Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra 3 giải pháp chính trong năm học mới
VOV.VN-Bộ GD-ĐT sẽ đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, triển khai chương trình GDPT mới và đẩy mạnh tự chủ trong các cơ sở giáo dục.
Tại Hội nghị Tổng kết Năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 diễn ra sáng 21/8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra 3 nhóm giải pháp mà ngành Giáo dục sẽ triển khai trong năm học mới.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị |
Thứ nhất, Bộ GD-ĐT sẽ đẩy mạnh quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, trọng tâm là các cơ sở đào tạo giáo viên. Các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ GD-ĐT sẽ đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. Các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho các địa phương.
Hai là, Bộ GD-ĐT sẽ chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ba là, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo; đề ra các giải pháp quyết liệt để Hội đồng trường đi vào hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.
9 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục năm học 2017-2018
Năm học 2017-2018, Bộ GD-ĐT tiếp tục rà soát kế hoạch thực hiện:
1. Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” của địa phương, bổ sung những giải pháp thiết thực nhằm hoàn thành các mục tiêu của Đề án đến năm 2020. Củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” tại địa phương. Đổi mới hoạt động thư viện trường học, xây dựng thư viện mở, xây dựng tủ sách lớp học; tổ chức các hoạt động khuyến đọc nhằm hình thành thói quen đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc.
2. Điều tra, cập nhật thông tin về công tác xó mù chữ (XMC) trên hệ thống thông tin quản lý giáo dục của Bộ GD-ĐT đảm bảo đúng quy trình, thời gian quy định; củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo PCGD-XMC các cấp; tham mưu hỗ trợ kinh phí cho công tác PCGD, XMC từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương; đẩy mạnh công tác phối hợp, huy động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, cá nhân trong xã hội tham gia công tác XMC.
3. Rà soát, đánh giá hoạt động của TTGDTX sau khi sáp nhập theo Thông tư liên tịch số 39/TTLT/BLĐTBXH-BGDĐT-BNV, đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm giúp các trung tâm hoạt động hiệu quả, bền vững.
4. Rà soát, đánh giá hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng, hoàn thiện mô hình hoạt động của trung tâm theo hướng phù hợp với thực tiễn của mỗi địa phương, hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững.
5. Tổ chức đánh giá việc quản lý, cấp phép đối với trung tâm NN-TH; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ NN-TH theo đúng qui định, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực; phát hiện và nhân rộng các mô hình trung tâm hoạt động tích cực, hiệu quả; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách quản lý nhà nước đối với trung tâm NN-TH, bao gồm các trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài và các trung tâm trong và ngoài nước chỉ đào tạo NN-TH từ xa theo hình thức trực tuyến ở Việt Nam.
6. Tổ chức rà soát đánh giá công tác cấp phép và quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa; xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin các cơ sở giáo dục và các đơn vị (theo thông tư 04/2014/TT-BGDĐT) có tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa trên cả nước đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT.
7. Đổi mới công tác quản lý, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDTX. Đa dạng hóa các chương trình, nội dung và hình thức tổ chức dạy học; chú trọng phát triển các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn. Tiếp tục mở rộng dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề, tổ chức giáo dục khởi nghiệp, góp phần phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực người học.
8. Đẩy mạnh công tác truyền thông, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và bồi dưỡng giáo viên.
9. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, báo cáo viên các cơ sở GDTX đáp ứng yên cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.
Quy định điểm sàn riêng với ngành Sư phạm dựa theo tiêu chí nào?
Sẽ có điểm sàn riêng với ngành sư phạm: Lãnh đạo trường ĐH lên tiếng
Nhiều đại học Sư phạm tốp đầu tuyển sinh bổ sung hàng trăm chỉ tiêu