Giá cá tra tăng mạnh, người nuôi 'thắng lớn'

Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 2-2022, giúp người nuôi cá tra có lợi nhuận hơn 5.000 đồng/kg, do thiếu nguyên liệu sau đại dịch và thị trường xuất khẩu khả quan.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã tăng liên tục, từ mức 20.500 - 22.000 đồng/kg vào trước Tết Nhâm Dần lên 29.000 - 30.000 đồng/kg hiện nay nhưng cung không đủ cầu. Theo dự báo của Vasep, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm nay có thể sẽ đạt 1,9 - 2 tỉ USD, tăng mạnh so với con số 1,6 tỉ USD của năm 2021. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại người dân lại đổ xô vào nuôi cá tra, lại đối diện với nguy cơ mất giá trong khi chi phí nuôi cá ngày càng tăng.

Giá cá 29.000 - 30.000 đồng/kg, người nuôi lãi to

Những ngày gần đây, theo ông Nguyễn Văn Tâm (ngụ thị trấn An Phú, huyện An Phú, An Giang), giá cá tra được thương lái mua từ 29.000 - 30.000 đồng/kg đối với loại 1kg/con, tăng hơn 5.000 đồng/kg so với trước Tết. Với hơn 200 tấn cá tra sắp thu hoạch, ông Tâm sẽ "thắng lớn" với mức giá cá tra hiện nay.

Nhiều người nuôi cho rằng giá cá tra tăng mạnh do nhiều hộ treo ao vì dịch Covid-19, nguồn cung cá nguyên liệu phục vụ xuất khẩu thiếu hụt. Theo ông Nguyễn Văn Tỉ (xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang), trên 650 tấn cá tra chuẩn bị xuất bán của gia đình ông được nhiều công ty hỏi mua, thu hoạch cá vào cuối tháng này với giá trên 30.000 đồng/kg loại 1kg/con, tăng hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Đỗ Lập Nghiệp - phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt - cho biết với giá cá đang "leo thang", người nuôi cá có lợi nhuận cao hơn so với trước Tết và cao hơn cùng kỳ năm 2021 rất nhiều. Nguyên liệu khan hiếm, đặc biệt là cá có trọng lượng bình quân 1kg/con, một số doanh nghiệp lớn tranh mua... đã đẩy giá cá tăng cao. Với sản lượng xuất khẩu cá từ 8.000 - 10.000 tấn/tháng, Tập đoàn Nam Việt cũng đang thiếu nguyên liệu do chưa có cá đủ chuẩn xuất khẩu.

"Khi dịch bệnh xảy ra, nhiều người không thả cá nuôi hoặc giảm sản lượng, trong khi xuất khẩu đang thuận lợi... dẫn đến tình trạng khan hiếm nguyên liệu đầu vào hiện nay. Cá tra nguyên liệu của chúng tôi không đủ đáp ứng nên phải thu mua thêm ở ngoài rất nhiều. So với cùng kỳ 2021, khi giá cá tra chỉ có 19.000 - 20.000 đồng/kg, giá cá tra nguyên liệu đã tăng mạnh, người nuôi lãi lớn", ông Nghiệp nói.

Chủ một doanh nghiệp ở Sóc Trăng cho biết có nhà máy mua cá tra giá đến 30.000 đồng/kg vì cần nguyên liệu sản xuất. Không chỉ cá nguyên liệu, cá tra giống cũng tăng từ 18.000 - 19.000 lên 40.000 - 45.000 đồng/kg (loại 30 con/kg). 

Theo ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký Vasep, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, diện tích nuôi cá bị thu hẹp, thả giống ít. "Sản lượng cá tra nguyên liệu phục vụ nhu cầu thu mua, chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp bị thiếu hụt, giá cá bị đẩy lên là điều khó tránh khỏi", ông Hòe khẳng định.

Nhưng lo giá thức ăn bị đẩy lên cao

Dù đang lãi lớn nhờ con cá tra, nhiều người nuôi cá thừa nhận "vui chưa trọn vẹn" dù giá cá tra tăng cao. Bởi giá thức ăn cho cá cũng đã tăng mạnh, chi phí mà người nuôi đầu tư lên tới gần 25.000 đồng/kg cá tra. "Với giá này, người nuôi cá thu về lợi nhuận gần 5.000 đồng/kg. Nếu vài ngày tới, giá cá tiếp tục tăng, nông dân phấn khởi hơn vì hiện nay giá thức ăn đã rục rịch tăng thêm. Nếu giá cá giảm lại, người nuôi cá chắc chắn sẽ gặp khó", ông Tâm nói.

