Bí quyết thành công khi du học và làm việc ở nước ngoài
VOV.VN - TS trẻ tuổi Phạm Thành Thái, người được Amazon mời về làm việc sau 5 phút phỏng vấn cho rằng, muốn thành công, mỗi người phải tự đứng lên.
Tại buổi ra mắt sách “Rạng danh tài trí Việt năm châu” của 2 tác giả trẻ Hạnh Nguyên và Lệ Thu vừa diễn ra mới đây, nhiều gương mặt trẻ nổi tiếng đã cùng chia sẻ về con đường đi đến thành công của mình. Dù ở những lĩnh vực khác nhau, những môi trường khác nhau, nhưng các diễn giả trẻ đều có điểm chung khi cho rằng, đằng sau những ánh hào quang, chính là những thất bại thầm lặng. Dù bạn ở đâu, thử thách của bạn là gì, thành công chỉ gọi tên những người đủ sức bền, đủ mạnh mẽ và độ “lì” để chinh phục nó.
Các diễn giả chia sẻ về con đường đi đến thành công của bản thân. (Ảnh: Tiền phong) |
Từng gây ấn tượng mạnh mẽ trong giới trẻ khi lọt top Forbes Under 30 và được Amazon mời về làm việc chỉ sau 5 phút phỏng vấn, Tiến sĩ ĐH Stanford Phạm Thành Thái chia sẻ, khi còn ở Việt Nam, anh từng theo đuổi chủ nghĩa hoàn hào, mọi thứ đều muốn đạt ở mức tuyệt đối. Khi sang Mỹ, anh cũng mang theo mục tiêu đó. Nhưng chính điều này đã khiến anh gặp rất nhiều áp lực.
"Thói quen xấu của tôi khi đi học ở Mỹ là dậy muộn, không thể nào thức dậy trước 10h sáng trong khi đó giờ vào lớp là 9h. Hầu hết các lớp học ở Mỹ không cần điểm danh nên tôi dành nhiều thời gian ở nhà để tự học. Tuy nhiên, có một lớp học tôi tham gia khi học Tiến sĩ cần điểm danh trước giờ vào lớp nhưng vì thói quen dậy muộn của mình, tôi bị trừ điểm điểm danh, giáo viên lại tỏ vẻ không thích mình, tôi nhận ngay điểm B+ đầu tiên trong đời.
Trước giờ, bảng điểm của tôi đều A+, ấy vậy một điểm B+ khiến cho hồ sơ của mình không được đẹp. Đó là một cú shock với người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo như tôi, thực sự khủng khiếp. Các bạn nghe có thể buồn cười nhưng tôi đã mất ngủ mấy tuần liền”.
TS Phạm Thành Thái chia sẻ, chính điều này đã khiến anh từ bỏ được thói quen xấu kia. Anh cũng luôn tự hỏi, từ khi nào mình lại chạy theo chủ nghĩa hoàn hảo. Nhưng điều nguy hiểm nhất chính là đã quá quen với sự thành công, nên không dám cho bản thân thất bại lần nữa.
“Từ thất bại có điểm B+, sau đó, khi đăng ký lớp Sinh học và nhận được điểm C tôi cũng thấy tự hào”, anh Thái vui vẻ chia sẻ.
Nói về những năm tháng theo học tại trời Tây, chàng TS trẻ chia sẻ, ở trường MIT, nơi anh theo học, mỗi năm trung bình có 4 sinh viên tự tử. Thậm chí, năm đầu theo học, có sinh viên là con một người từng đạt giải Nobel cũng đã phải tự tử vì quá áp lực.
“Thành công ai cũng muốn nhưng không phải ai cũng chịu được áp lực. Những người chạm tới thành công đều phải làm việc rất vất vả chứ không hề do họ có xuất phát tốt hơn, điều kiện gia đình tốt hơn... Muốn làm những gì người ta không làm được thì phải chịu được những gì người ta không chịu được, luật chơi đơn giản là vậy”, Phạm Thành Thái chia sẻ.
