Biên Hòa: Áp lực trường lớp ngày càng nặng nề
VOV.VN - Học ca 3, câu chuyện khá khó tin nhưng lại có thật ở một thành phố đô thị loại 1 đã tạm chấm dứt sau gần chục năm.
Bước vào năm học mới 2017 – 2018, học sinh ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai không còn phải học lớp ca 3 nữa. Học ca 3, câu chuyện khá khó tin nhưng lại có thật ở một thành phố đô thị loại 1 đã tạm chấm dứt sau gần chục năm. Nhưng dù học ca 3 không còn nữa, thì những áp lực trường lớp vẫn rất nặng nề, nguy cơ lớp ca 3 có thể tái diễn mà nguyên nhân chính là dân số cơ học tăng quá nhanh, còn cơ sở vật chất cho giáo dục lại không theo kịp.
Sĩ số lớp quá đông ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học (ảnh chụp tại trường Tiểu học Trảng Dài, TP. Biên Hòa)
Trong suốt một thời gian dài, tường Tiểu học phường Trảng Dài là một trong những điểm “nóng” nhất về học ca 3 ở thành phố Biên Hòa. Ngôi trường này đã có 9 năm “kinh nghiệm” tổ chức cho học sinh học 3 ca sáng – trưa – chiều trong một ngày. Nghĩa là ngoài 2 buổi sáng – chiều như bình thường, học sinh một số lớp sẽ phải học trong khung giờ từ 10h30 sáng đến 2h chiều, bất lợi nhiều mặt.
Cô Phạm Thị Ngọc An, giáo viên lớp 5, trường Tiểu học Trảng Dài chia sẻ: học ca ba rất vất vả cho cả cô và trò. Thời gian bị đảo lộn, lịch học không giống ai khiến sức khỏe, sự tập trung, tiếp thu kiến thức của học sinh bị giảm sút, kết quả học tập bị ảnh hưởng. Năm nay, thầy và trò nhà trường đã có thể thở phào nhẹ nhõm, tạm thời “chia tay ca 3”.
Tương tự, các em học sinh cũng cho biết đã thoải mái hơn rất nhiều khi không phải học từ giữa buổi sáng đến giữa buổi chiều. Em Phạm Lê Khánh Nhi, học sinh lớp 5, trường tiểu học Trảng Dài nói: Trưa thì 10 rưỡi vào học rồi, các bạn tiếp thu bài chưa được tốt vì buồn ngủ. Bố mẹ cũng vất vả vì đưa con đi học buổi trưa. Còn buổi sáng thì con dậy sớm đến lớp nên tiếp thu bài tốt hơn.
Do ngay tại phường Trảng Dài có thêm một ngôi trường tiểu học nữa nên lớp ca 3 được tạm xoá. Đồng thời, năm học này, trường Tiểu học Trảng Dài đã mượn được 38 phòng học của một trường cấp 2 gần đó để tổ chức học buổi chiều. Tương tự như vậy ở một số phường khác, với 4 ngôi trường xây mới và hàng chục phòng học đi mượn, thành phố Biên Hòa tạm thời xóa lớp học ca 3 trong năm học 2017- 2018.
Áp lực vẫn rất “căng”
Không phải học ca 3, nhưng trường Tiểu học Phan Bội Châu (phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) phải tận dụng cả phòng chuyên môn, thậm chí là cả hội trường để dạy học. Bởi dù đã mượn thêm 3 phòng học của trường cấp 2 bên cạnh, thì số phòng học hiện tại của trường vẫn không đủ. Quỹ đất trống của nhà trường vẫn còn, thành phố cũng đã có chủ trương xây thêm 12 phòng học nhưng đến nay tiến độ mới chỉ nằm chờ trên hồ sơ.
Cô Nguyễn Thị Dung, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Bội Châu cho biết, nếu không kịp khởi công xây thêm phòng học trong năm nay, thì sang năm tới cảnh học ca 3 chắc chắn sẽ không tránh khỏi.
Cô trò trưởng Tiểu học Phan Bội Châu (phường Long Bình, TP Biên Hòa) phải tận dụng hội trường làm lớp học |
Học sinh đông như thế, muốn giảm áp lực thì chỉ có cách xây thêm trường, xây thêm phòng học. Năm học này, thành phố Biên Hòa đã xây mới 4 ngôi trường với 186 phòng học, ưu tiên cho những xã, phường “nóng” tình trạng học ca 3. Nhưng số trường mới này cũng mới chỉ giúp “giảm nhiệt” chứ chưa đáp ứng được nhu cầu. Còn việc mượn phòng, mượn trường thì sẽ chỉ được trong một thời gian, bởi những trường có phòng cho mượn cũng sẽ sớm lấp đầy học sinh.
Ông Bùi Văn Phượng, Phó trưởng phòng Phòng Giáo dục – Đào tạo thành phố Biên Hòa cho rằng: "Đây chỉ là giải pháp tình thế. Bởi vì số học sinh tăng cơ học quá nhanh, đáp ứng không kịp thì phải sử dụng một số phòng mượn. Với tốc độ tăng dân số theo đà như thế này thì đây là gánh nặng của thành phố. Sẽ cố gắng không để xảy ra tình trạng ca 3 cho đến năm 2020".
Theo tính toán sơ bộ, với số học sinh hiện tại, thành phố Biên Hòa cần khoảng 600 tỷ đồng, xây thêm 12 ngôi trường mới để cơ bản đáp ứng nhu cầu. Vốn là một thành phố rất đông người nhập cư, Biên Hòa phải đối mặt với tình trạng gia tăng dân số cơ học rất nhanh, tương ứng là số trẻ em bước vào ghế nhà trường cũng tăng lên theo từng năm. Dù đã tạm xóa ca ba sau ngót chục năm nhưng ca ba có thể tái diễn bởi vẫn thiếu trường, thiếu lớp. Sĩ số tăng nhanh, trường lớp tăng chậm, chất lượng giáo dục sẽ ra sao nếu trường lớp mãi không “đuổi kịp” sĩ số học sinh./.
Cô giáo nhường phòng ngủ làm phòng học cho học sinh