Hà Nội ghi nhận gần 1.000 ca mắc sốt xuất huyết mới trong tuần qua
VOV.VN - Hà Nội ghi nhận gần 1.000 ca mắc sốt xuất huyết mới trong tuần qua, tăng 234 ca so với tuần trước đó. Tại các bệnh viện có 8 ca bệnh nặng đang được điều trị.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, Hà Nội có thêm 71 ổ dịch sốt xuất huyết mới, đồng thời, ghi nhận 996 ca bệnh mới. Số ca mắc mới ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn; trong đó, một số quận, huyện ghi nhận nhiều ca mắc như: Hoàng Mai (103 ca), Thanh Trì (73 ca), Thạch Thất (63 ca), Bắc Từ Liêm (55 ca), Hà Đông (55 ca)...
Sở Y tế Hà Nội đánh giá, các huyện Thạch Thất và Thanh Trì đang có diễn biến dịch sốt xuất huyết phức tạp, với số ca bệnh nhiều nhất; có các ổ dịch phức tạp, kéo dài. Nguyên nhân là do các ổ dịch đã không được xử lý triệt để ngay từ ban đầu, do thiếu lực lượng tham gia diệt bọ gậy. Thêm vào đó, kỹ năng diệt bọ gậy của đội xung kích chưa tốt, để sót nhiều ổ bọ gậy. Đặc biệt, hiện ý thức người dân chưa cao, không quan tâm đến các hoạt động phòng, chống dịch. Vì vậy, chỉ số bọ gậy sau xử lý tại các khu vực này đều cao vượt ngưỡng nguy cơ; sau đó, đã lây lan sang các khu vực lân cận.
Hiện Sở Y tế Hà Nội đã cử các đội cơ động phòng, chống dịch trực tiếp đến các địa phương, hướng dẫn thường xuyên các biện pháp phòng, chống dịch.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết trong năm 2023 tại Hà Nội có thể rơi vào khoảng tháng 9 và tháng 10, với thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ cao, tạo thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi truyền bệnh. Trong khi đó, Hà Nội đang có nhiều ổ dịch đang hoạt động dẫn đến nguy cơ cao bùng phát, lan rộng dịch.
CDC Hà Nội cũng dự báo, trong thời gian tới, số ca mắc sẽ vẫn tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt là tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.
Tại các cơ sở y tế của Hà Nội, tính đến tuần trước, đã có khoảng 776 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị; trong đó có 8 ca nặng. Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức là nơi tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân nhất với khoảng 100 ca, tại Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị 68 ca…
Với trẻ mắc sốt xuất huyết, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần chú ý, tất cả trẻ bị sốt cao từ ngày thứ 2 trở đi và ở trong khu vực có người bị sốt xuất huyết nên được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, theo dõi và tư vấn điều trị, phòng bệnh.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sốt xuất huyết khởi phát khá đột ngột và thường diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.
Trường hợp trẻ được chăm sóc và theo dõi tại nhà, cha mẹ khi thấy trẻ sốt trên 38,5 độ C, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10 - 15 mg/kg cân nặng, nhắc lại liều sau 4 -6 giờ/lần nếu trẻ có sốt lại. Có thể kết hợp với chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật.
Cha mẹ cho trẻ uống nhiều nước như: Nước Oresol (pha theo đúng liều lượng hướng dẫn), nước lọc, nước cam, nước dừa… Trẻ cần được ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, ăn thức ăn giàu vitamin, rau…
Bác sĩ cũng lưu ý, cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu. Tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh. Tuyệt đối không dùng nhóm thuốc hạ sốt Ibuprofen hoặc aspirin để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Không tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con dùng vì sốt xuất huyết là do virus Dengue gây ra. Dùng kháng sinh không những không hiệu quả mà còn làm nặng thêm tình trạng gan, thận. Tuyệt đối không đưa trẻ đi truyền dịch ở những cơ sở y tế không đảm bảo, các phòng khám tư nhân không đủ điều kiện làm thủ thuật.
Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có một trong những dấu hiệu trở nặng như:
- Trẻ vật vã, lờ đờ, đau bụng liên tục nhiều vùng gan.
- Trẻ buồn nôn và nôn trên 3 lần/1giờ, hoặc trên 4 lần/1giờ.
- Xuất huyết niêm mạc, chảy máu chân răng, tiểu cầu giảm nhanh.
- Chảy máu chân răng, chảy máu mũi, hành kinh sớm và kéo dài (đối với trẻ nữ).
- Tiểu ít, đi ngoài phân đen.