Các Giáo sư: "Nhân cách" trong học đường rất đáng ngại!
VOV.VN - Trong 12 năm học, các trường chỉ làm được việc trang bị kiến thức cho học sinh, còn trang bị nhân cách con người hầu như bị bỏ ngỏ...
Đạo đức học đường hiện nay là vấn đề đáng lo ngại. Không phải ngẫu nhiên mà tại nhiều cuộc Hội thảo, hội nghị liên quan đến giáo dục có rất nhiều chuyên gia, học giả, nhà khoa học bày tỏ sự lo lắng về vấn đề này trong trường học hiện nay. Chia sẻ tại Hội nghị bàn tròn về giáo dục mới đây, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng bày tỏ sự lo ngại này và nhấn mạnh “việc đào tạo giáo dục đạo đức cho học sinh đang không được coi trọng”.
“Nhân cách” trong trường học đang bị coi nhẹ?
Cùng chung sự lo lắng đó, GS Hoàng Xuân Sính cho rằng, trong 12 năm học từ tiểu học đến hết THPT, các trường chỉ làm được việc trang bị kiến thức cho học sinh. Còn trang bị những đức tính con người hầu như bị bỏ ngỏ. “Đó là một lãng phí lớn. Có hai đức tính cần thiết cho mỗi con người và cộng đồng là chăm chỉ và tiết kiệm thì giáo dục chưa để lại dấu ấn nào. Khi nói đến người Đức và người Nhật, người ta nói ngay đến dân tộc chăm chỉ và tiết kiệm. Nước Việt Nam rất nghèo, những người Việt Nam lại không có hai đức tính này”.
GS Hoàng Xuân Sính cho biết, bà rất buồn vì hiện nay ở các nước như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, một số quán ăn hay nơi công cộng có những bảng viết bằng tiếng Việt chứ không phải bằng tiếng Anh “Không ăn cắp vặt”, “Không để thừa thức ăn”, “Không xả rác”… Người Việt Nam nhiều khi ăn theo kiểu tự phục vụ, thường lấy nhiều thức ăn rồi để phí phạm trên bàn, một thói quen rất xấu không được giáo dục ở nhà trường.
Bà kể câu chuyện về đứa cháu học ở trường mầm non quốc tế, khi ăn bao giờ cháu cũng lấy thức ăn vừa đủ cho mình và ăn kỳ hết. Hỏi ra mới biết ở trường học dạy trẻ con rất kỹ về vấn đề này.
“Người mình cứ tò mò tại sao người Đức ăn bao giờ cũng lấy bánh mỳ vét sạch thức ăn trên đĩa. Một dân tộc nghèo mà không hiểu được điều đó chứng tỏ là sống rất phí phạm và khó có thể giàu được. Không chăm chỉ, không tiết kiệm, học sinh mang theo tính đó vào đại học. Chúng tôi khổ sở tìm mọi cách để sinh viên học tiếng Anh và học Toán. Muốn cho tiếng Anh tốt lên, phải chia nhỏ lớp, phải để thày tiếp xúc với trò, nghĩa là tăng giờ lên. Chúng tôi dạy ở đây là miễn phí, nhưng sinh viên không muốn tăng giờ mà đòi nếu tăng giờ thì phải bớt giờ chuyên môn. Còn với môn Toán, sinh viên cương quyết không học, kể cả sinh viên ngành Toán-Tin. Chúng tôi đã khám phá là sinh viên thích bỏ tiền để thuê sinh viên giỏi, ngay cả cùng trong lớp để học thêm, không thấy mặc cảm khi thầy là chính bạn. Và điều quan trọng và có người làm hộ, nghĩ hộ bài cho mình. Kiểu học này đang rất phổ biến”- GS Hoàng Xuân Sính nói.
GS Hoàng Xuân Sính |
Bà cũng phàn nàn về chuyện không tiết kiệm của đa số sinh viên. Đó là họ dùng các thiết bị, đồ dùng ở trường theo kiểu “cha chung không ai khóc”, không biết giữ gìn, tiết kiệm. “Có chuyện dùng xong vòi nước không khóa, vệ sinh xong không xả nước làm chúng tôi phải tung người đi tuần ở các nhà vệ sinh mà không giải quyết được vấn đề. Cuối cùng, chúng tôi phải thay một loạt thiết bị nhà vệ sinh, cái gì cũng phải tự động”.
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu lại bày tỏ sự lo ngại về môi trường xã hội hiện nay mà văn hóa, đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức, ngay cả trong Nghị quyết Trung ương 4 cũng khẳng định điều này, thì không thể không ảnh hưởng đến toàn xã hội, trong đó có giáo dục. Vì thế, không đơn thuần đổ lỗi cho ngành Giáo dục trong việc làm băng hoại đạo đức, văn hóa.
“Hiện tượng trong nhà trường nào đó có các thầy bán bằng, một bộ phận học trò học để có bằng, có một phần do lỗi của hệ thông quản lý giáo dục, nhưng lỗi này chỉ có thể phát sinh, nảy nở và phát triển trong môi trường xã hội có sự hiện diện của việc mua quan, bán chức, kiếm được việc làm hay thăng tiến không phải do năng lực bản thân. Trong hoàn cảnh như vậy, các học sinh ngay từ tiểu học đã nghĩ đến “mũ, áo” trạng nguyên, siêu nhân hay có được cái nhãn mác cho oai như làm đồ trang sức chứ không nghĩ đến học để có kiến thức thực sự”- GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu trăn trở.
“Dạy chữ” và “dạy người” bằng chính nhân cách của thầy cô
Theo GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, để giải quyết những tồn tại này cần phải chú trọng nhiều hơn đến các giải pháp tổng thể nhằm đào tạo, xây dựng đội ngũ giáo viên có tâm và có tầm, người học có động cơ đúng đắn, không phải chỉ để có “tấm bằng thật, chất lượng giả”.
Bà cũng bày tỏ lo ngại rằng, giáo viên ở tất cả các cấp ngày nay được đào tạo theo một hệ thống khá cơ bản, theo một chương trình khá tốt so với trước đây nhưng tