Giải pháp gì hạn chế tai nạn thay vì cấm phương tiện vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn
VOV.VN - Dư luận tiếp tục quan tâm việc Cục Đường bộ Việt Nam cấm một số phương tiện đi vào cao tốc Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế). Điều lo ngại về tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A qua 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế sẽ tăng cao sau khi cấm xe khách 30 chỗ, xe giường nằm, xe tải từ 6 trục chạy trên đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn là có cơ sở.
Mới đây, một vụ tai nạn giao thông làm chết người liên quan xe đầu kéo vừa xảy ra trên Quốc lộ 1A đi qua Quảng Trị. Nhiều ý kiến cho rằng, vẫn có giải pháp để kiềm chế tai nạn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thay vì cấm xe đi vào cao tốc này.
Vụ tai nạn giao thông làm một người thiệt mạng trên Quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Quảng Trị liên quan xe đầu kéo vừa xảy ra chỉ sau vài ngày Cục Đường bộ Việt Nam ban hành lệnh cấm một số phương tiện tải trọng lớn đi vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Cơ quan chức năng và người dân tỉnh Quảng Trị càng thêm bức xúc và lo lắng khi các ý kiến đề xuất giải pháp hạn chế tai nạn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thay vì cấm xe không được ghi nhận.
Thượng tá Kiều Đức Tính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cho rằng, nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn vừa qua vẫn là do ý thức lái xe chứ không chỉ là bất cập hạ tầng. Bộ Giao thông Vận tải xác định, xe tải đầu kéo, xe ô tô chở khách trên 30 chỗ ngồi cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông trên cao tốc, vậy tai sao lại chuyển các xe này đi qua Quốc lộ 1A?. Việc làm này chẳng khác nào đẩy trách nhiệm, gánh nặng cho địa phương.
“Rất bất cập, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn do các cơ quan Bộ quản lý nhưng khi xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, Ban An toàn giao thông tỉnh phải tổ chức họp, đánh giá nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm. Thực tế các cơ quan chức năng của tỉnh có được quản lý đâu mà đánh giá nhưng cũng phải họp. Bất cập như vậy nên đề xuất giải quyết tận gốc của vấn đề để tránh xảy ra đùn đẩy tuyến này qua tuyến kia", Thượng tá Kiều Đức Tính nêu ý kiến.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn khi được phê duyệt đã xác định là tạo trục động lực xuyên miền Trung, giúp người dân trong khu vực lưu thông thuận lợi hơn, giảm áp lực cho Quốc lộ 1A. Đây là tuyến vận tải hàng hóa, hành khách, lưu thông nhanh hơn, thuận tiện hơn so với Quốc lộ 1A vì không dừng đèn đỏ, không có phương tiện lưu thông hỗn hợp. Đây cũng là con đường ngắn nhất, tiết kiệm được thời gian và chi phí đối với doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa từ các nước trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây như Thái Lan, Lào về cảng Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung và ngược lại. Bây giờ lại cấm các phương tiện tải trọng lớn đi vào cao tốc, tuyến này không còn mấy xe qua lại, liệu hơn 7 ngàn tỷ đồng đổ xuống đầu tư cho cao tốc Cam Lộ - La Sơn có rơi vào lãng phí?.
Rõ ràng, cấm một số phương tiện tải trọng lớn đi vào cao tốc này đang hạn chế hiệu quả đầu tư và không đúng mục tiêu ban đầu là giảm tải cho Quốc lộ 1A. Lái xe container Võ Văn Xuân thường xuyên chạy tuyến Bắc - Nam cho rằng, bất cập lớn nhất là cao tốc Cam Lộ - La Sơn chỉ có 2 làn xe, không có con lươn ở giữa, dễ xảy ra tai nạn đối đầu. Nhưng đây không phải là nguyên nhân chủ yếu vì hầu hết các vụ tai nạn là do ý thức một bộ phận lái xe. Cả tuyến đường dài gần 100km nhưng lại không có camera giám sát, trên tuyến cũng ít thấy lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát. Đây cũng một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng một số lái xe bất chấp vượt ẩu, chạy quá tốc độ.
Trước khi bị cấm đi vào cao tốc này, lái xe Võ Văn Xuân thường chọn cao tốc Cam Lộ - La Sơn để lưu thông và đã từng chứng kiến một số trường hợp vượt ẩu ngay tại một số đoạn cấm, rất nguy hiểm.
“Xảy ra tai nạn là do ý thức của lái xe thôi chứ không phải đường to hay nhỏ, vì tài xế muốn vượt ẩu mà thôi. Đa số xe khách phóng nhanh, vượt ẩu thôi. Lưu thông trên cao tốc vẫn an toàn hơn, vì Quốc lộ 1A lưu lượng phương tiện quá nhiều, nhiều loại giao thông hỗn hợp", anh Xuân bày tỏ.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, nguyên nhân cơ bản của các vụ tai nạn là ý thức của người điều khiển phương tiện như chạy lấn làn, vượt làn thiếu quan sát, không giữ khoảng cách an toàn theo chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ trên tuyến... Thế nhưng, thay vì tập trung các giải pháp để phạt nặng, xử lý nghiêm các hành vi này thì Cục Đường bộ lại chọn phương án cấm một số phương tiện đi vào cao tốc Cam Lộ -La Sơn. Các cơ quan chức năng 2 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã kịp thời lên tiếng và có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải quan tâm xem xét lại quyết định thiếu tính thực tiễn này.
Tại buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và 2 địa phương Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, Đoàn giám sát của Quốc hội cũng đã chỉ ra những hạn chế và đề nghị cơ quan chức năng khắc phục những bất cập trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Tại đây, nhiều ý kiến đề nghị tăng cường thực hiện các biện pháp có thể kiềm chế tai nạn giao thông như lắp đặt hệ thống camera giám sát tự động để phạt nguội đối với lái xe vi phạm; Tổ chức công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng để xử lý nghiêm các lái xe cố tình vi phạm về tốc độ, vượt ẩu; Bố trí hợp lý hệ thống điện chiếu sáng, làn dừng khẩn cấp, trạm dừng nghỉ... trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Thế nhưng, các kiến nghị, đề xuất này đã rơi vào im lặng. Trong khi đó, Cục Đường bộ đã vội vàng ban hành lệnh cấm một số phương tiện đi vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Bà Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, việc phân luồng các loại xe lớn đi qua Quốc lộ 1A làm gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn, ách tắc giao thông vào giờ cao điểm và ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư dọc Quốc lộ 1A. Thay vì cấm một số loại xe đi cao tốc, việc cần làm lúc này là tính toán lại các thông số kỹ thuật, đưa ra những yêu cầu về tốc độ phù hợp để xe tải trên 6 trục, xe khách trên 30 chỗ ngồi có thể chạy được trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Bà Nguyễn Thị Sửu cho biết, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ xem xét đưa các nội dung tỉnh đã kiến nghị mà chưa được giải quyết, tiếp tục đưa vào chất vấn tại kỳ họp Quốc hội tới đây.
“Tôi nghĩ để phân luồng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thì phải có thị sát, phân tích thật kỹ lưỡng của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiệp vụ và của chuyên gia. Trên cơ sở đó phải có chủ trương của Chính phủ, của Bộ Giao thông Vận tải. Cần dựa trên tính hợp lý, hợp hiến, hợp pháp và kết hợp với thực tiễn trong triển khai, tổ chức, thực hiện việc quản lý, khai thác, sử dụng đường cao tốc nói chung và việc phân luồng đoạn cao tốc nói riêng”, bà Sửu cho hay.