Giảm tai nạn giao thông - Cần lắm sự chung tay của người dân
VOV.VN - Việc mỗi người khi tham gia giao thông có ý thức tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông được xem là yếu tố then chốt trong việc giảm tai nạn giao thông, cải thiện hệ số an toàn khi tham gia giao thông.
Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT - Bộ Công an) cho biết, tổng kết lại năm 2022, lực lượng CSGT cả nước đã xử lý gần 2,9 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 4.000 tỷ đồng; trong đó đã xử lý hơn 300.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, gần 2.000 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy, trên 62.000 trường hợp vi phạm quá tải.
“Mặc dù đã có những bứt phá về chủ trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đưa công nghệ vào quản lý trật tự, an toàn giao thông nhưng công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vẫn còn những khó khăn, tồn tại”, Thượng tá Phạm Quang Huy thẳng thắn thừa nhận.
Theo Thượng tá Huy, hệ thống văn bản pháp luật về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hiện nay còn chưa đồng bộ, thậm chí chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, không chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém; phương tiện giao thông tăng nhanh, chủ yếu là các phương tiện cá nhân; hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được kịp so với sự gia tăng của phương tiện và nhu cầu đi lại của người dân, dẫn đến ùn tắc giao thông xảy ra phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của nhân dân.
Bên cạnh đó, số lượng phương tiện ô tô, xe máy đăng ký mới tăng quá nhanh khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng phổ biến. Hành lang pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn thiếu, chưa đồng bộ; biên chế lực lượng CSGT còn mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ, chế độ chính sách còn nhiều hạn chế; trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác còn thiếu, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế… Ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, thậm chí cản trở, chống đối người thi hành công vụ đang là những khó khăn, thách thức đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiện nay.
"Ma men" - nguyên nhân chính của tai nạn, ùn tắc giao thông
Theo Thượng tá Phạm Quang Huy, năm 2022, khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách, các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch trở lại bình thường, kèm theo đó là việc sử dụng rượu bia và vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện có dấu hiệu gia tăng.
“Minh chứng cho vấn đề này là trong năm 2022, lực lượng CSGT cả nước đã xử lý trên 300.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm khoảng 11 % trên tổng số các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện và xử lý. Đây là con số đáng báo động cần được các cơ quan, ban ngành, địa phương và toàn xã hội vào cuộc để giải quyết”.
Theo Thượng tá Huy, số lượng các trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức 3 (mức tối đa trên 0,4 mg/1 lít khí thở) chiếm khoảng 30% trong số các trường hợp vi phạm nồng độ cồn được phát hiện, xử lý. Với nồng độ cồn trong hơi thở cao như vậy, người điều khiển phương tiện sẽ không còn tỉnh táo để nhận biết và xử lý chính xác các tình huống giao thông, khi đó nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên hoàn, nghiêm trọng và đặt biệt nghiêm trọng là rất cao.
“Một số người mặc dù biết được tác hại của rượu, bia khi điều khiển phương tiện, biết được chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quá nồng độ cồn khi lái xe nhưng vẫn cố tình vi phạm vì chủ quan cho rằng vẫn làm chủ được hành vi, làm chủ được tay lái. Việc không kiểm soát được tinh thần, hành vi cũng là nguyên nhân dẫn đến một số trường hợp vi phạm, đối tượng có hành vi cản trở, chống đối, không hợp tác, không chịu đo nồng độ cồn khi được yêu cầu kiểm tra, xử lý, gây khó khăn cho lực lượng chức năng”, Thượng tá Phạm Quang Huy nhấn mạnh.
Dựa vào nhân dân để xử lý “quái xế”, “ma men” gây rối trật tự
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội đầu Xuân 2023, Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương, bắt đầu từ 15/11/2022, đồng loạt thực hiện cao điểm, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, nhất là tập trung cao độ xử lý đối tượng xe ô tô khách, xe ô tô chở hàng quá tải, quá khổ, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định...; cùng với đó là phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật giao thông.
Đại tá Đặng Trọng Cường - Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình cho biết: “Công an tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các lực lượng, phối hợp, phân theo ca kíp. Vào đêm giao thừa chúng tôi yêu cầu ứng trực 100% quân số để đảm vảo trật tự an toàn giao thông cho người dân vui Xuân đón Tết. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ tại các tuyến địa bàn quản lý, mỗi cán bộ chiến sỹ khi thực hiện nhiệm vụ phải với tinh thần phục vụ nhân dân, bảo vệ an toàn cho người dân và lấy sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông là mục tiêu hàng đầu”.
Để đấu tranh phòng ngừa, xử lý các đối tượng đua xe, lạng lách, đánh võng, nẹt pô, đặc biệt là không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, một mặt công an các địa bàn tăng cường tuyên truyền trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng như loa phóng thanh, trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber… cùng với đó là phối hợp với các nhà trường, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức.
“Chúng tôi chỉ đạo lực lượng công an bám địa bàn phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác 161 mới được thành lập trong năm 2022 tăng cường các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ để tuần tra, xử lý vi phạm. Trong đó, lực lượng mặc quân phục sẽ tuần tra kiểm soát công khai và lập chốt xử lý. Cán bộ chiến sĩ hóa trang, mặc thường phục tiếp nhận thông tin phản ánh, tố giác qua điện thoại hay tin nhắn Fanpage Facebook, Zalo, Viber từ người dân, kết hợp nắm thông tin từ các hội nhóm để thường xuyên ứng trực tại các tụ điểm tụ tập trên địa bàn và có phương án ngăn chặn ngay từ gốc. Đặc biệt, bằng các kĩ năng nghiệp vụ, lực lượng công an, cảnh sát sẽ dùng chính những trường hợp từng vi phạm, cung cấp thông tin, tố giác những trường hợp vi phạm khác... qua đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông", Đại tá Đặng Trọng Cường chia sẻ.
Năm 2023 kỳ vọng hệ số an toàn giao thông được nâng cao
Theo Đại tá Đặng Trọng Cường, năm 2023 được dự báo là năm kinh tế-xã hội tiếp tục có bước phục hồi sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19; cùng với đó nhu cầu tham gia giao thông cũng gia tăng mạnh mẽ; nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch thu hút đông đảo người tham gia.
“Năm 2023 Bộ Công an chỉ đạo công an toàn quốc xử lý quyết liệt vi phạm nồng độ cồn nhất là tại các khu đô thị, tuyến phố có nhiều nhà hàng, khu công nghiệp khu chế xuất nơi có nhiều công nhân… để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Vì tính mạng, sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, tôi hy vọng mỗi người khi tham gia giao thông đều ý thức tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự, xã hội”, Đại tá Đặng Trọng Cường nhấn mạnh.
Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông chia sẻ: “Mỗi năm chứng kiến những con số thống kê về tai nạn giao thông, cá nhân tôi vô cùng xót xa. Việc kéo giảm số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông luôn là mục tiêu đầu tiên mà chúng tôi mong muốn khi xây dựng kế hoạch và giải pháp thực hiện. Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, ý thức của người dân khi tham gia giao thông cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc giảm tai nạn giao thông, cải thiện hệ số an toàn khi tham gia giao thông”./.