Giống như những sinh viên khác, chính bản thân anh cũng đã từng phải trải qua những giai đoạn khó khăn thực sự: "Tôi có thích một câu trong bài hát của Jimmy Nguyễn: "Giàu thì nhiều người theo. Quạnh hiu trống vắng khi nghèo". Thời điểm tôi gặp khó khăn, người yêu chia tay, gia đình ở quê cũng không thể chia sẻ hết nỗi niềm của mình, bạn bè còn đang đi học, không có người chỉ dẫn, tiền bạc cũng không có... Tôi đã từng rất cô đơn như thế. Động lực để tôi vượt lên tất cả là chính mình”.
Nhắn nhủ đến các bạn trẻ, TS Phạm Thành Thái cho rằng: “Nếu một ngày các bạn không dành 12 tiếng để phát triển bản thân thì các bạn nên xem xét lại. Các bạn có thể hoàn toàn thực hiện được trừ khi đã lập gia đình và có con. Muốn thành công, các bạn phải tự đứng lên thôi vì chẳng có thất bại nào giữ các bạn lại nếu các bạn muốn đi”.
Founder Got It: "Khi start up, không biết khi nào mình hết tiền, hôm nay hay ngày mai"!
Chia sẻ về con đường khởi nghiệp của mình, anh Trần Việt Hùng, TS tại ĐH Iowa, Mỹ, Fouder Got It tại thung lũng Silicon chia sẻ: "Khi tôi làm khóa luận Tiến sĩ về một chủ đề còn khá mới, vị giáo sư hướng dẫn chúng tôi vì quá stress nên đã nghỉ việc. Thành thử ra, tôi đã phải đứng trước hai lựa chọn: 1 là học nốt 6 tháng như các bạn Tiến sĩ khác rồi trở về nước, 2 là làm lại từ đầu, bỏ phí mất 2 năm. Và tôi chọn làm lại. Tuy nhiên, yêu cầu rất cao và khó, tôi chỉ có 2 tiếng ngủ một ngày. Điều này đã huấn luyện tôi đối mặt với những lần khó khăn, áp lực sau này.
Khi lập kế hoạch startup, bản thân tôi cũng đau đáu việc kiếm đủ tiền cho công ty. Sản phẩm đầu tiên của Got It không được đánh giá cao, đã có lúc tôi cảm thấy vô cùng chán nản. Làm khởi nghiệp, không biết lúc nào mình hết tiền, có thể tuần này hay ngay ngày mai. Thậm chí, tôi đã phải đưa vợ con về nước vì không biết lúc nào công ty có thể còn duy trì được. Nhưng còn cố gắng được thì còn cần phải đứng dậy".
Sau những khó khăn, thử thách, Trần Việt Hùng cho biết: “Tôi học được vài điều như thế này: Chỉ có chết mới hết hy vọng, còn sống là còn hy vọng. Không phải lúc nào mọi thứ cũng xảy ra theo đúng ý mình nhưng mình luôn luôn phải nghĩ cho chính mình, cho công việc của mình. Khi mình gặp chuyện không hay, chắc chắn có rất nhiều người tỏ ra không hài lòng. Nhưng không phải chuyện gì cũng dễ dàng được hiện diện trong cuộc đời mình”.
Còn anh Nguyễn Việt Hùng, TS giảng dạy tại Đại học New South Wale, Australia, người Việt Nam duy nhất được mời phát biểu tại Hội nghị khoa học vi sinh ISME17 - Hội nghị khoa học lớn nhất trong ngành Vi sinh học trên thế giới 2018 diễn ra ở Đức thừa nhận, bản thân may mắn hơn khi nhận được sự hỗ trợ từ gia đình và những người xung quanh. Nhưng không phải lúc nào họ cũng sẵn sàng ở bên cạnh để giúp đỡ. Để thành công, TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng cách tốt nhất là dựa vào chính mình và luôn hướng về mục tiêu bản thân đã đặt ra.
"Đã từng có nhiều người hỏi tôi thành công cần yếu tố gì và tôi thường trả lời có 2 điều cần ghi nhớ: 1 là mục tiêu và 2 là sự kiên quyết. Dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, cũng phải làm cho bằng được mục tiêu của mình”, Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh./.
Start-up “thuần Việt” đầu tiên vô địch đấu trường khởi nghiệp thế giới
Những Start-up Việt tuổi 12 ở đại học tốt nhất thế giới
Vì đâu start-up Việt mãi chật vật tìm người?