3 công khai ở các trường ĐH: Công khai nhưng không minh bạch

VOV.VN - Hiện nay nhiều trường vẫn công khai các số liệu về chất lượng đào tạo trên website, nhưng không ai có thể đảm bảo đây không phải "số liệu ma".

Chất lượng đào tạo giáo dục đại học là một trong những nhân tố quan trọng liên quan mật thiết đến chất lượng nguồn nhân lực xã hội trong tương lai. Nâng cao chất lượng giáo dục, gắn liền với nhu cầu thực tế là một trong những yêu cầu mang tính thời sự

Trong những năm gần đây, tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp chiếm một tỷ lệ khá lớn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính sinh viên mà còn lãng phí cho gia đình và xã hội

Mỗi năm có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp ra trường, nhưng chất lượng có tương xứng với số lượng hay không lại là chuyện khác. (Ảnh minh họa).
Đào tạo cần bám sát nhu cầu

Nói về đào tạo đại học hiện nay, PGS.TS Nguyễn Văn Long, Chủ tịch hội đồng trường ĐH Giao thông Vận tải cho rằng các trường cần đào tạo những gì xã hội đang cần chứ không nên đào tạo những gì mình đang có. TS Long cũng thẳng thắn, hiện nay có những những môn học không hề ăn nhập, liên quan đến chương trình đào tạo, nhưng chỉ vì nó đã tồn tại trước đó nên các trường vẫn cố đưa vào. Từ đó dẫn đến tình trạng học nhưng không cần thiết, tiêu tốn thời gian của người học, đồng thời gây lãng phí cho xã hội. Như vậy bài toán đặt ra với các trường là cần đào tạo những gì? Học những môn nào, và học như thế nào? Câu trả lời hơn hết nên được đưa ra từ chính nhu cầu của xã hội mà cụ thể là của các nhà tuyển dụng.

Để giải quyết vấn đề giáo dục chưa đi sát với thực tế, dạy học triền miên nhưng nhiều môn chưa thực sự cần thiết, PGS. TS Nguyễn Văn Long cho rằng các trường cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị tuyển dụng để xác định đâu là những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho sinh viên mỗi chuyên ngành sau khi ra trường.

Chia sẻ về vấn đề này GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết ĐH quốc gia Hà Nội có sự hợp tác với các đơn vị tuyển dụng nhân lực. Chính các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực do trường đào tạo trong tương lai sẽ tham gia vào việc đánh giá chất lượng đào tạo của trường. GS Thanh cho rằng các trường đại học hiện nay nên đẩy mạnh hơn nữa sự gắn kết với nhà tuyển dụng. Thậm chí có thể mời các đơn vị tuyển dụng cùng tham gia vào công tác giảng dạy, nghiên cứu, hội đồng khoa học của trường để đưa các kiến thức thực tế gần hơn với sinh viên. Nếu thực hiện tốt việc liên kết giữa các trường học và nhà tuyển dụng sẽ mang lại lợi ích cho cả phía, người đào tạo và người sử dụng nhân lực.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, các đơn vị này cũng cần phải có cam kết sử dụng nguồn lao động đó. Tức bản thân thị trường lao động cũng phải có tính dự báo, định hướng cho hoạt động đào tạo.

Nói về vấn đề này, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) hy vọng trong thời gian tới sẽ có những nghị định, luật cụ thể quy định về mối liên hệ giữa nhà trường và đơn vị tuyển dụng để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Bộ sẽ có quy chế riêng

Theo PGS.TS Mai Văn Trinh, để giám sát quá trình đào tạo cũng như chất lượng đầu ra, đầu vào của các trường đại học, Bộ đã giao cho 4 đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra.

Thực tế từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường thực hiện 3 công khai (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và thu chi tài chính). Kết quả kiểm định những chỉ tiêu này được đăng tải trên website của nhiều trường đại học, học viện, nhưng không ai đảm bảo đó không phải là "số liệu ma".

GS.TS Nguyễn Quý Thanh, cho rằng, việc không có một đơn vị độc lập đứng ra thẩm định kết quả kiểm định chất lượng trường đại học, không có chế tài xử lý trường hợp thông tin sai dẫn đến công khai nhưng không minh bạch.

Ông Thanh nhận định việc công bố chỉ số chất lượng đã có từ lâu, nhưng chưa đủ chi tiết và chưa có ai kiểm tra. Thay vì chỉ công khai số lượng giảng viên, các trường phải công bố danh sách giảng viên theo từng ngành. Người quan tâm có thể kiểm tra chéo danh sách giảng viên với danh sách bảo hiểm xã hội để đảm bảo không có gian lận.

Ngoài 3 công khai, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường công bố thêm nhiều chỉ số chất lượng hơn trong những năm tới, trong đó, từ năm 2018, các trường phải công khai tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của hai khóa gần nhất. Các chuyên gia giáo dục cho rằng yêu cầu này rất đúng đắn, là bước truyền thông hiệu quả mà nhiều trường chưa làm.

Để số liệu này chính xác, Cục trưởng Mai Văn Trinh cho biết Bộ sẽ giao nhiệm vụ cho 4 trung tâm kiểm định. Theo đó, các trung tâm trên sẽ có trách nhiệm rà soát, theo dõi, kiểm tra quá trình điều tra tình trạng việc làm của sinh viên cũng như những yếu tố khác cần được công khai, để đảm bảo những thông tin đưa đến công chúng là hoàn toàn xác thực.

Đại điện Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, với những trường làm sai, cũng sẽ bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí có nguy cơ phải ngừng tuyển sinh.  Đây là bước đi cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đảm bảo nguồn nhân lực đào tạo ra có chất lượng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên