Giải hạn cho vùng đất khát Cà Mau

VOV.VN - Tỉnh Cà Mau có hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm nay. Cơ quan chức năng đã lên phương án hỗ trợ để bà con vượt qua khó khăn.

Xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) là một trong những địa phương được xem là “vùng đất khát” của tỉnh, với hơn 1.000 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt. Mọi năm, mùa khô không gay gắt, cái ao cạnh nhà chính là nguồn cung cấp nước tắm, giặt cho gia đình chị Nguyễn Thị Cúc (ấp Mũi Tràm, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Còn để ăn uống, gia đình chị trữ nước mưa sử dụng trong mùa khô. Nhà chị Cúc sống trong hoàn cảnh như vậy từ xưa đến nay cũng vì vùng đất này không thể khoan được cây nước (giếng khoan).

han1.jpg
Cà Mau hiện có khoảng 21.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Tuy nhiên, hơn một tháng nay, ao cạnh nhà đã cạn tới đáy, lượng nước mưa gia đình chị dự trữ trong các mái (lu) dùng cho ăn uống cũng đã hết. Giải pháp tạm thời là gia đình chị đi xin nước cây nước của người dân cách đó gần 1 km để tắm, giặt. Còn nước ăn uống thì mua nước đóng bình với giá 17.000 đồng/bình 20 lít để dùng qua mùa khô.

“Xài nước đìa nhưng hạn quá không còn nước đìa để xài, năm nào cũng như năm đó. Không kiến nghị vụ khoan, khoan đụng đá thì biết sao giờ. Mong muốn là sao có nước khối xài, có nước khối kéo về tới đây”, chị Nguyễn Thị Cúc chia sẻ.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên được ông Bùi Chí Ngạn, Phó Chủ tịch UBND xã lý giải, do địa giới xã giáp biển. Chỗ khoan được cây nước thì nước nhiễm mặn không dùng nấu ăn được. Có những nơi bà con cứ khoan xuống vài chục mét là làm như đụng đá, gãy mũi khoan.

han 2.jpg
Hết nước mưa là người dân phải mua nước sử dụng.

Cả xã Khánh Bình Tây Bắc có hơn 3.600 hộ dân thì có gần 1.200 hộ không tiếp cận được nguồn nước hợp vệ sinh. Cũng từ khó khăn đó, vừa qua, các mạnh thường quân đã hỗ trợ 90 bồn nước cho những hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn để trữ nước sử dụng. Ngành chức năng tỉnh Cà Mau cũng đã có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa lại trạm cấp nước trên địa bàn để đưa nước sạch đến nhiều người dân hơn.

“Bà con đang chia sẻ với nhau để có nước xài. Xã cũng vận động bà con mua dụng cụ trữ nước sử dụng. Kế hoạch là ngành nông nghiệp xuống triển khai, mở rộng tuyến ống ở trạm cấp nước trên địa bàn để cung cấp nước cho người dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chưa tập trung triển khai thực hiện được”, ông Bùi Chí Ngạn cho hay.

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh hiện có khoảng 21.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Giải pháp trước mắt, đơn vị này sẽ thực hiện kéo dài tuyến ống tại những nơi gần trạm cấp nước và tiến hành hỗ trợ phương tiện trữ nước cho bà con khó khăn. Những giải pháp này sẽ giải quyết nhu cầu cho khoảng 8.000 hộ dân. Còn những nơi, các hộ gia đình nằm rải rác sẽ vận chuyển nước đến và cũng khuyến khích bà con chia sẻ nguồn nước cùng nhau sử dụng.

Về giải pháp lâu dài, tỉnh Cà Mau đã có kế hoạch xây dựng một hồ trữ nước ngọt tập trung tại vùng đệm rừng U Minh hạ. Sau đó, thực hiện chung chuyển nguồn nước sạch về để giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân trong vùng ngọt mỗi khi mùa khô đến. Tuy nhiên, do nguồn nước tại địa phương nhiễm phèn và giàu hữu cơ nên đang nhờ các chuyên gia đánh giá tính khả thi của dự án.

Theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Cà Mau, để dự án đảm bảo hiệu quả, có 2 điều kiện là: lọc được nguồn nước sạch và giá cả phù hợp khi tới tay người dân. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án cần được nghiên cứu thêm. Trước mắt, để đảm bảo nhu cầu tối thiếu có nguồn nước cho người dân sử dụng, ngành nông nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp tạm thời.

han 3.jpg
Ngành chức năng địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người dân.

“Đối tượng ưu tiên thứ nhất là những hộ sống riêng lẻ và không tiếp cận được nguồn nước ngầm, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho họ những công cụ, phương tiện để vượt qua khó khăn trong hạn hán. Còn đối với những nơi gần mạng lưới nước tập trung, chúng tôi tiếp tục kéo dài tuyến ống để hỗ trợ bà con có nước xài”, ông Tô Quốc Nam nói.

Nhiều năm qua, người dân vùng sâu, vùng xa của tỉnh tận cùng Tổ quốc – Cà Mau cứ đến mùa khô hạn lại thiếu nước sinh hoạt. Thời gian qua, ngành chức năng địa phương bằng nhiều nguồn lực đã thực hiện các giải pháp để đưa nguồn nước đến với người dân. Tuy nhiên, chưa thể đáp ứng hết nhu cầu thực tế. Vấn đề này, cần các cấp bộ ngành Trung ương, các mạnh thường quân quan tâm hỗ trợ để bà con ở những “vùng đất khát” vượt qua khó khăn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủy điện Quảng Trị ngừng phát điện do hạn hán
Thủy điện Quảng Trị ngừng phát điện do hạn hán

VOV.VN -Công ty Thủy điện Quảng Trị vừa có thông báo ngừng phát điện ở công trình thủy lợi, thủy điện Quảng Trị do tình hình hạn hán nghiêm trọng.

Thủy điện Quảng Trị ngừng phát điện do hạn hán

Thủy điện Quảng Trị ngừng phát điện do hạn hán

VOV.VN -Công ty Thủy điện Quảng Trị vừa có thông báo ngừng phát điện ở công trình thủy lợi, thủy điện Quảng Trị do tình hình hạn hán nghiêm trọng.

Hàng loạt cánh rừng phòng hộ ở Phú Yên chết khô vì hạn hán
Hàng loạt cánh rừng phòng hộ ở Phú Yên chết khô vì hạn hán

VOV.VN - Nắng hạn gay gắt kéo dài làm hơn 2700 ha rừng phòng hộ ở tỉnh Phú Yên bị chết khô, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy rừng.

Hàng loạt cánh rừng phòng hộ ở Phú Yên chết khô vì hạn hán

Hàng loạt cánh rừng phòng hộ ở Phú Yên chết khô vì hạn hán

VOV.VN - Nắng hạn gay gắt kéo dài làm hơn 2700 ha rừng phòng hộ ở tỉnh Phú Yên bị chết khô, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy rừng.

Hạn hán kỷ lục, sông trơ đáy, đồng khô lúa cháy ở Quảng Trị
Hạn hán kỷ lục, sông trơ đáy, đồng khô lúa cháy ở Quảng Trị

VOV.VN - Nhiều tháng nay, tại Quảng Trị không xảy ra trận mưa nào đáng kể khiến hệ thống sông ngòi, hồ, đập đều cạn khô.

Hạn hán kỷ lục, sông trơ đáy, đồng khô lúa cháy ở Quảng Trị

Hạn hán kỷ lục, sông trơ đáy, đồng khô lúa cháy ở Quảng Trị

VOV.VN - Nhiều tháng nay, tại Quảng Trị không xảy ra trận mưa nào đáng kể khiến hệ thống sông ngòi, hồ, đập đều cạn khô.