Giáo dục chỉ cất cánh khi chống triệt để căn bệnh thành tích
VOV.VN - "Chúng ta phải chống triệt để căn bệnh thành tích, bệnh hình thức thì mới có được chất lượng giáo dục thật", TS. Nguyễn Tùng Lâm, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo nhấn mạnh.
Giai đoạn 2010-2020 được xem là giai đoạn quan trọng của giáo dục Việt Nam trong thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI, XII của Ðảng, trong đó tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân.
Vậy sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và hơn 6 năm thực hiện Nghị quyết 29 về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo", giáo dục Việt Nam đã đạt được những tựu gì? Đâu là những vấn đề đặt ra trong giai đoạn 5 năm, 10 năm tới?
Trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phóng viên VOV2 (Đài TNVN) có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo.
Giáo dục là không "đồng phục"
PV: Thưa TS. Nguyễn Tùng Lâm, 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng và 7 năm thực hiện Nghị quyết 29 Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, theo ông, đâu là những điểm đột phá chúng ta đã làm được?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng. Một chủ trương tôi cho là rất toàn diện và đúng hướng. Thực hiện chủ trương này, giáo dục đã làm được những việc quan trọng.
Thứ nhất, giáo dục đại học có bước thay đổi nhanh theo hai hướng là phát triển khoa học kỹ thuật và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực đất nước. Trong đó, việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học tôi cho là yếu tố then chốt. Bao lâu nay chúng ta chưa có một trường đại học nào lọt top 1.000 trường tốt nhất thế giới thì nay đã có.
Thứ hai, giáo dục phổ thông thực sự có thành tựu. Với một nền kinh tế đầu tư cho giáo dục còn thấp, đất nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng giáo dục phổ thông lại được xếp hạng cao trên thế giới khiến nhiều nước cũng phải ngạc nhiên.
Việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 là một sự chuyển hướng rất đúng, cơ bản và quan trọng. Bởi cách dạy phát triển năng lực, phẩm chất người học là điều quan trọng nhất chứ không phải là kiến thức.
Thứ ba, chúng ta bắt đầu quan tâm đến vai trò người thầy. Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi được biết, Bộ GD&ĐT đã xây dựng 9 mô-đun đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Đây là bước đi hợp lý.
Và thứ tư, ngành giáo dục đã số hóa toàn bộ khâu quản lý giáo dục làm nền tảng cho các nhà trường phát triển.
Đây là những thành tựu mà chúng ta nên trân trọng và phát huy.
Tôi chỉ tiếc rằng, Nghị quyết Trung ương ra sớm nhưng chúng ta làm hơi chậm. Nếu làm quyết liệt, làm đúng hướng như Nghị quyết 29 đã đề ra thì giáo dục sẽ có nhiều thành tựu hơn nữa.
PV: Dự thảo văn kiện Đại hội đảng lần thứ XIII cũng đã thẳng thắn chỉ ra, đổi mới tư duy và hoạt động giáo dục chưa đạt yêu cầu đề ra. Ông có bình luận gì về đánh giá này?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Nói đổi mới tư duy giáo dục chưa đạt yêu cầu đề ra dù là chung chung nhưng lại rất đúng. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh thêm, chúng ta phải nhận thức lại vai trò của giáo dục, nhận thức lại cách làm giáo dục sáng tạo thế nào? Mà thước đo chính là sự thay đổi của học trò.
Quan niệm về chất lượng giáo dục của UNESCO, từ năm 2005 đã tổng kết nhiều mô hình giáo dục thế giới. Họ đã đánh giá, chất lượng giáo dục không chỉ mang lại tri thức cho học sinh mà cái chính là làm cho học sinh thay đổi cảm xúc, suy nghĩ và mong muốn của mình.
Yêu cầu đặt ra là chúng ta phải có một nền giáo dục chất lượng, phát triển con người, của từng cá nhân một. Ví dụ khi dạy đạo đức chúng ta thường bắt học sinh phải làm thế này, phải làm thế kia nhưng mỗi học sinh nhận thức khác nhau, có cảm xúc khác nhau thì phải tác động vào từng đối tượng khác nhau để từng học sinh thay đổi.
