Giáo dục nghề nghiệp: Cần chiến lược dài lâu
VOV.VN - Nhiều chuyên gia tại TP HCM nói: thời gian tới, chúng ta cần phải đầu tư, đổi mới quyết liệt hơn để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Mới đây, đoàn Việt Nam đã tạo được ấn tượng tốt tại Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 43 được tổ chức ở Brazil với thành tích 1 huy chương Đồng và 8 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc.
Xen lẫn niềm tự hào khi giáo dục nghề nghiệp bước đầu gặt hái được những thành công nhất định, nhiều chuyên gia tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian tới, chúng ta cần phải đầu tư, đổi mới quyết liệt hơn để nâng cao chất lượng nguồn lao động trong thời kỳ hội nhập toàn cầu.
Thí sinh Đặng Quang Phong với nghề thợ xây (ảnh: Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cung cấp) |
Trở về sau kỳ thi quy mô toàn cầu, thí sinh Nguyễn Duy Thanh cho biết: “So với các bạn trên thế giới, tất cả các nghề của Việt Nam sự chênh lệch rất nhỏ. Trình độ tay nghề của ta không thua gì các nước. Nếu thiếu có thể là thiếu một chút xíu sự chuyên nghiệp và may mắn. Vì vậy em nghĩ các bạn cứ cố gắng rèn luyện, một ngày nào đó chúng ta sẽ thành công”.
Bên cạnh khả năng tay nghề, tính sáng tạo của các thí sinh, thành công này còn có sự góp sức từ chương trình “xã hội hóa” huấn luyện tay nghề. Như trường hợp của Nguyễn Duy Thanh, trước khi sang Brazil tranh tài, em đã được tham gia khóa huấn luyện kéo dài 13 tháng tại Hàn Quốc với sự tài trợ của một doanh nghiệp điện tử tầm cỡ. Năm nay, 7 trong số 13 nghề dự thi của đoàn Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tập huấn từ phía các doanh nghiệp lớn. Những thành tích mà đoàn đạt được trong lần dự thi này đã mở ra nhiều hy vọng cho những bước tiến dài hơn của giáo dục nghề nghiệp trong tương lai.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia, nếu sớm được đầu tư huấn luyện tay nghề theo hướng chuyên nghiệp, chúng ta có thể đã tiến xa hơn chứ không phải đợi 8 năm ròng rã mới chạm được tấm huy chương đầu tiên. Việc thiếu kinh phí, chưa được đào tạo bài bản, còn nghèo kỹ năng mềm… là những nguyên nhân khiến các “tay nghề” Việt Nam chưa đạt được kết quả mong muốn khi tham gia tranh tài trên trường quốc tế.
Là chuyên gia huấn luyện cho thí sinh thi nghề từ cấp quốc gia đến quốc tế từ nhiều năm qua, ông Bùi Đình Tiền, Phó trưởng phòng Quản lý Khoa và hợp tác quốc tế, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sở dĩ giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam chưa đạt mức đỉnh cao như các nước phát triển, bên cạnh việc thiếu kinh phí còn do chúng ta chưa tạo được mạng lưới liên kết bền vững.
Trong giai đoạn mở cửa, việc sẽ ký kết hàng loạt hiệp định thương mại với các cường quốc tạo cho chúng ta nhiều cơ hội phát triển nhưng cùng với nó sẽ có không ít thách thức, cạnh tranh. Vì thế, ngay từ bây giờ, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tự làm mới mình và tạo mối liên kết, đặc biệt là với doanh nghiệp, các hội ngành để tranh thủ tài nguyên cũng như sự hỗ trợ nhằm nâng cao tay nghề cho người học.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nói: “Quá trình hội nhập ASEAN sắp tới tạo ra cuộc cạnh tranh rất mạnh. Khi chúng ta mở cửa, lao động các nước sẽ tràn vào Việt Nam. Họ được đào tạo rất tốt. Những nhà đầu tư nước ngoài luôn chọn những lao động làm việc năng suất cao, có đạo đức nghề nghiệp tốt và kỹ năng chuyên nghiệp. Lúc đó, nếu Việt Nam không quan tâm đến vấn đề giáo dục nghề nghiệp thật tốt, sợ rằng chúng ta sẽ bị tụt hậu”.
Để không tụt hậu, chúng ta chỉ còn cách liên tục đổi mới. Với những chiến lược mà các chuyên gia đã đề ra trong thời gian gần đây, hy vọng, tương lai không xa, Việt Nam sẽ đủ sức chinh phục những thành tích cao hơn tại các cuộc thi tay nghề thế giới./.