2 học sinh dân tộc thiểu số đạt giải viết thư quốc tế UPU
VOV.VN - Đây thực sự là trái ngọt, phản ánh nỗ lực và những chuyển biến trong công tác giáo dục vùng dân tộc thiểu số cùng khó khăn.
Lần đầu tiên tỉnh Gia Lai có 2 học sinh dân tộc thiểu số đoạt giải Cuộc thi viết thư Quốc tế dành cho trẻ em dưới 15 tuổi của Liên Minh Bưu chính Thế giới (viết tắt là UPU) do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin - Truyền thông và Tổng công ty Bưu điện phối hợp tổ chức hàng năm tại Việt Nam.
Điều đặc biệt, cả 2 em học sinh đều là người Ja Rai ở các huyện nghèo khó nhất ở đông nam của tỉnh Gia Lai. Giải thưởng cùng thành tích học tập của các em thực sự là trái ngọt, phản ánh nỗ lực và những chuyển biến trong công tác giáo dục vùng dân tộc thiểu số của chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình vùng khó khăn.
Là con út trong gia đình có 9 anh chị em, bố lại mất sớm, mẹ đã ngoài 60 tuổi, nhà rất nghèo, nhưng năm nay là năm thứ 9, Rơ chom H’Tuyết, học sinh lớp 9, trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.
Tham gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU với chủ đề “Hãy viết một bức thư nói về thế giới mà bạn muốn lớn lên trong đó”, H’Tuyết là một trong 2 học sinh của tỉnh Gia Lai đạt giải trong nhóm giải dành cho thí sinh đồng bào dân tộc thiểu số.
Nói về bài dự thi của mình, H’Tuyết hào hứng kể: “Trong bài dự thi của em, em muốn sống trong một thế giới hòa bình, ấm no, hạnh phúc, tràn ngập tình yêu thương, mọi người luôn lo lắng, quan tâm, sẻ chia cho nhau. Một thế giới mà trẻ em không phải chịu cảnh gia đình tan rã, chia ly, thế giới tốt đẹp, mọi trẻ em đều nhận được tình yêu thương của gia đình, xã hội và nhận được vòng tay ấm áp, động viên từ người cha, sự quan tâm, lo lắng, săn sóc của người mẹ và cả sự quan tâm của toàn cộng đồng”.
H’Tuyết cho biết, sở dĩ em có thành tích học tập tốt là nhờ vào tình yêu thương, động viên của mẹ và thầy cô giáo trong trường. Ở buôn Hy Hoai B, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện, nơi em sinh ra, đa số các gia đình đều nghèo, nhưng ai ai cũng cố gắng cho con đến trường để học chữ. Với bà con dân tộc thiểu số nơi đây, học chữ không chỉ để thoát khỏi cảnh nghèo đói mà còn để học làm người.
Cùng đạt giải viết thư quốc tế UPU với H’Tuyết, Kpă H’Ni Na, học sinh lớp 10, trường THPT Lê Thánh Tông, thị xã Ayun Pa may mắn hơn vì bố mẹ là giáo viên, luôn luôn tạo điều kiện cho con học tập. Vừa dạy học, vừa tất bật với nương rẫy, nhưng chị Kpă H’Tem (mẹ của Kpă H’Ni Na) không bắt con phải lao động phụ giúp bố mẹ mà dành thời gian cho con ôn tập bài vở.
Tâm nguyện lớn nhất của chị là đầu tư cho con cái học hành thành tài. Chị Kpă H’Tem nói: “Tôi quan niệm rằng, cho con cái mình ăn học đến nơi, đến chốn đầu tiên biết chữ đã, được đến lớp được vui vẻ với bạn bè, sau đó là học kiến thức cho vững chắc, mai mốt học nghề nghiệp. Con tôi đặc biệt không học kèm (học thêm) từ lớp 1 đến lớp 9. Bố mẹ hy sinh tất cả để kiếm tiền cho con ăn học”.
Các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa cùng với thị xã Ayun Pa nằm ở phía đông nam tỉnh Gia Lai là nơi đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng đây là cái nôi trưởng thành của nhiều thế hệ cán bộ dân tộc thiểu số trong tỉnh Gia Lai. Truyền thống hiếu học của con em người đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy. Đến nay, hầu hết các huyện đông nam Gia Lai đều có trường Trung học cơ sở dân tộc nội trú dành cho con em học sinh dân tộc thiểu số. Nhà trường luôn luôn chú trọng công tác tư tưởng, vận động học sinh yên tâm học tập.
Thầy Nay Rel, hiệu trưởng trường Trung học cơ sở dân tộc Nội trú huyện Phú Thiện nói: “Đối với dân tộc Jarai, Ba Na đã quen với tập quán ở gia đình, trường gần nhà, khi về học tập tại trường này 1 tháng Nhà nước cho về thăm gia đình 1 lần. Từ đó, học sinh hay nhớ nhà. Nhà trường cũng làm việc với phụ huynh học sinh làm sao thuyết phục con cái yên tâm học tập tại trường”.
Nhờ sự chung tay tuyên truyền, vận động của chính quyền các địa phương, nên tỷ lệ học sinh nghỉ học giảm đều theo hàng năm. Ông Nay Krem, Trưởng phòng Dân tộc, UBND huyện Phú Thiện nói: “Trong thời gian vừa qua, UBND huyện tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, theo đúng độ tuổi, đúng quy định là người dân phải đưa con đến trường. Nhân dân đã hiểu chủ trương đó. Người Jarai nhìn chung là hiếu học. Hàng năm, kết quả thi vào các trường, các cấp, thi vào cao đẳng- đại học đạt tỷ lệ rất là cao”.
Giải thưởng trong cuộc thi viết thư quốc tế UPU không chỉ là kết quả từ sự nỗ lực của 2 em học sinh người Ja Rai, mà còn là thành quả của công tác giáo dục ở nơi chính quyền, ngành giáo dục và đồng bào các dân tộc đã đoàn kết, cùng nhau vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, tươi đẹp./.