Cách của chúng ta vẫn là tất cả học sinh đều phải giỏi, điểm số khá, ngoan ngoãn, được xếp hạnh kiểm tốt. Chúng ta đo học sinh bằng một thang đo dễ làm, dễ thấy. Nhưng tôi cho là không phù hợp. Con người phải được sáng tạo, phải có niềm vui, có khát vọng. Chúng ta lại không nhấn mạnh cái đó. Trong khi đó, ở nhà bố mẹ cũng ép các con đi học thêm, ép phải làm cái này, cái kia mà không để tự các em rèn luyện, tự thực hiện điều mà chúng mong ước.
Con người có đến đâu thì phát triển đến đó. Giáo dục là tạo điều kiện cho học sinh phát triển chứ không phải theo thứ tự, cùng phải xếp hàng, cùng phải mặc “đồng phục” như nhau.
PV: Theo như phân tích của ông thì có lẽ giáo dục vẫn còn nặng về đánh giá học sinh theo điểm số, theo thành tích?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Việc đánh giá trong giáo dục hiện nay vẫn dựa vào những số liệu, những báo cáo mà không đánh giá dựa trên thực tiễn. Đánh giá chất lượng giáo dục là đánh giá sự thay đổi của học sinh theo từng năm học một. Đánh giá sự hài lòng, sự vui vẻ của học sinh đến trường chứ không bằng những rào cản, không phải thành tích. Chúng ta chỉ dựa vào số lượng tỉ lệ học sinh xếp loại khá, tốt, bao nhiêu điểm thì không đúng.
Giống như việc phát triển các trường chuyên, lớp chọn hiện nay. Vẫn chạy bằng cấp, chạy theo điểm số, chạy theo giải thưởng. Điều đó cũng quan trọng ở chỗ chứng minh khả năng của học sinh Việt Nam không thua kém gì với các nước. Nhưng đấy không phải là mục tiêu của giáo dục. Mục tiêu của giáo dục là làm thế nào để các trường chuyên phải đào tạo được người tài.
Giáo dục phải làm thật. Chúng ta phải chống triệt để bệnh thành tích, bệnh hình thức thì mới có được chất lượng giáo dục thật.
Trường phổ thông cần được "giải phóng", nhà trường phải có đội ngũ Hiệu trưởng giỏi
PV: Dấu ấn quan trọng trong đổi mới căn bản toàn diện là chúng ta đã đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Tuy nhiên, để tạo ra sự thay đổi về chất, ông cho rằng chúng ta cần phải tập trung đổi mới mạnh mẽ điều gì?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Đó phải là sự đổi mới cách tổ chức, quản lý. Chúng ta phải đẩy mạnh tự chủ trong trường phổ thông. Giáo dục phổ thông hiện nay chưa được giải phóng, chưa mạnh dạn giao cho các trường tự chủ.
Thậm chí hiện nay chúng ta vẫn đang hiểu sai về tự chủ trường phổ thông. Một số trường được giao tự chủ nhưng cứ phát triển đến đâu thì cắt dần kinh phí cấp cho trường đến đó. Trường muốn phát triển họ phải thu tiền học phí của học sinh cao lên. Như thế sẽ biến trường công thành trường tư.
Tự chủ là nhà nước cấp từng ấy tiền, anh được quyền tự chủ hoàn toàn để tạo ra hiệu quả chất lượng cao nhất. Nhà trường được chủ động trong giảng dạy, chủ động trong giáo dục và đặc biệt chủ động trong xây dựng đội ngũ. Có quyền trả lương cho giáo viên một cách hợp lý, thậm chí là cao gấp 2-3 người khác nếu giáo viên đó thực sự giỏi.
Và khi được tự chủ, nhà trường có quyền làm những chương trình mới mà nhà nước không làm. Phụ huynh có đóng góp thêm thì chỉ đóng góp ở một mức độ nào đó thôi chứ không phải đóng góp tất cả. Trường công mà đua (học phí) với trường tư thục thì sẽ không tạo ra sự công bằng trong giáo dục.
Tuy nhiên, tự chủ phải có quá trình, phải được làm thí điểm, đưa ra quy chế chặt chẽ chứ không phải anh muốn làm gì thì làm. Tôi xin nhấn mạnh, phải chọn lọc và đào tạo một thế hệ những Hiệu trưởng vừa là nhà quản lý giỏi vừa là nhà giáo dục giỏi, cùng với việc được tự chủ, được “giải phóng” thì tôi chắc chắn giáo dục phổ thông sẽ tiến rất nhanh.
