Giải pháp giải quyết dứt điểm những trạm thu phí BOT bất hợp lý
VOV.VN - Nếu không có giải pháp giải quyết hiệu quả những bất cập về trạm thu phí BOT giao thông hiện nay, tình trạng phản đối sẽ tiếp diễn...
Trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy được người dân cho là đặt nhầm vị trí, cần phải di dời. |
Hàng loạt vụ người dân tụ tập phản đối các trạm thu phí BOT bất hợp lý thời gian qua không chỉ gây mất an ninh, trật tự và an toàn giao thông mà còn làm ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, chính sách kêu gọi đầu tư của nhà nước. Dù đã có những giải pháp miễn giảm phí cho người dân quanh khu vực các trạm thu phí này nhưng câu chuyện vẫn chưa thể dứt điểm bởi miễn, giảm phí không phải là cái gốc của vấn đề BOT. Câu chuyện được đưa ra bàn thảo khá kỹ ở buổi Tọa đàm “Giải pháp giải quyết bất cập về trạm thu phí” do báo Tiền Phong tổ chức vào sáng 19/4.
Thời gian qua người dân liên tục phản đối chủ đàu tư BOT cầu Bến Thủy là Cienco4.
Thời gian gần đây, tình trạng người dân tập trung phản đối tại các trạm thu phí BOT diễn ra căng thẳng như: Trạm thu phí cầu Bến Thủy (ranh giới giữa các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh), Trạm thu phí BOT QL3 Thái Nguyên chưa thu phí nhưng cũng bị phản đối; Trạm thu phí cầu Hạc Trì (Phú Thọ), Trạm thu phí Lương Sơn (Hòa Bình), trạm thu phí QL32 (huyện Tam Nông, Phú Thọ), Trạm thu phí Quán Hàu (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình)...
Nguyên nhân sâu xa của việc người dân phản đối là do không đi 1 mét đường BOT nào thì tại sao lại bắt họ đóng phí. Nhiều tuyến đường làm ở một nơi, thu tiền một nơi.
Trạm thu phí QL32 cũng phải dừng hoạt động do bị phản đối của người dân. |
Ví dụ điển hình là tram thu phí BOT Cầu Rác là để thu tiền hoàn vốn cho tuyến tránh Hà Tĩnh cách đó mấy chục cây số nhưng lại lập trạm BOT trên QL1 để thu phí hoàn vốn. Trạm BOT cầu Bến Thủy 1 là thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh TP. Vinh; lập trạm BOT trên QL32 là thu phí cho dự án đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh Phú Thọ…
Trả lời về những bất cập cũng như tình hình người dân tụ tập phản đối tại Trạm thu phí BOT Cầu Rác – Hà Tĩnh những ngày gần đây, ông Lương Văn Sơn - Giám đốc Ban chiến lược đầu tư - Tổng công ty Sông Đà, đại diện Chủ đầu tư dự án này cho rằng, ngay sau sự cố, chủ đầu tư đã thực hiện miễn giảm phí cho người dân khu vực lân cận nhằm không để tụ tập đông người, ách tắc giao thông dù quyết định này của chủ đầu tư đến nay Bộ GTVT vẫn chưa nhất trí.
Kiểu "tráng men" lớp mặt đường và nâng cấp vài hạng mục nhưng cũng treo biển BOT QL6 khiến người dân đã từng chặn cả xe của đoàn đại biểu Quốc hội để đưa kiến nghị phản đổi. |
“Dân đã kêu thì phải có biện pháp giải quyết, cái này là chung chứ không phải riêng 1 dự án nào cả, hiện nay chúng tôi hỗ trợ cho dân địa phương quanh khu vực quanh trạm thu phí cũng chưa được Bộ GTVT nhất trí đâu, chưa được đâu mặc dù chúng tôi đã làm, mà không làm như vậy thì vấn đề an ninh trật tự hết sức căng thẳng”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, theo Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4 – Cienco4 – chủ đầu tư của trạm thu phí BOT Bến Thủy 1, khi giảm miễn phí cho người dân thì bắt buộc phải điều chỉnh hợp đồng, kéo dài thời gian thu phí của dự án. Lúc đó, rủi ro sẽ thuộc về các tổ chức tín dụng, ngân hàng cho vay vốn thực hiện dự án. Chính vì vậy, cả Bộ GTVT lẫn các nhà đầu tư, các bộ ngành liên quan và cả ngân hàng phải rà soát lại để đưa ra chính sách chung theo hướng miễn giảm phí tùy khoảng cách, mức độ.
