lừa đưa sang Hà Khẩu (Trung Quốc) bán cho các chủ chứa mại dâm.

Nạn nhân của các đường dây buôn người tập trung vào số phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, có những mâu thuẫn trong gia đình, số thanh niên đua đòi, thích ăn chơi, lười lao động, phụ nữ ở các thôn bản, vùng sâu, vùng xa thiếu việc làm, trình độ nhận thức hạn chế... Đặc biệt, gần đây nhiều đối tượng là người dân tộc thiểu số, lợi dụng mối quan hệ thân tộc và sự nhẹ dạ của các thiếu nữ là người cùng dân tộc để lừa bán sang Trung Quốc. Chúng còn lợi dụng phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số như "kéo vợ" của người Mông, ở rể của người Dao... để giả vờ yêu đương, hứa hẹn kết hôn, rồi dụ dỗ nạn nhân đi thăm nhà người thân và lừa đưa qua biên giới bán.

Thượng tá Trần Ích Chính, Phó trưởng công an huyện Nậm Pồ cho biết thêm: “Trên địa bàn huyện hiện nay có 68% người dân là đồng bào dân tộc Mông, chủ yếu là đồng bào Mông từ các tỉnh phía Bắc di cư vào địa bàn huyện sinh sống. Lợi dụng các mối quan hệ thân tộc, dân tộc, các đối tượng vào địa bàn. Rồi lợi dụng tính cả tin, thật thà chất phác của người dân để lừa, đưa sang Trung Quốc bán”.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới sẽ tiếp tục gia tăng. Nhằm tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này, thượng tá Trần ích Chính, Phó trưởng công an huyện Nậm Pồ cho biết: “Chúng tôi chủ động tham mưu cho huyện, phối hợp với các lực lượng, nhất là bộ đội biên phòng, lực lượng công an xã tăng cường quản lý cư trú. Chủ động phát hiện các đối tượng từ các địa phương khác vào địa bàn huyện. Ngăn chặn, phòng ngừa các đối tượng đến để lôi kéo phụ nữ dân tộc Mông mang sang Trung Quốc bán”.

Để giảm các vụ mua bán phụ nữ qua biên giới, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức để ngăn ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nạn buôn bán phụ nữ trẻ em diễn biến phức tạp
Nạn buôn bán phụ nữ trẻ em diễn biến phức tạp

65% số người nhập cư là phụ nữ và trẻ em và đa phần là người nghèo khó, thất học, không có nghề chuyên môn… nên có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Nạn buôn bán phụ nữ trẻ em diễn biến phức tạp

Nạn buôn bán phụ nữ trẻ em diễn biến phức tạp

65% số người nhập cư là phụ nữ và trẻ em và đa phần là người nghèo khó, thất học, không có nghề chuyên môn… nên có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Vì một xã hội không nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em
Vì một xã hội không nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em

Tình trạng tội phạm buôn bán người tại Việt Nam đang có xu hướng phức tạp với nhiều hình thức, thủ đoạn mới.

Vì một xã hội không nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em

Vì một xã hội không nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em

Tình trạng tội phạm buôn bán người tại Việt Nam đang có xu hướng phức tạp với nhiều hình thức, thủ đoạn mới.