PV: Vì sao ông đặc biệt nhấn mạnh việc cần thiết đào tạo một đội ngũ Hiệu trưởng giỏi?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Bấy lâu nay chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề Hiệu trưởng. Vì một Hiệu trưởng giỏi họ không chỉ là nhà quản lý, nhà giáo dục mà trước hết họ phải là nhà sư phạm thì mới quan tâm đến học trò của mình, quan tâm đến chất lượng giáo viên có đáp ứng đến yêu cầu hay không? Hiện nay đã có chuẩn Hiệu trưởng nhưng chủ yếu vẫn mang tính hình thức. Đếm cho đủ tiêu chuẩn thôi.
Chúng ta thấy, tất cả những trường phổ thông có nề nếp, quy củ đều có dấu ấn rất lớn từ người đứng đầu. Nếu người đứng đầu không chủ động, không mạnh dạn, không dám chịu trách nhiệm để giáo viên làm những điều tốt đẹp thì không bao giờ có sự đổi mới.
Nhiều trường phổ thông hiện nay không bứt phá vì Hiệu trưởng kém, trên xây dựng kế hoạch thế nào dưới làm như thế. Săm soi giáo viên, chỉ sợ giáo viên giỏi hơn mình nên không dám mở ra cơ chế để giáo viên sáng tạo. Hiệu trưởng giỏi là người điều khiển, huy động nguồn lực, sử dụng giáo viên giỏi và tôi mong Nhà nước, Bộ GD&ĐT có một chương trình nào đó để phát triển đội ngũ hiệu trưởng thực sự tài giỏi.
PV: Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh vai trò của GD&ĐT. Trong đó gắn liền sứ mạng “phát triển con người” cùng với sứ mạng “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” của giáo dục và đào tạo. Định hướng này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Đây là định hướng hoàn toàn đúng. Trước đây, khi nói đến chất lượng nguồn nhân lực chúng ta chỉ nhấn mạnh đến đào tạo đại học, dạy nghề. Nhưng quan điểm của tôi, chất lượng nguồn nhân lực phải chuẩn bị từ phổ thông. Mà phổ thông phải làm tốt từ bậc mầm non, tiểu học rồi mới lên THCS, THPT.
Chúng ta có một sai lầm trong quá khứ khi phát triển giáo dục chỉ chú ý đến phổ thông, đại học mà đúng ra là phải từ mầm non, tiểu học. Nếu con người từ cấp học nhỏ ấy, tuổi "vàng" ấy mà được giáo dục đúng, phát triển đúng thì lên cấp 2, cấp 3 sẽ phát triển, đáp ứng được các yêu cầu.
Do vậy, đánh giá chất lượng phổ thông là đánh giá đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước như thế nào? Tức là đòi hỏi sự phát triển của con người. Nếu chúng ta không đo chất lượng học sinh phổ thông theo hướng phát triển đáp ứng nguồn nhân lực mà chúng ta chỉ thiên về kiểm tra kiến thức thì không đủ.
PV: Vậy, giáo dục-đào tạo trong giai đoạn 5 năm, 10 năm tới, theo ông cần tập trung giải quyết những nhiệm vụ nào để đáp ứng yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Trong 5 năm, 10 năm tới, tôi cho rằng có 3 việc chúng ta nên làm đồng bộ. Thứ nhất, phải thay đổi cơ chế quản lý. Tạo điều kiện cho giáo dục cất cánh, cơ chế quản lý phải thay đổi một cách nhanh chóng chứ không phải là sự chờ đợi. Ví dụ, nghị quyết 29 có nhấn mạnh phải trả lương cho giáo viên ở mức cao nhất nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa thực hiện được.
Thứ hai, phải xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý chất lượng tốt. Riêng vấn đề này cũng phải làm đồng bộ từ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng và chọn lọc giáo viên. Những ai không đáp ứng được thì nhất quyết phải chuyển ngành chứ không có chuyện nghiễm nhiên vào biên chế là coi như xong.
Và thứ ba, cơ sở vật chất tối thiểu từng địa phương phải chăm lo. Trong giai đoạn tới này, chúng ta không nên để tình trạng ở miền núi trường lớp xập xệ, thiếu thốn.
Ba việc này nếu làm đồng bộ thì tôi tin giáo dục của chúng ta sẽ đạt được nhiều kết quả tốt.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!./.