Theo người nuôi cá, giá thức ăn cho cá đã được một số đại lý thông báo sẽ tăng 500 đồng/kg và trong tháng 3 tiếp tục tăng nữa. "Nếu ai bán cá tra đợt này sẽ lời hơn 5.000 đồng/kg. Nhưng nếu đầu tư nuôi cá tra đợt tới, thu hoạch vào tháng 9, chi phí đầu tư đội lên gần 27.000 đồng/kg. Do đó, đừng vội thả giống đợt tới vì không biết giá cá sẽ như thế nào", ông Tỉ khuyến cáo.

Ông Nguyễn Văn Học, một người nuôi cá ở An Giang, cho biết với giá thức ăn chăn nuôi và giá con giống tăng cao, chi phí giá thành bị đội lên, người nuôi cá sẽ đối diện với nhiều rủi ro nếu giá cá tra quay đầu giảm. Trong thực tế, khi thả nuôi 500.000 con cá giống, nhưng khoảng 30-50% số cá giống này sẽ bị chết trong quá trình nuôi, giá thành bị đẩy lên, chưa kể lãi suất cho vay với người nuôi cá còn cao, cũng là những yếu tố rủi ro.

Theo ông Trần Anh Dũng - chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, giá bán cá tra thương phẩm loại 0,8 - 1,2kg/con đang dao động từ 28.000 - 32.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn cá tra cho biết nguyên liệu sản xuất thức ăn đang khan hiếm và giá vẫn đang tiếp tục tăng. 

"Trong thời gian tới có khả năng sẽ thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu do người nuôi treo ao khoảng 15% diện tích, do thua lỗ 3 năm liên tiếp, giá thức ăn tăng, người nuôi thiếu vốn đầu tư...", ông Dũng nhận định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL mức cao, nhiều hộ nuôi vẫn chưa bán
Giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL mức cao, nhiều hộ nuôi vẫn chưa bán

VOV.VN - Giá cá tra nguyên liệu vùng ĐBSCL đang ở mức cao, dao động từ 29.000 - 30.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ.

Giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL mức cao, nhiều hộ nuôi vẫn chưa bán

Giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL mức cao, nhiều hộ nuôi vẫn chưa bán

VOV.VN - Giá cá tra nguyên liệu vùng ĐBSCL đang ở mức cao, dao động từ 29.000 - 30.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ.

Tôm, cá tra là lợi thế để thủy sản nâng cao khả năng cạnh tranh năm 2022
Tôm, cá tra là lợi thế để thủy sản nâng cao khả năng cạnh tranh năm 2022

VOV.VN - Một số ý kiến cho rằng, ngành thủy sản và các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu khi nhu cầu nhập khẩu của toàn cầu tăng trở lại. Để làm được điều này phải nâng cao khả năng cạnh tranh do đó phải phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả.

Tôm, cá tra là lợi thế để thủy sản nâng cao khả năng cạnh tranh năm 2022

Tôm, cá tra là lợi thế để thủy sản nâng cao khả năng cạnh tranh năm 2022

VOV.VN - Một số ý kiến cho rằng, ngành thủy sản và các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu khi nhu cầu nhập khẩu của toàn cầu tăng trở lại. Để làm được điều này phải nâng cao khả năng cạnh tranh do đó phải phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả.

Dự báo thiếu nguyên liệu cá tra cho chế biến vào quý I/2022
Dự báo thiếu nguyên liệu cá tra cho chế biến vào quý I/2022

VOV.VN - Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng cá tra năm nay có thể đạt khoảng 1,5 triệu tấn, song, trong quý I/2022 có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến.

Dự báo thiếu nguyên liệu cá tra cho chế biến vào quý I/2022

Dự báo thiếu nguyên liệu cá tra cho chế biến vào quý I/2022

VOV.VN - Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng cá tra năm nay có thể đạt khoảng 1,5 triệu tấn, song, trong quý I/2022 có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến.