Bộ GD-ĐT sẵn sàng đối thoại về “Chương trình thực nghiệm”
VOV.VN - Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT đánh giá lại “Chương trình thực nghiệm” và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật.
Ngày 15/11, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đánh giá lại “Chương trình thực nghiệm” do GS. Hồ Ngọc Đại chủ biên và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài nói về việc đánh giá lại “Chương trình thực nghiệm”. |
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp báo công bố Quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 1 diễn ra chiều 22/11, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết: “Bộ GD-ĐT đã có báo cáo gửi Thủ tướng về việc sách của GS. Hồ Ngọc Đại tại sao “Không đạt”. Công văn đề nghị Bộ đối thoại với tác giả, nhưng trong quá trình thẩm định, Bộ đã đối thoại công khai với tác giả 2 lần. Tại lần đối thoại này GS Hồ Ngọc Đại không có ý kiến gì. Đến thời điểm này, Bộ cũng chưa nhận được ý kiến chính thức nào từ GS. Hồ Ngọc Đại. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại nếu tác giả có nhu cầu”.
Cũng theo ông Tài, từ năm 2017, Bộ trưởng đã đánh giá lại những nội dung liên quan đến Sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục. Hội đồng cũng có đánh giá, Sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục chỉ phù hợp cho chương trình hiện hành.
“Thành viên Hội đồng thẩm định, 1/3 là giáo viên trải dài trên toàn quốc với đầy đủ vùng miền. Và bản thân Bộ trưởng cũng rất quan tâm đến điều này. 1/3 số giáo viên rất đa dạng, còn những chuyên gia chúng ta phải chọn những nơi có bề dày về thành tích khoa học”, ông Tài nói thêm.
GS. Hồ Ngọc Đại. |
Trước đó, Hội đồng thẩm định quốc gia về sách giáo khoa đánh giá là “Không đạt” với các bản mẫu sách giáo khoa môn Toán, Tiếng Việt lớp 1 và Đạo đức 1 của GS. Hồ Ngọc Đại. Điều này dẫn đến khả năng là “Chương trình thực nghiệm” phải chấm dứt giảng dạy trong nhà trường sau 40 năm được triển khai.
PGS.TS Nguyễn Kế Hào, đại diện cho cán bộ trung tâm Công nghệ giáo dục đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sách Công nghệ giáo dục bị loại. Theo PGS.TS Nguyễn Kế Hào, bộ sách này không phải là bộ sách cần thay bằng bộ sách mới như sách cải cách hay sách của chương trình tiểu học năm 2000, mà là bộ sách mới được cuộc sống lựa chọn sử dụng. Chỉ tính năm học 2019-2020, sách giáo khoa “Công nghệ giáo dục” đã được triển khai ở 48 tỉnh/thành. Trong đó có hơn 920.000 học sinh lớp 1 học theo sách “Tiếng Việt 1” Công nghệ giáo dục.
Liên quan đến ý kiến của PGS.TS Nguyễn Kế Hào về kết quả thẩm định các bản mẫu sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1, Toán lớp 1 do GS.TS Hồ Ngọc Đại chủ biên, Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nghiên cứu kỹ ý kiến của GS.TS Hồ Ngọc Đại, PGS.TS Nguyễn Kế Hào và ý kiến của các chuyên gia, dư luận về “Chương trình thực nghiệm”.
Theo kế hoạch, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thẩm định các bản mẫu SGK “Không đạt” như thẩm định lần đầu vào tháng 12/2019, nếu các tác giả có nguyện vọng và gửi đơn (thông qua nhà xuất bản) đề nghị về Bộ GD-ĐT./.
Bộ GD-ĐT đã phê duyệt danh mục 32 sách giáo khoa lớp 1