Bỏ điểm sàn xét tuyển đại học: Quyết định mạo hiểm?
Thứ Sáu, 06:00, 23/12/2016
VOV.VN - Lý do, theo ông Đào Trọng Thi, ngưỡng mà chúng ta công nhận tốt nghiệp THPT hiện nay chưa phải là một mức nghiêm túc.
Theo Dự thảo Quy chế tuyển sinh chính quy trình độ đại học, trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ không quy định điểm sàn mà các trường tự đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển. Dự thảo như vậy khiến lãnh đạo các trường và một số chuyên gia lo ngại sẽ làm cho các trường top dưới, trường ngoài công lập khó khăn hơn trong tuyển sinh và chất lượng đào tạo sẽ khó đảm bảo.
Bỏ điểm sàn Đại học sẽ làm giảm chất lượng đào tạo? (Ảnh minh họa)
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến bỏ điểm sàn là bước tiến quan trọng tiến tới giao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường đại học theo Luật Giáo dục Đại học. Hiện nay, các trường đại học vừa xét tuyển theo điểm của kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển theo kết quả học tập bậc THPT, nên điểm sàn không có nhiều ý nghĩa. Khi giao quyền tự chủ thì các trường sẽ có trách nhiệm hơn trong xác định ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Ông Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nói: "Tôi nghĩ quyết định bỏ điểm sàn là quyết định đúng. Tôi thấy rằng các trường đại học cần được tự chủ trong tuyển sinh, không nên quy định điểm sàn cho tất cả các trường. Điểm tối thiểu mặc nhiên đã được quy định, đó là tốt nghiệp phổ thông xem như điều kiện cần để vào đại học. Nếu muốn tuyển chất lượng thế nào, các trường tự quy định điều kiện. Bởi có nhiều loại trường đại học, đào tạo nhiều loại nhân lực khác nhau, thì yêu cầu đầu vào khác nhau, chúng ta không nên quy định điểm sàn".
Tuy nhiên, hầu hết các trường và chuyên gia đều nhận định, việc bỏ điểm sàn là thách thức rất lớn đối với các trường top dưới và trường ngoài công lập khi xét tuyển. Trong những mùa tuyển sinh trước, các trường công lập top giữa vẫn xét tuyển bằng mức điểm sàn. Nếu không có điểm sàn, các trường công lập sẽ lấy mức điểm thấp hơn nữa để tuyển đủ chỉ tiêu. Khi đó các trường top dưới, nhất là trường ngoài công lập lại càng khó khăn hơn khi xét tuyển do mức học phí cao.
VOV.VN -Việc Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn phải tính đến giải quyết tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng gia tăng.
Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy định ngưỡng điểm nhận hồ sơ cho từng nhóm trường để tránh tình trạng các trường top trên, top giữa đặt mức điểm nhận hồ sơ thấp để “vớt” hết thí sinh. Ông Nguyễn Cao Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long cho rằng, dù bỏ điểm sàn, các trường ngoài công lập cũng không thể lấy mức điểm quá thấp cho đủ chỉ tiêu vì sẽ khó khăn trong quá trình đào tạo để sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra, được xã hội chấp nhận.
Ông Nguyễn Cao Đạt nhận định: "Khi lấy điểm thấp quá, trường sẽ phải có giải pháp để trong quá trình đào tạo đưa sinh viên ấy lên đạt chuẩn. Nếu không đạt chuẩn, khi ra trường họ không tiếp nhận. Nếu ta lấy quá thấp, rõ ràng sẽ gặp khó khăn trong việc đào tạo để đạt chuẩn. Bây giờ học kém, phải nâng lên đến trung bình, không nâng lên giỏi ngay được, trong 4 năm làm sao làm được điều đó. Nếu lấy điểm thấp quá, đương nhiên xã hội sẽ đánh giá học trò này không đạt yêu cầu".
Ông Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, điểm sàn trước đây được hiểu là ngưỡng tối thiểu mà học sinh tốt nghiệp THPT có thể theo học ở bậc đại học. Nếu bỏ điểm sàn có nghĩa là Bộ nhìn nhận mức điểm tốt nghiệp THPT và ngưỡng để học sinh học đại học là như nhau. Trong khi đó, điểm tốt nghiệp THPT và điểm sàn xét tuyển trong 2 năm 2015-2016 có sự chênh lệch. Do vậy, theo ông, bỏ điểm sàn xét tuyển trong thời điểm này là rất mạo hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ở bậc đại học nếu các trường xét tuyển ở mức điểm quá thấp.
VOV.VN - Để kiểm soát trường ĐH tuyển sinh bằng mọi giá, Bộ GD-ĐT cần kiểm soát chặt chẽ việc đảm bảo chất lượng “đầu vào” và “đầu ra” của các trường.
Ông Đào Trọng Thi nói: "Ở Việt Nam, theo quan điểm của tôi, ngưỡng mà chúng ta công nhận tốt nghiệp THPT hiện nay chưa phải là một mức nghiêm túc. Vì chúng ta chấp nhận đến khoảng 95% học sinh học xong chương trình phổ thông là đều tốt nghiệp THPT. Năm ngoái các trường có thể xét tuyển bằng học bạ, nhưng vẫn quy định là điểm cao hơn trung bình, như vậy ngưỡng vào đại học vẫn cao hơn ngưỡng tốt nghiệp. Tôi cho rằng chưa nên vội vàng áp dụng bỏ điểm sàn. Cũng phải theo dõi một thời gian kiểm tra thử nghiệm xem qua mấy kỳ thi để đánh giá, so sánh. Nếu bây giờ thử nghiệm mất một vài năm là rất có thể chất lượng của một vài năm bị sụt giảm đi, kéo theo chất lượng giáo dục đại học kém đi".
Một số ý kiến cũng cho rằng, trong thời điểm chất lượng đào tạo bậc đại học của một số trường chưa cao, nhiều trường đại học chưa công bố chuẩn đầu ra, hoặc chuẩn đầu ra rất sơ sài, nếu không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, thì rất khó kiểm soát chất lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp./.