Giảm ngập úng tại TPHCM: Cần cả giải pháp trước mắt và lâu dài

VOV.VN - Cứ có một trận mưa lớn hay một đợt triều cường thì câu chuyện bao giờ TP HCM hết ngập lại nóng lên. 

Hàng năm, tại TP HCM, cứ vào mùa mưa và mùa triều cường từ khoảng tháng 5 đến tháng 10, nhiều khu vực có địa hình thấp ở các quận: 2, 7, 8, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh… lại thường xuyên bị ngập úng cục bộ. Tình trạng này khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, gặp rất nhiều khó khăn.

Tại TPHCM, mỗi khi triều cường hay mưa lớn thì việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Gần đây nhất, trong đợt triều cường lịch sử cuối tháng 9, người dân nhiều nơi ở phường Thảo Điền, quận 2 phải đi lại, sinh hoạt bì bõm trong nước mấy ngày liền. Bà Trần Thị Trung Thành, nhà ở đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, cho biết, trước cửa nhà bà, cứ triều cường là đường biến thành sông, mực nước ngập năm sau lại cao hơn năm trước.
"Họ đã khắc phục bằng cách đặt máy bơm để thoát nước, nhưng tôi thấy không giải quyết được gì cả, nước vẫn càng ngày càng lên. Chúng tôi đi lại khó khăn, đi làm thì tắc đường. Dọc đường Nguyễn Văn Hưởng bị ảnh hưởng rất nhiều, đường như cái “cổ chai” đi vào khu Thảo Điền", bà Thành bức xúc.

Cũng bị ảnh hưởng nặng bởi triều cường, cuộc sống người dân khu vực đường Mễ Cốc, phường 15, quận 8 đảo lộn theo con nước. Ông Hoàng Xuân Nghiêm, ngụ tại số nhà 2/118 đường Mễ Cốc kể: "Tôi đã ở đây đã trên 60 năm nhưng chưa bao giờ thấy bị ngập như vậy. 5h sáng nước lên thì 3-4h mọi người đã phải dậy để mang xe ra ngoài, rồi đến sáng lại cõng con ra để đưa đi học".

Lý giải về nguyên nhân triều cường gây ngập úng ngày càng nặng tại TP HCM, bà Lê Thị Xuân Lan, từng là chuyên gia của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho rằng, việc triều cường năm sau lớn hơn năm trước là do biến đổi khí hậu và con người khai thác mạch nước ngầm không theo quy hoạch: "Chúng ta thấy cứ năm sau thì triều cường lớn hơn năm trước. Ngoài những nguyên nhân về tự nhiên như triều cường và gió chướng… thì còn do con người khai thác nước ngầm vô tội vạ làm cho sụt lún đất nền, chính vì vậy năm sau triều cường sẽ cao hơn năm trước".

Người dân tại các vùng trũng của TPHCM buộc phải thích nghi với việc thường xuyên bị ngập úng.
Sự cố vỡ gần 30m bờ kè tại chân cầu Kênh Ngang số 3 (trên đường Mễ Cốc) thuộc phường 15, quận 8 vào cuối tháng 9 vừa qua khiến của người dân nơi đây gặp khó khăn.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huy, chuyên gia về địa chất tại TP HCM, nguyên nhân chính làm cho thành phố ngày càng ngập nặng là do tác động của con người và do đô thị hóa. Tại các khu vực có nền đất yếu, địa hình thấp của thành phố như huyện Nhà Bè, quận 7 và quận 2 những năm gần đây ào ạt mọc lên các khu nhà cao tầng, khiến nền đất sụt lún nhanh. Đồng thời, quá trình đô thị hóa nhanh, thiếu tính đồng bộ, nhà cửa xây dựng san sát nhau nên khi mưa lớn hay triều cường thì không có chỗ để thoát nước tự nhiên ra sông rạch. Điều này khiến cả các khu vực vốn có nền đất cao, trước đây chưa bao giờ xảy ra ngập úng  như  các quận 5, 10, Gò Vấp, Thủ Đức…thì nay cũng bị ngập cục bộ khi mưa lớn.

Theo nhiều chuyên gia, TP HCM không thể giải quyết tình trạng ngập úng trong một sớm một chiều mà phải có giải pháp căn cơ, đồng bộ hệ thống chống ngập. TP HCM phải xác định quy hoạch đô thị gắn với không gian nước, góp phần điều tiết nước bằng các bể chứa với thể tích lớn dưới các công viên. Ngoài ra, TP HCM cần có sự liên kết với các địa phương lân cận để khơi thông dòng chảy của các sông, kênh, rạch hay điều tiết các mực nước hồ chứa lân cận để giảm thiểu ngập úng cục bộ mỗi khi mưa lớn hay triều cường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam nói: “Tôi cho rằng, một mình TP HCM không làm được, mà phải liên kết vùng thì mới giải quyết được. Phải liên kết với Bà Rịa-Vũng Tàu, liên kết với Đồng Nai, Bình Dương, cả trên nữa. Giải quyết vấn đề ngập úng ngoài vấn đề nội tại thì phải giải quyết vấn đề mang tính chất liên vùng. TP HCM nên làm việc, phối hợp với các địa phương để cùng phối hợp giải quyết”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam.

Như vậy, để hạn chế việc ngập úng ngày càng nặng, trong khi chờ triển khai nhanh các dự án chống ngập và có quy hoạch phát triển đô thị từng phân khu hợp lý thì chính quyền các địa phương và các sở ban ngành của thành phố cần vận động người dân hạn chế rác thải, bỏ rác đúng nơi quy định, thường xuyên khơi thông dòng chảy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Triều cường vẫn gây ngập nhiều khu vực tại TP Hồ Chí Minh
Triều cường vẫn gây ngập nhiều khu vực tại TP Hồ Chí Minh

VOV.VN -Do triều cường đạt đỉnh nên nước vẫn tràn qua gây ngập cục bộ ở nhiều nơi trong TP. HCM vào chiều ngày 30/9 và sáng nay (1/10).

Triều cường vẫn gây ngập nhiều khu vực tại TP Hồ Chí Minh

Triều cường vẫn gây ngập nhiều khu vực tại TP Hồ Chí Minh

VOV.VN -Do triều cường đạt đỉnh nên nước vẫn tràn qua gây ngập cục bộ ở nhiều nơi trong TP. HCM vào chiều ngày 30/9 và sáng nay (1/10).

“Rốn lũ” ở Quảng Bình bao giờ hết ngập lụt?
“Rốn lũ” ở Quảng Bình bao giờ hết ngập lụt?

VOV.VN - "Rốn lũ” xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình năm nào cũng bị ngập lụt. Cần có giải pháp nào để giúp người dân ổn định cuộc sống?

“Rốn lũ” ở Quảng Bình bao giờ hết ngập lụt?

“Rốn lũ” ở Quảng Bình bao giờ hết ngập lụt?

VOV.VN - "Rốn lũ” xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình năm nào cũng bị ngập lụt. Cần có giải pháp nào để giúp người dân ổn định cuộc sống?

TPHCM: Triều cường tiếp tục dâng cao gây xáo trộn cuộc sống người dân
TPHCM: Triều cường tiếp tục dâng cao gây xáo trộn cuộc sống người dân

VOV.VN - Chiều tối nay (1/10), nhiều khu vực tại TPHCM vẫn bị ngập sâu trong dòng nước đen kịt khi mà triều cường tiếp tục dâng cao. 

TPHCM: Triều cường tiếp tục dâng cao gây xáo trộn cuộc sống người dân

TPHCM: Triều cường tiếp tục dâng cao gây xáo trộn cuộc sống người dân

VOV.VN - Chiều tối nay (1/10), nhiều khu vực tại TPHCM vẫn bị ngập sâu trong dòng nước đen kịt khi mà triều cường tiếp tục dâng cao.