Giải pháp giảm thiểu tai nạn trên các quốc lộ vùng Tây Bắc
VOV.VN - Các tuyến quốc lộ trên địa bàn khu vực Tây Bắc đều có chung đặc điểm là địa hình hiểm trở, nhiều đèo dốc, cong cua liên tục, tầm nhìn hạn chế...
Nhìn từ những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, số thương vong lớn xảy ra trên các tuyến giao thông này thời gian qua cho thấy, việc nâng cấp hạ tầng giao thông, hay đầu tư các công trình đảm bảo an toàn giao thông là chưa đủ, mà cần nhiều hơn là ý thức của chính những người tham gia giao thông.
Ngày 6/2, tại Km30+700, quốc lộ 279, đoạn qua địa phận bản Bua 1, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa 1 xe ô tô bán tải và 3 xe gắn máy, khiến 9 người thương vong. Thật đau xót khi cả 4 nạn nhân tử vong đều là những thanh, thiếu niên, tuổi đời mới từ 15 đến 18.
Ông Trần Quang Huy, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đường bộ 226 - đơn vị quản lý tuyến quốc lộ này cho biết, vị trí xảy ra tai nạn có nhiều đoạn cong cua liên tiếp, tầm nhìn hạn chế. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn còn do việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ của người dân sinh sống dọc trục quốc lộ, cũng như ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông.
“Trong quá trình quản lý, chúng tôi thấy tình trạng mất cắp thiết bị an toàn giao thông, tháo trộm các thiết bị phòng vệ mềm xảy ra khá phổ biến. Thêm nữa là hầu hết các dự án cải tạo nâng cấp đường trong giai đoạn gần đây thì hầu hết chỉ giải phóng mặt bằng trong phạm vi thi công thôi, không giải phóng hành lang đường bộ, nên tình trạng tái lấn chiếm hành lang cũng ảnh hưởng nhiều đến an toàn giao thông và diễn biến khá phức tạp”, ông Trần Quang Huy nói.
Ngay sau khi vụ tai nạn nghiêm trọng trên Quốc lộ 279 xảy ra, đoàn công tác của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia do ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách làm trưởng đoàn đã tổ chức kiểm tra hiện trường. Từ thực tế cho thấy kỹ năng xử lý tình huống còn hạn chế, cũng như có việc sử dụng nồng độ cồn khi lái xe, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng: các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động giáo dục thanh, thiếu niên chấp hành Luật giao thông, nhất là các vấn đề liên quan đến nồng độ cồn, đua xe trái phép, sử dụng phương tiện giao thông theo đúng độ tuổi...
Ông Khuất Việt Hùng nói: “Trên hiện trường thấy là xe máy ngã trước khi va chạm. Tôi cho rằng đó là việc người điều khiển phương tiện không có kỹ năng. Việc trẻ em sử dụng mô tô, xe trên 50cc, đi xe mô tô khi chưa đủ tuổi thì vấn đề này không chỉ liên quan đến góc độ xử lý, xử phạt vi phạm mà nó còn là công tác tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng, trong nhà trường. Từ đó để làm sao từng bước giải quyết, tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên nâng cao nhận thức, pháp luật về trật tự an toàn giao thông”.
Với địa lý đặc thù, khu vực Tây Bắc có nhiều tuyến quốc lộ trọng yếu, độc đạo kết nối với các tỉnh miền xuôi mà mật độ, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn. Đơn cử như quốc lộ 6 là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc, trung bình mỗi ngày có hàng nghìn lượt người và phương tiện tham gia giao thông. Theo thống kê, trên tuyến có tới hàng trăm khúc cua và đèo dốc, như dốc Cun, đèo Thung Khe, dốc 81, đèo Chiềng Đông, đèo Pha Đin… nhiều thời điểm sương mù dày đặc, nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Thực tế, không ít vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra, gây nhiều thương vong, như vụ tai nạn xảy ra vào rạng sáng ngày 18/1/2023 tại địa phận xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình khiến 3 người tử vong; hay vụ tai nạn xảy ra chiều ngày 15/2 vừa qua tại địa phận xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu (Sơn La) khi xe đầu kéo lật, đè vào xe máy đang lưu thông cùng chiều, khiến người điều khiển xe máy tử vong tại chỗ..
Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Công an huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết, quốc lộ 6 nhiều đoạn thường có sương mù bao phủ, đường trơn trượt. Nếu chỉ dựa vào các biển cảnh báo an toàn giao thông là chưa đủ, mà mỗi người khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông cần chủ động kiểm tra phương tiện, tuân thủ tốc độ và đảm bảo các điều kiện khác khi lưu thông.
Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh nói: “Thứ nhất là phải chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự ATGT; quan sát hệ thống biển báo và làm chủ tốc độ, cũng như phương tiện và tay lái khi tham gia giao thông, đặc biệt là với các đoạn đường đèo dốc và sương mù. Thứ 2 là phải tuân thủ các quy định của pháp luật, cũng như hướng dẫn của lực lượng chức năng khi tham gia giao thông trên tuyến, chủ động đảm bảo khoảng cách, cũng như đảm bảo các điều kiện an toàn trong quá trình tham gia giao thông”.
Tỉnh Lai Châu với địa hình đồi núi dốc, chia cắt được biết đến là có nhiều tuyến đường đèo nguy hiểm bậc nhất Tây Bắc và Việt Nam như: Ô Quy Hồ, Giang Ma, Sìn Hồ, Hồng Thu Mán... Trong số các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến quốc lộ ở tỉnh, năm 2018 có 1 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khi chiếc xe bồn chở xi măng bị mất phanh trong lúc xuống đèo đã đâm vào xe khách tại Km57+561, trên quốc lộ 4D làm 13 người thiệt mạng.
Ông Ngô Sĩ Thiện, Giám đốc Ban Bảo trì, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Lai Châu cho biết: xác định khắc phục các "điểm đen" về tai nạn giao thông là quan trọng nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn, vì vậy, sau vụ tai nạn làm 13 người chết, đơn vị đã kiến nghị và đến nay đã tiến hành khắc phục, xử lý được 6 điểm đen trên quốc lộ 4D:
Ông Ngô Sĩ Thiện nói: “Quá trình bảo trì các tuyến đường, khi rà soát có phát sinh các vị trí điểm đen về tai nạn giao thông, chúng tôi đều kịp thời khảo sát lên phương án để đề nghị cho phép khắc phục xử lý ngay. Ngoài ra đối với các vị trí đèo dốc kéo dài như tuyến đèo Ô Quy Hồ từ Sa Pa (Lào Cai) về Tam Đường (Lai Châu) cũng đã được bổ sung thêm đường cứu nạn, giúp cho các phương tiện, đặc biệt là xe tải nặng khi xuống dốc phanh mất tác dụng, có được phương án lánh nạn để giảm thiểu thiệt hại”.
Có thể thấy, chính quyền các địa phương và các ngành chức năng đã luôn nỗ lực trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn xảy ra. Riêng năm 2022, tỉnh Điện Biên xảy ra 86 vụ tai nạn trên Quốc lộ 6 và 279, làm 8 người chết, hơn 100 người bị thương; tỉnh Sơn La xảy ra 35 vụ, làm hơn 30 người chết, 35 người bị thương...
Thực tế, để giảm thiểu tai nạn giao thông, việc nâng cấp hạ tầng giao thông, hay đầu tư các công trình đảm bảo an toàn giao thông thôi chưa đủ, mà quan trọng hơn cả là ý thức chấp hành pháp luật của chính người dân, cũng như những người tham gia giao thông, trong đó có việc tích luỹ, học hỏi kinh nghiệm khi điều khiển phương tiện lưu thông trên tuyến này.
Một số lái xe thường xuyên lưu thông trên tuyến đã chia sẻ kinh nghiệm như sau:
“Trên đường 6 này đặc thù là đèo dốc quanh co nhiều, tầm quan sát kém; để đảm bảo cho mình và an toàn cho hành khách thì khi đi đường, mình phải luôn chú ý biển chỉ dẫn đường và các vạch báo trên đường; khi có sương mù thì phải đi chậm, tập trung quan sát và phải bật đèn cảnh báo cho xe khác biết”.
“Khi di chuyển trên các cung đường này vào những giờ tan tầm, một số tuyến đường chạy qua các cổng trường học, học sinh rất đông và nhốn nháo; hoặc khi đi vào ban đêm thường có những trường hợp thanh niên chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông lạng lách đánh võng ở những đường chạy qua thôn bản, không đội mũ bảo hiểm, có khi là sử dụng rượu bia. Vì thế trước hết cần phải làm chủ tốc độ, quan sát xa và phán đoán trước các tình huống, các điểm vào cua phải giảm tốc độ và phải đi đúng làn đường khi tham gia các cung đường ở Tây Bắc”./.