Bài 4: Học “người” tự chủ, đừng “bê” nguyên mô hình
VOV.VN - Theo các chuyên gia, chúng ta học cách tự chủ của nước ngoài nhưng không thể “bê” nguyên một mô hình tự chủ ở đâu đó về Việt Nam
Bài 2: Tự chủ Đại học: Các trường khó quyết mức thu học phí mới
Bài 3: Tự chủ ĐH: Học phí tăng, sinh viên nghèo khó nuôi “giấc mơ” giảng đường?
Tự chủ đại học, nhìn từ các nước
Mô hình tự chủ đại học (ĐH) hiện đang là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, ở mỗi nước, cách thức tự chủ cũng khác nhau tùy thuộc vào nền văn hóa và điều kiện kinh tế của nước đó.
Tại Hàn Quốc, kể từ năm 1995, Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức cải cách hoàn toàn cơ chế quản lý các trường ĐH và đã dứt khoát trao quyền tự chủ cho các trường với những nội dung cơ bản, gồm: Đa dạng hóa và chuyên sâu hóa hệ thống giáo dục ĐH; Đa dạng hóa các tiêu chí về việc cho phép thành lập các trường ĐH tư thục; Trao quyền tự chủ cho các trường quyết định chỉ tiêu tuyển sinh, quản lý và phát triển trường; Tạo hệ thống hỗ trợ đặc biệt cho vấn đề nghiên cứu khoa học; Gắn kết chặt chẽ việc đánh giá chất lượng của trường ĐH với hỗ trợ tài chính từ Chính phủ cũng như từ các doanh nghiệp.
Từ đó đến nay, có thể nói Hàn Quốc là nước đã có những thành tựu to lớn về phát triển khoa học công nghệ và trong đó không thể không kể đến những thành tựu to lớn trong việc giáo dục ĐH. Các trường ĐH của Hàn Quốc được toàn quyền chủ động trong các khâu xét tuyển. Các trường có thứ hạng cao thì điều kiện đầu vào càng rất chặt chẽ và thường đòi hỏi học sinh, sinh viên khi thi vào phải có một năng lực phù hợp. Do vậy, sinh viên tốt nghiệp cũng dễ dàng đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của xã hội.
Giáo sư Trần Hải Linh
“Hàn Quốc có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ dành cho các trường ĐH công lập, đặc biệt là các khoa hay trường Đại học về công nghệ. Chúng tôi cũng tạo ra sự cạnh tranh cho các trường tư thục và cung cấp kinh phí cho họ để trang trải cho các hoạt động, nhưng chỉ cấp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu của các giảng viên hoặc giáo sư trong tất cả các trường, cho dù là công lập hay tư thục. Chúng tôi cũng cấp học bổng cho sinh viên, kể cả sinh viên công lập hay tư thục, để đảm bảo là các trường công, hay trường tư đều phải cạnh tranh với nhau nhằm thu hút được những sinh viên giỏi hơn, hay giảng viên, giáo sư tốt hơn. Tôi nghĩ đây là mấu chốt đảm bảo thành công trong cải cách của hệ thống giáo dục ở Hàn Quốc”- ông Juho Lee nói.
Nhiều năm giảng dạy tại ĐH Inha, Hàn Quốc, Giáo sư Trần Hải Linh cho biết, khi tự chủ, các trường được trao quyền nhiều hơn trong các quyết định tài chính của họ. Nguồn tài chính chủ yếu vẫn là từ nguồn học phí của sinh viên, sau đó là từ hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp hoặc từ chính các đề tài nghiên cứu mà các giáo sư, giảng viên trong trường làm chủ trì.
Đối với các trường ĐH ở Malaysia, Chính phủ đã cho phép một số trường được tự chủ tài chính, các trường được linh hoạt trong việc tuyển sinh, thu học phí, chuẩn bị chương trình đào tạo…
Giáo sư Dato’TS Moshidi Sirat
Giáo sư Dato’TS Moshidi Sirat, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đào tạo, Bộ Giáo dục- Đào tạo Malaysia cho biết, ngay từ khi tiến hành cải cách giáo dục ĐH vào năm 1996, Malaysia đã ban hành rất nhiều thay đổi về quy định, luật pháp; đồng thời xem xét các loại hình trường ĐH, nguồn kinh phí, tài chính và nguồn vốn vay cho sinh viên cũng như công tác quản trị... Trong quá trình cải cách, Malaysia đã phân ra 3 loại hình trường ĐH công là ĐH nghiên cứu, ĐH kỹ thuật và ĐH toàn diện. Đối với những ĐH tư thì không phân loại.