Toàn cảnh buổi toạ đàm về “Giải pháp nào giải quyết bất cập về trạm thu phí”. |
Theo ông Nguyễn Tuấn Huỳnh - Chủ tịch Cienco 4: Chúng tôi không mất gì cả, rủi ro này là vốn thu chậm, cái thứ 2 là rủi ro cho hệ thống ngân hàng, hợp đồng BOT có thể 20, 25 năm nhưng tín dụng có quá 15 năm đâu, trong khi đó phải trả cho ngân hàng để cân đối tín dụng trung, dài hạn. theo tôi Chính phủ có giải pháp nào đó để an toàn hoàn vốn cho nhà đầu tư và có khả năng kịp thời trả nợ cho ngân hàng.
Đỉnh điểm của những phản ứng của người dân. |
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng vụ Đối tác công tư (PPP Bộ Giao thông Vận tải) nhận định, phản ánh của người dân có lý, nhưng cần có chung sự chia sẻ. Người dân bất bình, nhưng nhà đầu tư cũng bất cập. Do đó nhà đầu tư và người dân cần có sự chia sẻ với những khó khăn của đất nước. Không thể công bằng một cách tuyệt đối được.
“Về thu phí, ngay từ lúc làm, Bộ Tài chính cũng dự liệu các bất cập và đưa ra một số biện pháp như dùng vé tháng. Nhưng giải quyết vấn đề cần có thời gian, không thể giảm phí ngay mà phải có quy trình”, ông Nguyễn Danh Huy phân tích.
Về giải pháp lâu dài để giải quyết tình trạng bức xúc tại trạm thu phí hiện nay, ông Huy cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cùng các Bộ, ngành liên quan, nhà đầu tư, ngân hàng xây dựng một chính sách chung.
“Chúng ta phải có đánh giá, nhà đầu tư và Bộ GTVT xác định lại có bao nhiêu phương tiện trong vùng, ảnh hưởng như thế nào đến phương án tài chính và phải làm việc với cả ngân hàng mới giải quyết được, còn hướng của Bộ GTVT là giảm cho tất cả các trạm thu phí bất cập”, ông Nguyễn Danh Huy cho biết thêm.
Đầu tư BOT giao thông đang rất cần sự minh bạch
Tuy nhiên, dù các nhà đầu tư, đại diện Bộ GTVT đưa ra nhiều lý do để biện minh cho việc tồn tại những trạm thu phí BOT bất hợp lý. Thế nhưng, có nhiều ý kiến cho rằng, bất cập của những trạm thu phí này là ở ngay khi lập dự án cũng như ký kết hợp đồng mà không có bất cứ ý kiến của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Trạm thu phí chúng ta đặt chưa hợp lý thành chủ mới có chuyện, nếu không thì không có chuyện, anh giải thích thế nào giải thích, tôi không đi trên đường BOT mà anh cứ đặt trạm thu phí thu tiền Bot thì không chấp nhận được”.
Còn Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng – Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, qua khảo sát thực tế thì hiện nay các trạm thu phí BOT thực sự có nhiều bất cập. Các hợp đồng BOT được ký kết rất hời hợt, lỏng lẻo. Cần rà soát lại từ thực trạng này.
Lùm xùm BOT cầu Bến Thủy: Bài học của sự chậm trễ
“Tất cả Nghị định từ trước yêu cầu rất rõ nhà đầu tư và các bên hợp đồng là phải đánh giá một cách chi tiết, từ lúc bắt dầu dự án đến báo cáo khả thi, cho đến khi ký hợp đồng dự án, phải đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội, đánh giá tác động môi trường, tác động quốc phòng an ninh…thì chúng ta chưa đầy đủ, tôi khẳng định trong hợp đồng của các dự án BOT hiện nay có nhưng còn hình thức, tôi đã đọc hợp đồng BOT tôi biết”, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng nói.
Rõ ràng, những bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân là vấn đề cần được giải quyết dứt điểm và Bộ GTVT, chính quyền địa phương phải thực sự vào cuộc. Bởi nhiều vụ việc tụ tập phản đối ở các Trạm thu phí BOT chỉ có người dân và doanh nghiệp đối đầu cùng nhau chứ chưa thấy bóng dáng của chính quyền và Bộ chủ quản, trong khi ký hợp đồng, phê duyệt dự án…thì chính Bộ GTVT và chính quyền cùng ký./.