Bằng đại học sẽ không phân biệt hệ Tại chức hay chính quy nữa?
VOV.VN -Các trường ĐH sẽ chỉ cấp một loại văn bằng cho các hình thức đào tạo. Vì vậy, trên văn bằng sẽ không phân biệt hệ tại chức hay chính quy nữa.
Hình thức đào tạo cũng sẽ không được ghi lên văn bằng như quy định hiện tại trên cơ sở cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên và chuẩn đầu ra của 2 hình thức đào tạo.
Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý trong quy định về hình thức đạo tạo cũng như văn bằng của bậc giáo dục đại học (ĐH) được đưa ra trong dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi đang được Bộ GD-ĐT công bố lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ.
Cụ thể, tại khoản 2, Điều 6 quy định về trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục ĐH quy định, các trình độ đào tạo của giáo dục ĐH được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo tập trung và đào tạo không tập trung. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định điều kiện thực hiện các hình thức đào tạo.
Trong khi đó, theo Luật Giáo dục Đại học hiện hành, các trình độ đào tạo của giáo dục ĐH được chia theo hai hình thức là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.
Tại Điều 38, quy định về văn bằng giáo dục ĐH, dự thảo mới bổ sung quy định: "Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định thống nhất các nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục kèm theo".
Trong Luật Giáo dục ĐH hiện hành chỉ quy định: "Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định mẫu văn bằng giáo dục ĐH".
Còn theo quy định tại Thông tư số 19 năm 2015, hình thức đào tạo (chính quy, thường xuyên) là một trong những nội dung được ghi trên văn bằng của các cơ sở giáo dục ĐH.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT (giữa) trong cuộc trao đổi với báo chí chiều 24/11 |
Trả lời báo chí về việc cấp văn bằng ĐH, chiều 25/11, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết, việc phân biệt hình thức đào tạo thành đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên tạo cảm giác ngay trong hình thức đào tạo đã tuyên bố các hạng chất lượng khác nhau.
Vì vậy, dự thảo mới đã đưa ra 2 hình thức là tập trung và không tập trung nhằm đề cập đến hình thức đào tạo như thế nào, đối tượng nào thì đào tạo theo hình thức tập trung; đối tượng nào thì đào tạo theo hình thức không tập trung.
Theo đó, đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm hay đào tạo tại chức là đào tạo theo hình thức không tập trung. Tuy nhiên, tập trung hay không tập trung đều được xây dựng trên cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng cho biết, hình thức đào tạo cũng sẽ không được ghi trên văn bằng ĐH nữa. Bộ GD-ĐT hy vọng các cơ sở sở đào tạo khi quan tâm chất lượng đào tạo của cơ sở mình thì phải cẩn thận khi cấp văn bằng. Tất cả văn bằng khi cấp ra thì phải đạt chuẩn vì không phân biệt văn bằng tại chức hay chính quy nữa. Đây sẽ là sự khẳng định với xã hội về chất lượng đào tạo của trường.
Trước những lo ngại liên quan tới những tiêu cực có thể phát sinh khi văn bằng không còn phân biệt các hình thức đào tạo chính quy và tại chức như trước, bà Phụng cho rằng, một khi phát sinh tiêu cực thì trước hết sinh viên sẽ không đồng ý và đấu tranh vì bằng của họ bị lẫn lộn với bằng không đảm bảo chất lượng khác.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước chỉ làm kiểm định chất lượng. Sắp tới kiểm định chương trình đào tạo sẽ được sẽ được đẩy mạnh. Kiểm định chương trình sẽ gắn với kiểm định quá trình tổ chức, quản lý đào tạo từng chương trình và cấp bằng cho chương trình đó.
Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH sẽ được giao theo ngành học
Trong bối cảnh đào tạo, tuyển sinh hiện nay của các trường ĐH đang mang tính linh hoạt, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi còn đưa ra quy định sẽ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, vấn đề đào tạo chuyên ngành đã được Bộ GD-ĐT giao thẩm quyền cho các trường. Bộ không còn quản lý chuyên ngành mà chỉ quản lý ngành đào tạo của các trường.
Việc đưa ra quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành với mục đích nêu cao vai trò trách nhiệm của trường học khi mở một ngành nào đó thì phải nâng cao từ cơ sở vật chất cho đến giảng viên. Mô hình tuyển sinh sẽ phụ thuộc vào khả năng đầu tư vào nhà trường để đảm bảo chất lượng đào tạo. Điều này cũng tránh tình trạng tuyển sinh chỉ phụ thuộc vào nhu cầu của người học mà không chú trọng đến sự đầu tư của trường học.
Nếu như việc tuyển sinh chỉ phụ thuộc vào nhu cầu của người học thì những ngành “hot”, có nhu cầu xã hội cao nhưng những trường chưa chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên thì cũng đua nhau mở ngành. Hoặc có trường dư chỉ tiêu ở những ngành ít người đăng ký lại chuyển chỉ tiêu sang ngành đang “hot” dẫn đến chất lượng đào tạo không đảm bảo.
Tuy nhiên, theo bà Kim Phụng, việc tuyển sinh theo ngành có thể khiến các trường phải đối diện với nhiều thách thức từ việc tính toán các chính sách, xác định chỉ tiêu, đầu tư vào các ngành cho từng năm học./.
Sẽ bỏ điểm sàn đại học: Lãnh đạo các trường đại học lên tiếng
Tăng học phí đại học công lập cần đánh giá tác động đa chiều