Trong hệ thống ĐH, Malaysia có 2 loại đánh giá đối với cả trường công và trường tư. Thứ nhất, đối với trường công, đánh giá về mặt nghiên cứu để đảm bảo rằng trường có tiến hành nghiên cứu khoa học hay không?. Khi đã đạt kết quả cao trong năng lực nghiên cứu, trường đó sẽ có quyền xin hỗ trợ từ Chính phủ phục vụ nghiên cứu.
Thứ hai là đánh giá về kết quả giảng dạy và phần đánh giá này do cơ quan về bằng cấp của Malaysia chịu trách nhiệm. Và phần đánh giá này các trường sẽ được đánh giá trên kết quả dạy và học. Thang điểm đánh giá là từ 1-6, nếu trường nào đạt 6 điểm là trường tốp đầu. Và tất nhiên, sinh viên rất muốn vào các trường tốp đầu, các trường có thang điểm 4, 5, 6. Trong trường hợp các trường đạt 1, 2 vẫn có sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các trường để họ nâng điểm số của trường lên.
Giáo sư Dato’TS Moshidi Sirat cho biết: “Ở loại hình trường công hay trường tư, chúng tôi đều quan tâm đến việc tăng cường khả năng xin việc của sinh viên, sinh viên phải tự tạo ra công ăn việc làm khi ra trường bằng cách tăng cường sự phối kết hợp với các doanh nghiệp, thị trường lao động”.
Ở Malaysia là thị trường mở nên dù là trường công hay trường tư thì hoạt động tốt sẽ tồn tại, ngược lại Bộ Giáo dục- Đào tạo sẽ có kết luận hoạt động của trường không tốt và đến một lúc nào đó những trường này sẽ phải đóng cửa. Các trường ĐH tư hoạt động theo lợi nhuận nên số lượng người làm việc cũng hạn chế. Vì vậy khi đóng cửa, giảng viên cũng không bị ảnh hưởng nhiều như đối với giảng viên ở các trường ĐH công. “Đó là lý do tại sao ở Malaysia chỉ có 20 trường công, nhưng bên cạnh đó chúng tôi cũng rất chú trọng đến các trường về bách khoa định hướng nghề nghiệp nhiều hơn. Còn ở Việt Nam, nếu trường công không hoạt động tốt, các trường đó có bị đóng cửa không, giảng viên có bị thất nghiệp hay không?”- ông Dato’TS Moshidi Sirat nói.
Tại Nhật Bản, từ khi thông qua đạo luật về cải cách giáo dục vào năm 2003, nước này cũng đã trao quyền tự chủ về mặt pháp lý cho tất cả các trường ĐH theo hướng Hiệu trưởng và Ban Quản trị trường có quyền nhiều hơn. Còn ở Singapore, từ năm 2006, các trường được phép tự chủ và được khuyến khích tự tìm nguồn tài trợ…
Chính phủ các nước hỗ trợ sinh viên thông qua việc cho vay
Ở một số nước có hệ thống giáo dục phát triển như Australia khi giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, họ đã tính đến đặc thù hoạt động của từng loại hình trường ở từng vùng, miền để có những yêu cầu tự chủ cũng như hỗ trợ khác nhau cho các trường.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho sinh viên có thể đóng học phí trong suốt quá trình học tập ở những trường có mức thu cao, nhiều nước đã đưa ra những chính sách hữu hiệu như cấp học bổng, hỗ trợ vay vốn...
