Bộ trưởng GD-ĐT: Hà Nội cần đi đầu về đào tạo Ngoại ngữ và Tin học
VOV.VN-Ngoài ra, Hà Nội cần có nghiên cứu cho việc biên soạn sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực toàn diện của học sinh.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong giáo dục, Hà Nội cần giữ vững vị trí là địa phương luôn đi đầu cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện. Trước tiên, giáo dục thủ đô cần đi trước một bước trong đào tạo Ngoại ngữ và Tin học. Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đối với ngành GD-ĐT Hà Nội tại Hội nghị Tổng kết năm học 2013-2014 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2014-2015 diễn ra sáng 12/8.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, ngành giáo dục Thủ đô cần quán triệt tốt việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Bên cạnh đó, ngành giáo dục Hà Nội cần có nghiên cứu, đóng góp cho việc biên soạn chương trình sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực toàn diện của học sinh.
Song song với đó là đổi mới thi cử theo cách kiểm tra kiến thức tổng hợp của người học và hướng dẫn cho giáo viên, học sinh làm quen dần với đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT. Muốn thực hiện được như vậy, ngành giáo dục thủ đô cần chú trọng đến đào tạo nghề nghiệp và đạo đức đạt chuẩn cho giáo viên.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực thì ngành giáo dục của Hà Nội vẫn còn những bất cập như: tình trạng dạy thêm-học thêm vẫn còn nhiều và chưa thể kiểm soát hết; vấn đề lạm thu tại các trường học tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để chấm dứt… Để giáo dục thủ đô luôn đi đầu và đứng vững, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lưu ý cán bộ lãnh đạo của ngành cần ưu tiên giải quyết những bất cập này.
Trong năm 2013-2015, mạng lưới trường lớp của Hà Nội phát triển đa dạng với 2.552 trường học và cơ sở giáo dục. Đội ngũ giáo viên không ngừng được nâng cao, chất lượng giáo dục các cấp, giáo dục đại trà và mũi nhọn của giáo dục phổ thông luôn được giữ vững và tiến bộ. Hà Nội tiếp tục là đơn vị dẫn đần về số lượng và chất lượng giải trong kỳ thi học sinh giỏi THPT các môn văn hóa cấp quốc gia với 137 học sinh đoạt giải và 26 học sinh đạt giải quốc tế và sáng tạo khoa học.
Năm học 2014-2015, Hà Nội phấn đấu đạt 90% học sinh Tiểu học được học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt trên 50%. Thành phố tiếp tục phấn đấu đến năm 2015 cơ bản các trường học được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học được kiên cố hóa, hiện đại hóa. Đến năm 2015, thành phố triển khai thí điểm 27 trường chất lượng cao ở các cấp học./.