Bỏ biên chế giáo dục: Thí điểm ở trường đại học sẽ gặp trở ngại gì?

VOV.VN -Khi bỏ biên chế giáo dục, những trường đại học tốp đầu đào tạo chuyên ngành Khoa học xã hội sẽ gặp khó khăn khi tăng lương cho giảng viên.

Phát biểu tại cuộc họp về công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông vừa diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với một số trường đại học (ĐH) có đủ điều kiện.

Trước thông tin trên, một số trường ĐH tốp đầu, có uy tín, chất lượng đào tạo và có đủ điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính đã có những phản hồi.

Mỗi trường có một điểm yếu!

PGS.TS Phạm Hồng Chương, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân băn khoăn, hiện nay, nhiều trường ĐH tốp đầu đã thực hiện việc tự chủ tuyển dụng giảng viên dưới dạng hợp đồng lao động.  

Tuy nhiên, hầu hết các giảng viên cơ hữu (người nằm trong biên chế, giảng dạy ổn định) ở nhiều trường ĐH vẫn được coi là viên chức. Vậy khi Bộ GD-ĐT bỏ biên chế giáo dục thì giảng viên có còn được coi là viên chức nữa hay không và những chế độ, quyền lợi của họ được thụ hưởng hay sẽ bị bỏ đi như thế nào? Đây là vấn đề cần được Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng khác làm rõ.

Khi bỏ biên chế ở các trường đại học thì cần làm rõ cho giảng viên biết được quyền lợi được thụ hưởng và sẽ bị bỏ đi (ảnh minh họa)

Một vấn đề khác cần lưu ý là khi bỏ công chức giáo dục để thu hút giảng viên giỏi và người có năng lực làm việc, nhiều trường ĐH tốp đầu đã thực hiện tăng lương cho giảng viên. Ví dụ như trường ĐH Kinh tế Quốc dân đang cố gắng mỗi năm tăng lương cho giảng viên từ 5-7%.

Ngoài nguồn thu để tăng lương cho giảng viên từ học phí thì nhiều trường ĐH tốp đầu đang đẩy mạnh hoạt động tư vấn, nghiên cứu khoa học...

Thế nhưng, khi Bộ GD-ĐT thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với một số trường ĐH thì phải xem xét đến đặc thù đào tạo, ngành nghề tuyển sinh của từng trường ĐH.

Theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân, đối với những trường tốp đầu đào tạo về khối ngành kinh tế, công nghệ thông tin có thể tăng thêm nguồn thu được.

Còn với những trường tốp đầu đào tạo chuyên ngành Khoa học xã hội, nghiên cứu về tư tưởng văn hóa truyền thống rất khó thực hiện việc tăng thêm thu nhập. Nếu bây giờ yêu cầu những trường này đảm bảo việc “lấy thu bù chi” thì chẳng khác nào để họ đóng cửa. Chúng ta phải phân định rõ sự khác nhau giữa vai trò và chức năng hoạt động của các trường ĐH khác với doanh nghiệp.

Vì thế, những trường khối ngành Khoa học xã hội vẫn cần được sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.  

Hiệu trưởng trường công lập vẫn nên được coi là công chức

Là một trường ĐH tốp đầu, có uy tín, thương hiệu trong đào tạo, ngoài những giảng viên cơ hữu nằm trong biên chế được trả lương dưới dạng ký hợp đồng thì hiện nay ĐH Thương mại đang áp dụng việc tuyển dụng giảng viên theo cách thức là cho họ trải qua quá trình thử việc.

Nếu giảng viên giảng dạy tốt thì nhà trường có thể ký hợp đồng lao động dài hạn. Ngoài tuyển dụng giảng viên trong nước, trường cũng đang ký hợp đồng với 50 giảng viên nước ngoài dưới dạng thỉnh giảng được hưởng thu nhập theo công việc thực hiện.

Nhà trường đang tiến tới áp dụng với giảng viên sau 5 năm tuyển dụng dài hạn mà không đạt chuẩn ngoại ngữ hoặc sau 10 năm mà giảng viên không đạt được trình độ Tiến sĩ thì trường có thể sắp xếp sang làm công việc khác hoặc có thể dừng hợp đồng lao động. Việc làm trên cũng là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

Hiện nay, ở ĐH Thương mại, Hiệu trưởng là công chức vì do Bộ trưởng GD-ĐT bổ nhiệm; Hiệu phó do Hội đồng trường bình bầu. Còn lại các trưởng khoa, giáo viên đều là viên chức được trả lương theo chế độ hợp đồng.

GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Thương mại nêu quan điểm, việc bỏ công chức, viên chức giáo viên chỉ nên áp dụng với các doanh nghiệp. Còn nếu áp dụng ở cơ sở giáo dục công lập thì theo Luật Giáo dục, việc đào tạo không phải là lĩnh vực kinh doanh. Vì vậy, việc bỏ biên chế giáo dục cần được nghiên cứu một cách thấu đáo, kỹ lưỡng.

Nếu trường ĐH hoạt động tự chủ nhưng vẫn là trường công lập thì không nên bỏ công chức. Hiệu trưởng nhà trường vẫn phải là công chức vì là người lãnh đạo thay mặt cơ quan quản lý nhà nước điều hành trường học.

Nếu cho rằng, bỏ công chức, viên chức giáo viên thì quyền hành thuộc về hiệu trưởng quá lớn, hiệu trưởng như “ông vua con” là không đúng bởi trên hiệu trưởng còn có cả hệ thống bộ máy Nhà nước kiểm soát.

Theo ông Đinh Văn Sơn, chức vụ hiệu trưởng không nên cố định là 5 năm/lần mà nên bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm một lần để nhà trường đánh giá xem trong 1 năm, hiệu trưởng đó có hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý hay không./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên