Bản Phùng Sơn (Ngọc Lặc - Thanh Hoá) có 43 hộ, mà gần 80% hộ nghèo. Thế nhưng, cả bản có tới 45 con em đỗ đại học và cao đẳng. Chỉ riêng trong năm 2008, có 3 học sinh đỗ đại học
Con đường vào bản Phùng Sơn, xã Phùng Giáo (Ngọc Lặc - Thanh Hoá) trơn trượt và bị ngăn cách bởi những con suối cắt ngang đường. Bản Phùng Sơn có 43 hộ, nhưng có gần 80% hộ nghèo. Tuy thế, ông trưởng bản Bàn Văn Thanh vẫn rất tự hào: “Dân đói là vậy, nhưng chuyện học hành của con trẻ nơi đây khó có bản nào theo kịp. Đến nay, bản đã có 45 cháu đỗ đại học và cao đẳng. Chỉ tính riêng năm vừa rồi, bản có tới 3 cháu đỗ đại học”.
Nghèo nhưng không “đói” chữ
Khi kể về những đứa con của mình, ông Thanh không giấu nổi niềm tự hào. Nhà ông nghèo lắm! Bữa ăn hàng ngày ngô, sắn luôn nhiều hơn cơm. Bù lại, mấy đứa nhỏ rất chịu khó học. Năm đầu nhận giấy báo đỗ đại học của thằng cả, cả nhà vui đến nỗi không ngủ được. Noi gương anh, đứa em gái cũng quyết tâm thi đỗ cho bằng được. Ông tâm sự: “Hai năm đầu cháu thi không đủ điểm nhưng nó vẫn quyết tâm thi bằng được. Ngày đi nương, đi rẫy với bố mẹ, tối về lại chong đèn ôn thi”. Giờ cô con gái rượu Bàn Thị Quý của ông Thanh đang là sinh viên của trường Sư phạm Tây Nguyên.
![]() |
Ông Triệu Ngọc Dương: “Thêm chút vất vả mà con cái được học thì cũng cam lòng” |
Niềm mong ước cháy bỏng của các bậc phụ huynh là “liều thuốc” kích thích con trẻ nêu cao quyết tâm học tập. Không giống như miền xuôi, chuyện đi học của con trẻ nơi đây cũng là một thử thách. Từ lớp một đến lớp 5 ở bản còn có trường, nên đi lại còn dễ. Từ cấp II, chúng phải đi bộ 7 cây số đường rừng ra xã học. Học cấp III còn khó khăn hơn nhiều lần. Trường cách nhà gần 20km, vậy mà chúng giống như những con ong chăm chỉ, hàng ngày ròng rã đạp xe đi rồi đạp xe về. Khổ nhất là những hôm trời mưa, người phải “cõng” xe để vượt suối.
Gieo hạt giống tốt
Đến hôm nay, ông Bàn Đăng Khoa vẫn tự hào mình là người có con đỗ đại học đầu tiên của xã. Năm nay đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng ông vẫn miệt mài làm cuốn từ điển Dao - Việt. Ông sinh được 7 con, thì có 4 đứa đỗ đại học. Hiện chúng đã ra trường và có nghề nghiệp ổn định. Giờ đây, ngồi nhớ về cái thuở xa xôi đầy khó khăn của dân tộc mình, ông vẫn còn bùi ngùi. Trước đây người Dao sống du canh, du cư. Sau một, hai mùa nương, mùa rẫy, bầu đàn thê tử lại kéo nhau đi tìm mảnh đất khác để sinh sống. Vì vậy mà cả bản chẳng ai biết chữ. Mãi đến năm 1955, khi bà con được cán bộ vận động xuống núi định canh, định cư thì con trẻ ở Phùng Sơn mới biết đến cái chữ.
Con đường hạ sơn của bản Phùng Sơn cũng gặp không ít gian nan. Khi ấy, nhà nào cũng nghèo rớt mồng tơi, vào những ngày giáp hạt, cả bản đói quay quắt. Ai cũng phải vào rừng đào củ mài, củ chuối ăn cho qua ngày. Khó khăn là vậy, nhưng ai cũng quyết tâm phải dựng một lớp học cho bọn trẻ. Lớp học tuy là tranh tre lợp lá cọ, nhưng có cô giáo tới là bọn trẻ sẽ biết đọc, biết viết. Và trong việc học, gia đình ông Khoa luôn là tấm gương sáng để các gia đình khác noi theo. Ông luôn dạy bảo con cái rằng: Nhà ta còn nghèo, nhưng nếu các con học được cái chữ sẽ là hướng thoát nghèo nhanh nhất. Có cái chữ rồi thì mới biết làm ăn. Thấm nhuần lời dạy của ông mà bốn đứa con ông lần lượt đưa nhau vào giảng đường đại học. Giờ chúng đều thành đạt.
Dường như đang có một cuộc “chạy đua” ngầm. Niềm hạnh phúc của họ là thấy con cái có chữ để thi thố với đời. Chẳng thế mà mỗi lần xã Phùng Giáo tổ chức phong trào khuyến học, trong danh sách khen thưởng, bản Phùng Sơn luôn chiếm ngôi đầu. |
Ở bản có gia đình ông Triệu Ngọc Dương cũng có tới 4 con đỗ đại học. Năm nay ông Dương đã ngoài 70 tuổi, tóc ông đã bạc trắng, khuôn mặt hiện rõ nỗi vất vả cực nhọc. Vậy mà ông vẫn làm mọi việc phăng phăng. Suốt mấy chục năm qua, người bố của 4 người con đỗ đại học đó vẫn giữ một tinh thần lao động hăng say như thế. Ông Dương bảo: “Nhìn thấy một đứa con nhận bằng đại học, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Đời mình vốn đã vất vả, giờ thêm chút gian nan nữa mà con cái mình được ăn học thì cũng cam lòng”.
Hầu hết các gia đình ở Phùng Sơn một năm còn thiếu ăn vài ba tháng. Nhưng các bậc phụ huynh ở đây luôn động viên con cái học hành. Hễ có đứa trẻ nào trễ nải chuyện học đều được bố mẹ lấy gương các anh chị (con của ông Khoa và ông Dương) để giáo huấn.
Vĩ thanh
Mái trường nho nhỏ của bản Phùng Sơn nằm cạnh đường, bên những đồi cọ xanh mướt. Hai cô giáo Phùng Thị Hương và Triệu Thị Thuỷ đang ân cần dạy học sinh đọc và nắn nót từng chữ. Những gương mặt trẻ thơ - thế hệ tương lai của Phùng Sơn - chăm chú nghe cô giáo giảng bài. Quần áo các em mặc còn vá chằng, vá đụp, sách, vở còn thiếu thốn trăm bề, nhưng các em đều rất chịu khó học. Cô giáo Hương tâm sự: “Không giống như các bản làng khác, giáo viên không bao giờ phải đi vận động các cháu đến lớp. Các em ở đây đều rất hiếu học”.
Tinh thần học tập ở Phùng Sơn như đã ngấm sâu vào mỗi người dân. Ai cũng một tâm niệm “vì tương lai con em chúng ta”, nên không có bậc cha mẹ nào nỡ lòng bắt con bỏ học ở nhà trông em hay đi chăn trâu, chăn bò. Hàng ngày vất vả trên nương, trên rẫy, tối về lại chong đèn uốn con học từng con chữ. Những gian nan, những giọt mồ hôi của họ đổ xuống đã và đang ươm lên những mầm xanh khoẻ khoắn cho mảnh đất này đơm hoa kết trái./.