Ở nhiều nước châu Âu, châu Úc thậm chí là ở một số nước châu Á, mức học phí ở các trường ĐH thường rất cao (lên đến vài chục nghìn USD). Những trường ĐH tư có mức học phí cao hơn ĐH công từ 4-5 lần. Để hỗ trợ sinh viên đi học, Chính phủ các nước đã có chính sách cho sinh viên vay vốn để trang trải suốt thời gian học tập. Khi sinh viên tốt nghiệp, đi làm sẽ lấy tiền lương hàng tháng để trả dần tiền học phí trong thời gian học ĐH.
Ở Mỹ, chi phí giáo dục ở các trường ĐH chênh nhau rất lớn, có trường tổng chi phí mỗi năm chỉ dưới 20.000 USD/sinh viên, nhưng cũng có trường lên đến gần 60.000 USD/sinh viên/năm (bao gồm cả học phí, ăn ở, đi lại…).
Các Chính quyền liên bang, tiểu bang đều có chính sách cấp học bổng và hỗ trợ sinh viên. Nếu sinh viên nào có năng lực học tập xuất sắc được một trường ĐH nào đó phê duyệt cấp học bổng thì sẽ được miễn phí hoàn toàn học phí trong suốt thời gian học ĐH. Còn sinh viên nào không thuộc diện được cấp học bổng mà muốn vay đề học từ các cơ quan thuộc Chính quyền liên bang, tiểu bang thì phải nộp hồ sơ vay tiền. Sau khi xem xét hồ sơ và thẩm định khả năng trả nợ thì sinh viên đó mới được vay tiền để trang trải học tập. Quá trình trả nợ không bắt buộc cho đến kinh sinh viên tốt nghiệp ĐH mà trong quá trình học đang học ở trường. Vì vậy, ngoài giờ học ở trên lớp, nhiều sinh viên Mỹ đã đi làm thêm để có tiền chi trả tiền vay để đóng học phí.
Australia cũng là nước có nền giáo dục phát triển. Học phí tại các trường ĐH giao động từ 15.000 đến 33.000 AUD/sinh viên/năm. Chính phủ nước này có chính sách hỗ trợ cho sinh viên vay vốn, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ sinh viên tại các trường công lập.
Còn tại một số nước châu Á như Singapore, các trường ĐH có mức thu học phí khác nhau. Học phí ở trường Nghệ thuật không cao bằng những trường Khoa học tự nhiên. Nếu tính trung bình mỗi năm, sinh viên phải chi khoảng 10.000 USD để đóng học phí. Tất cả sinh viên trong nước và du học sinh ở nước ngoài đến Singapore học tập đều được Chính phủ tạo điều kiện hỗ trợ cho vay trên cơ sở xem xét các yếu tố cần thiết.
Không “bê” nguyên mô hình nước khác
PGS.TS Nguyễn Công Khanh, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục và khảo thí (ĐH Sư phạm Hà Nội) - người đã có nhiều năm học tập, nghiên cứu tại các trường ĐH của Australia cho rằng, đối với nước ngoài, quyền tự chủ của một trường ĐH rất lớn. Các trường được tự chủ về mặt tài chính, tuyển sinh và tự chủ về xây dựng các chương trình đào tạo và họ chịu sự kiểm soát của các cơ quan đảm bảo chất lượng giáo dục. Các chương trình đào tạo của các trường đại học phải được các cơ quan đảm bảo chất lượngkiểm định công nhận chất lượng. Các trường muốn tuyển sinh, phải đặt ra các tiêu chí tuyển sinh rõ ràng.
PGS.TS Nguyễn Công Khanh
Ngoài ra, họ phải viết 1 bài luận đề xuất, nguyện vọng tại sao thí sinh đó lại học ĐH, tại sao lại chọn trường đó và trên cơ sở đó họ xét kèm theo với các thành tích hoạt động xã hội…” - PGS.TS Nguyễn Công Khanh nói.
