Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia: Nơi tôn vinh những xu hướng mới
VOV.VN - Có 30 tác phẩm được chọn để trao Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, trong đó nhiều tác phẩm thể hiện được những xu hướng thân thiện với môi trường.
Tối 21/4, Hội đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG) đã trao GTKTQG 2016 cho các tác giả trong sự kiện Liên hoan Kiến trúc Việt Nam 2017 tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.
GTKTQG do Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá - Thể thao – Du lịch phối hợp tổ chức, định kỳ 2 năm 1 lần (lần đầu tiên là năm 1994) nhằm tìm ra những công trình xuất sắc nhất để tôn vinh.
Cung Văn hoá thiếu nhi Đà Nẵng (Tác giả: KTS Nguyễn Bá Huệ, KTS Hồ Huy Hùng, KTS Trần Hảo - Giải vàng)
Thay đổi cơ cấu giải thưởng
GTKTQG năm 2016 đã có sự thay đổi cơ cấu giải thưởng. Theo đó, không trao giải nhất, nhì ba như từ đầu cho tới kỳ giải 2012; cũng không trao giải vàng và giải hội đồng cho các hạng mục như kỳ giải năm 2014; mà trao giải vàng, bạc, đồng cho các hạng mục công trình. Kết quả GTKTQG năm 2016 có 04 giải vàng, 13 giải bạc và 13 giải đồng.
Bên cạnh 30 giải thưởng chính thức, Hội đồng GTKTQG 2016 còn trao bằng khen cho “Tác phẩm kiến trúc được cộng đồng yêu thích”, “Kiến trúc sư trẻ tiêu biểu” (03 người), “Đơn vị tích cực tham gia GTKTQG 2016” (01 đơn vị); và bằng chứng nhận “Chủ đầu tư thông minh” (03 đơn vị, cá nhân).
Không có các công trình quy mô lớn
Các công trình đoạt giải kỳ giải thưởng này không có những công trình quy mô lớn như Nhà Quốc hội, nhà ga hàng không, tổ hợp cao ốc quy mô lớn, công trình cấp quốc gia… như nhiều kỳ trước.
Thay vào đó, thể loại công trình khá phong phú và đa dạng, từ nhà ở các loại, cho tới các công trình trường học, bệnh viện, công trình văn hoá, thương mại, trùng tu bảo tồn, tưởng niệm…
Đáng chú ý, có một công trình nhà ở nông thôn và một công trình công nghiệp là những thể loại vắng bóng lâu nay đoạt giải. Công trình “Làng đất” (Tác giả: KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự) đoạt giải vàng cho hạng mục nhà ở nông thôn; còn công trình “Nhà máy may mặc Đức – DBW Garment Factory” (Tác giả: KTS Đinh Mạnh Hùng) đoạt giải đồng cho hạng mục công trình công nghiệp.
Naman Retreat Pure Spa (Tác giả: KTS Nguyễn Hoàng Mạnh và cộng sự - Giải bạc) |
Bản đồ kiến trúc đã mở rộng
GTKTQG 2016 cho thấy các công trình đoạt giải rải đều các phạm vi vùng miền từ bắc tới nam. Đặc biệt có những công trình đoạt giải ở các tỉnh còn nghèo và nhiều khó khăn như tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Thái Nguyên.
Điều đáng ghi nhận là các công trình ở các tỉnh này đều là những tác phẩm kiến trúc hiện đại, đậm tính nhân văn và có bản sắc vùng miền. Có thể kể tới các đồ án “Làng đất” ở Hà Giang đoạt giải vàng, “Nhà ở công nhân Lào Cai” ở Lào Cai đoạt giải bạc, “Hoa rừng - Trường học vùng cao” ở Thái Nguyên đoạt giải bạc. Cả ba đồ án này đều của KTS Hoàng Thúc Hào và các cộng sự ở văn phòng kiến trúc 1+1>2.
Trong khi các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ đều có công trình đoạt giải thì ở kỳ giải thưởng lần này TP Hồ Chí Minh – thành phố lớn nhất nước lại không có công trình nào vào giải.
