Bí kíp nào đưa giáo dục Phần Lan lên tốp đầu thế giới?
VOV.VN - Học tập suốt đời không chỉ vì bằng cấp mà còn để thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội là bí kíp cho thành công của giáo dục Phần Lan.
Nguồn cảm hứng từ ông cha
Giáo dục Phần Lan từ lâu luôn được đánh giá là nền giáo dục hàng đầu thế giới với những biện pháp giáo dục hết sức đặc biệt và luôn coi con người là trung tâm của giáo dục. Ngoài ra, việc khơi gợi cảm hứng để mỗi người dân luôn say mê học tập suốt đời chính là bí kíp quan trọng dẫn đến thành công cho nền giáo dục Phần Lan.
Bà Li Andersson, Bộ trưởng Giáo dục Phần Lan chia sẻ về việc không ngừng học tập. |
Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Giáo dục Phần Lan Li Andersson trong buổi lễ khai mạc Lễ hội Dare To Learn- ngày hội giáo dục lớn nhất Bắc Âu- diễn ra gần đây ở Phần Lan. Bà Li Andersson cho biết, cảm hứng học tập của bà đến từ chính người ông của bà và cả những người thuộc những thế hệ trước đây.
“Ông tôi sinh ra ở một làng quê nhỏ ở Phần Lan và không có nghề nghiệp cụ thể. Ông kiếm tiền bằng rất nhiều công việc khác nhau như đánh bắt cá, làm nghề mộc... phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và mùa vụ.
Ở nông thôn Phần Lan hay các nước khác, điều này không có gì lạ. Việc kiếm sống của người dân phụ thuộc vào các kỹ năng công việc và điều kiện sống của họ. Dù vậy, tôi vẫn luôn nghĩ về ông mình, về cách làm việc và về việc ông đã trở thành một con người như thế nào? Tôi có thể nói rằng, trong suốt cuộc đời mình ông chưa bao giờ ngừng học hỏi dù ông làm bất kỳ công việc gì”, bà Andersson chia sẻ.
Cũng theo bà Andersson, chính nhờ “nguồn cảm hứng bất tận” từ quá trình học tập suốt đời của các thế hệ đi trước, người dân Phần Lan giờ đây đã hiểu được rằng, việc học tập giờ đây không chỉ diễn ra tại các ngôi trường mà còn ở bất cứ đâu, tại nhà, tại nơi làm việc, trên mạng xã hội và ngay cả khi đang đi trên đường.
Việc học tập không chỉ diễn ra tại các ngôi trường mà còn ở bất cứ đâu, tại nhà, tại nơi làm việc, trên mạng xã hội và ngay cả khi đang đi trên đường. |
Điều này xuất phát từ việc, những yêu cầu của người dân Phần Lan đối với môi trường làm việc hiện tại đang ngày càng tăng lên nhanh chóng. Mọi người muốn làm việc trong một môi trường nơi các cá nhân có thể học hỏi được lẫn nhau.
Tuy nhiên, bà Andersson cảnh báo, những kỳ vọng quá cao trong công việc đã dẫn tới hệ quả là tỷ lệ thất nghiệp đối với những người không được chuẩn bị tốt về những kỹ năng nghề nghiệp đã lên tới 46% tại Phần Lan. Trong khi đó, những người được trang bị kỹ năng tốt cho công việc sẽ không bị tác động bởi tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Chính vì thế, theo bà Andersson: “Việc tự nâng cao trình độ bản thân ngày nay đòi hỏi rất nhiều sáng tạo và động lực lớn lao. Chúng ta sẽ phải học hỏi từ rất nhiều lĩnh vực công việc khác nhau. Sự tích lũy kiến thức đối với những nhóm đối tượng khác nhau cũng đã có sự khác biệt”.
Thay đổi cấu trúc giáo dục vì người dân
Bà Andersson cho biết, Chính phủ Phần Lan đang tiến hành một chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay về học tập suốt đời. Đây là một gói giải pháp toàn diện để thay đổi cấu trúc giáo dục mà nước này dày công chuẩn bị từ nhiều năm qua với sự hợp tác của toàn bộ các ban ngành, đảng phái tại Phần Lan.
Một trong những trọng tâm của chiến dịch này là đáp ứng nhu cầu của người dân về việc nâng cao trình độ suốt đời, bao gồm cả việc hỗ trợ toàn bộ quá trình học tập của họ. Ngoài ra, Chính phủ Phần Lan cũng tính đến các khía cạnh khác của việc học tập trọn đời, bao gồm việc khuyến khích người dân tự học để đáp ứng với sự thay đổi của thị trường lao động.
Bộ trưởng Giáo dục Phần Lan cho biết, mùa thu năm nay, Chính phủ sẽ bắt tay vào công việc này và dự kiến sẽ nhận được những đề xuất mang tính chính trị liên quan đến kế hoạch này vào cuối năm sau.
Cùng chung quan điểm với Bộ trưởng Li Andersson, bà Ella Gustafsson, CEO của Dare to Learn chia sẻ, ngày hội giáo dục lớn nhất tại Bắc Âu không chỉ giúp những người tham gia hiểu hơn về nền giáo dục lấy “học tập trọn đời” làm kim chỉ Nam phát triển cho mỗi cá nhân mà còn là cơ hội tuyệt vời để họ chia sẻ với nhau những kiến thức chuyên môn và những trải nghiệm công việc hoàn toàn khác biệt với điểm chung duy nhất là niềm say mê học tập.
Bà Ella Gustafsson, CEO của Dare to Learn. |
Chủ đề của lễ hội cũng chính là mong muốn của những người tổ chức và cả nền giáo dục Phần Lan, đó là giúp mỗi cá nhân vạch ra một “đường đi cụ thể hướng tới việc học tập suốt đời không chỉ vì bằng cấp mà họ đạt được” mà quan trọng hơn chính là nỗ lực thực sự nhằm biến niềm đam mê học tập thành bổn phận và trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Tuy nhiên, thay vì được thực hiện theo những cách sáo mòn khiến những người say mê học hỏi và tìm hiểu kiến thức giáo dục dễ cảm thấy nhàm chán, Dare to Learn mang đến cho những người tham gia niềm vui, sự thích thú khi được gặp gỡ, tương tác với những người hết sức đặc biệt, giúp họ dám vượt qua những rào cản, hạn chế trong giáo dục hiện nay và tìm ra những con đường mới giúp giáo dục Phần Lan nói riêng và giáo dục toàn cầu tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Có thể nói, chính cách tiếp tục giáo dục chủ động, cởi mở, gợi sự hứng thú và đam mê học tập thông qua những lễ hội đặc biệt như Dare to Learn đã giúp giáo dục Phần Lan có được những tư duy đột phá và những hướng đi mới táo bạo đáp ứng được những đòi hỏi ngày một khắt khe hơn của nhịp sống hiện đại và sự phát triển chóng mặt của công nghệ tiên tiến.
Điều này cũng giúp giáo dục Phần Lan liên tục giữ vững vị thế hàng đầu trên toàn thế giới và trở thành điểm sáng về giáo dục với những cách thức khuyến khích những người say mê học hỏi sẵn sàng dấn thân vào con đường học tập suốt đời bởi họ hiểu rằng, họ luôn nhận được sự ủng hộ tích cực, tối đa từ Chính phủ Phần Lan./.