Hiện Việt Nam chưa có các trung tâm đánh giá quốc gia như mô hình ETS của Mỹ chuyên thiết kế và cung cấp các đề thi chuẩn như SAT, ACT… của Mỹ. Do vậy, Bộ GD-ĐT cần sớm thành lập một trung tâm đánh giá quốc gia, độc lập, thực hiện các dịch vụ khảo thí (cung cấp các đề thi chuẩn hóa). Trung tâm đánh giá quốc gia tập hợp nhiều chuyên gia về tâm trắc học và có cả các chuyên gia về môn học. Họ cùng hợp tác với nhau để có thể tạo ra các đề thi đạt tính chuẩn và nhờ các công nghệ hiện đại chuẩn hóa các đề thi đó. Sau đó, các trường ĐH có thể liên kết với Trung tâm này để sử dụng các đề thi đã chuẩn hóa, cho thi, nhằm tuyển chọn được những thí sinh đạt chất có năng lực đáp ứng yêu cầu đào tạo.
“Trước mắt, có thể giao cho các trường. Các trường cũng có các chuyên gia, nhưng ít. Vì thế, một nhóm trường có thể hợp tác với nhau để chia sẻ nguồn lực chuyên gia và sử dụng chung một đề thi được thiết kế theo công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu. Như vậy, sẽ hiệu quả hơn từng trường làm, vì nếu làm riêng sẽ rất tốn kém”- ông Khanh đề xuất.
Ông Juho Lee, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cho rằng, bất cứ nước nào muốn có hệ thống giáo dục ĐH mạnh hơn thì cần phải có sự mở cửa. Hàn Quốc trong thời gian đổi mới đã thu hút đến 340 các học giả nước ngoài đến làm việc ở các trường ĐH trong nước và đóng góp cho các hoạt động nghiên cứu. Việc này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của các giáo sư, giảng viên ở trong nước vì họ cho rằng tiền đó nên dành hỗ trợ cho các giảng viên trong nước. “Tuy nhiên, phải mời các giảng viên, giáo sư nước ngoài nếu muốn có các trường Đại học đạt tầm quốc tế. Đây là một bài học rất quan trọng. Chúng tôi muốn nêu ra cho các nhà hoạch định chính sách tham khảo”.
Ông Juho Lee
Theo nhiều ý kiến chuyên gia, giáo dục bao giờ cũng được xây dựng và phát triển trên nền văn hóa, trên ngữ cảnh và điều kiện kinh tế. Việt Nam học cách tự chủ của nước ngoài nhưng không thể bê nguyên một mô hình tự chủ ở đâu đó về áp dụng tại nước mình.
PGS.TS Nguyễn Công Khanh ví von rằng, cũng giống như người Việt Nam thích một món ăn nào đó của nước ngoài, chúng ta có thể thưởng thức, nhưng không thể bê toàn bộ văn hóa của nước ngoài về Việt Nam. Và chính điều đó đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ về một mô hình tự chủ của Việt Nam phù hợp với điều kiện văn hóa và cơ sở vật chất của Việt Nam.
“Tôi lấy ví dụ, bây giờ chúng ta đang rất muốn có đề thi chuẩn hóa như kiểu tiêu chuẩn chất lượng của Mỹ (SAT) hoặc chúng ta cũng muốn bắt chước một mô hình tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới, nhưng cơ sở vật chất chưa đáp ứng, con người chưa đủ trình độ, các chuyên gia của tâm trắc học chưa đủ khả năng để đánh giá các đề chuẩn như vậy. Vậy thì, chúng ta có chịu được không và nếu đi mua đề thi của nước ngoài thì tốm kém như thế nào? Chắc gì đề thi đó đã tốt đối với tâm lý của người Việt Nam”- PGS.TS Nguyễn Công Khanh chia sẻ.
Vì thế, việc quan trọng nhất hiện nay là từng bước cải tiến mô hình thi cử, đồng thời học hỏi công nghệ để thiết kế những đề thi chuẩn và hướng các đề thi đó đến đánh giá năng lực của thí sinh và quan trọng nhất là phải phù hợp với điều kiện văn hóa và cơ sở vật chất của Việt Nam.
Giao quyền tự chủ một cách toàn diện cho các trường ĐH là xu thế tất yếu để các trường cạnh tranh về chất lượng đào tạo, phục vụ người học một cách tốt nhất. Tuy nhiên, các trường được giao quyền tự chủ toàn diện phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn nhân lực cung cấp cho xã hội. Vấn đề này sẽ được báo Điện tử VOV phân tích trong Bài 5: Phải kiểm soát được chất lượng giáo dục./.