Nhiều đồ án quy hoạch có chất lượng
GTKTQG 2016 ghi nhận có nhiều đồ án quy hoạch có chất lượng được trao giải. Trong 04 giải vàng được trao có 02 đồ án quy hoạch. Đó là đồ án “Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 điểm du lịch nhân văn tưởng niệm nhà văn hoá - liệt sỹ Nam Cao” ở Hà Nam (hạng mục Thiết kế đô thị - thiết kế cảnh quan) - tác giả là KTS Nguyễn Thu Hạnh; đồ án “Quy hoạch phân khu khu vực ven Đầm Nại - huyện Ninh Hải, Ninh Thuận” (hạng mục Quy hoạch đô thị) của KTS Phó Đức Tùng và cộng sự.
Bên cạnh đó còn các đồ án quy hoạch khác như “Quy hoạch chung thị xã Sông Cầu - tỉnh Phú Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đoạt giải bạc – tác giả là KTS Nguyễn Thanh Tú và cộng sự; “Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát triển giá trị khu di tích thành Cổ Loa tỷ lệ 1/2000” đoạt giải đồng – tác giả là KTS Nguyễn Xuân Anh và cộng sự.
Trong tổng số 30 giải thưởng chính thức được trao, có 06 đồ án quy hoạch, chiếm tỷ lệ 20%.
Công viên đất nung Thanh Hà (Tác giả: KTS Nguyễn Văn Nguyên, KTS Nguyễn Văn Thiện, KTS Nguyễn Minh Hùng, KTS Nguyễn Sinh Long - Giải bạc) |
Xu hướng kiến trúc xanh
Xu hướng kiến trúc xanh, kiến trúc thân thiện đang hiện dần rõ nét trong các công trình ở Việt Nam nói chung và các công trình đoạt GTKTQG 2016. Có thể thấy đây là sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc, cẩn trọng của nhiều tác giả. Tiêu biểu nhất là KTS Hoàng Thúc Hào cùng cộng sự với các công trình “Làng đất” (giải vàng); “Nhà ở công nhân Lào Cai” (giải bạc); “Hoa rừng - Trường học vùng cao” (giải bạc) và “Nhà quê ra phố” (giải đồng).
Ngoài ra còn một số công trình khác cũng theo hướng này như công trình “Naman Retreat Pure Spa” (KTS Nguyễn Hoàng Mạnh và cộng sự, giải bạc); “Resort in house” (KTS Hồ Khuê, giải đồng), “Nhà hộc kéo” (KTS Nguyễn Hoàng Mạnh và cộng sự, giải đồng), “Không gian thân thiện BE” (KTS Đoàn Thanh Hà, giải đồng)…
Dấu ấn Đà Nẵng
Thành phố Đà Nẵng xứng đáng với danh hiệu “Thành phố đáng sống” qua kỳ GTKTQG 2016. Đã có 08 giải thưởng (trong tổng số 30 giải thưởng) dành cho các công trình xây dựng ở TP Đà Nẵng - một đô thị có bề dày lịch sử và đầy tiềm năng phát triển.
Công trình đáng chú ý nhất đoạt giải vàng là “Cung văn hoá thiếu nhi TP Đà Nẵng” (Tác giả: KTS Nguyễn Bá Huệ, KTS Hồ Huy Hùng, KTS Trần Hảo). Đây là một công trình văn hoá mang hơi thở đương đại với những đường nét bay bổng, tự do, phóng khoáng.
Đáng chú ý tiếp theo cũng là hai công trình văn hoá: “Bảo tàng Mỹ thuật TP Đà Nẵng” (Tác giả: KTS Nguyễn Hữu Nhất, KTS Nguyễn Văn Tư, KTS Võ Văn Nghĩa - giải đồng); Thư viện tổng hợp Đà Nẵng (KTS Ngô Chí Thành, KTS Tô Thị Thanh Hương, KTS Nguyễn Huỳnh Đức Toàn - giải đồng).
Một số công trình khác ở Đà Nẵng đáng chú ý như: “Naman Retreat Pure Spa” (KTS Nguyễn Hoàng Mạnh và cộng sự - giải bạc), Ba Na Hill Golf Club (KTS David Louis Mccormick - giải bạc)…
Những giải thưởng dành cho các công trình ở Thành phố Đà Nẵng cho thấy tiềm năng phát triển của thành phố, cũng như lực lượng hành nghề ở thành phố thủ phủ miền trung này đang thực sự lớn mạnh (phần lớn các tác giả của các công trình ở Đà Nẵng là các đơn vị, cá nhân trên địa bàn thành phố).
Nhà quê ra phố (Tác giả: KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự - Giải đồng) |
Những gương mặt tiêu biểu
Gương mặt tiêu biểu của kỳ GTKTQG 2016 là kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào. Anh cùng cộng sự ở Văn phòng kiến trúc 1+1>2 đã dành 04 giải thưởng (01 vàng, 02 bạc, 01 đồng).
Tất cả các công trình đoạt giải của KTS Hoàng Thúc Hào đều ghi dấu ấn với kiến trúc xanh, thân thiện, đậm tính nhân văn; mang tinh thần của triết lý riêng mà anh theo đuổi.
Đó là “kiến trúc hạnh phúc” dành cho người nghèo, cộng đồng yếm thế, người có hoàn cảnh khó khăn. Giải thưởng kỳ này đánh dấu một giai đoạn thành công của KTS Hoàng Thúc Hào - người vẫn bền bỉ đi trên một con đường riêng khó lẫn.
Một gương mặt khác đáng chú ý là KTS Nguyễn Hoàng Mạnh (Văn phòng MIA Design Studio). Anh cùng cộng sự đoạt 03 giải thưởng ở kỳ này ( 01 giải bạc, 02 giải đồng). Tại kỳ giải thưởng năm 2014, KTS Nguyễn Hoàng Mạnh cũng đoạt 02 giải thưởng.
KTS Nguyễn Tiến Thuận - một gương mặt gạo cội trong giới kiến trúc sư Việt Nam cũng dành một giải bạc cho công trình “Khu trung tâm hành lễ và nhà tưởng niệm nghĩa trang liệt sỹ A1 tỉnh Điện Biên” (hạng mục Công trình đặc biệt). Trước đó, ông từng đoạt giải nhì năm 2012 với công trình “Bảo tàng Daklak”, giải nhì năm 2004 với công trình “Nhà triển lãm thương mại và văn hoá Hải Phòng”
Trong số các kiến trúc sư trẻ đoạt giải kỳ này, có một gương mặt gây chú ý bởi tuổi đời còn rất trẻ, đó là KTS Đinh Mạnh Hùng (1988). Công trình đoạt giải đồng của anh – “Nhà máy may mặc Đức – DBW Garment Factory” là công trình công nghiệp duy nhất đoạt giải thưởng.
Bên cạnh những gương mặt tiêu biểu, GTKTQG năm 2016 cũng ghi nhận sự vắng mặt của một số tên tuổi, là những tác giả đoạt giải thưởng xuyên. Đó là KTS Nguyễn Văn Tất (Công ty TAD). Đây là lần đầu tiên sau 11 kỳ, 22 năm; ông vắng mặt tại GTKTQG.
KTS Võ Trọng Nghĩa cùng công ty Vo Trong Nghia Architects - người từng đoạt vô số giải thưởng kiến trúc quốc gia và quốc tế trong những năm gần đây cũng vắng mặt. Một cái tên khác, là KTS trẻ Nguyễn Hoà Hiệp (Văn phòng A21Studĩo), đã quen thuộc trong giới với những giải thưởng ở các kỳ giải thưởng 2012, 2014 cũng không có tên trong danh sách GTKTQG năm 2016.
Có thể còn nhiều điều để nói hơn qua kỳ GTKTQG năm 2016, song những phác thảo cơ bản ở trên đã phần nào khái quát hết được giải thưởng lần này, cũng như bối cảnh chung của nền kiến trúc nước nhà.
Trên toàn cảnh, đó là sự hội nhập một cách từ từ và chắc chắn với thế giới, khi mà yếu tố toàn cầu hoá và thế giới phẳng là sự tất yếu. Nhìn vào giải thưởng, có thể ít nhiều hy vọng một bức tranh có nhiều gam màu tươi tắn cho kiến trúc Việt Nam, và tất nhiên, cho cả những con người đang tạo dựng nên điều ấy./.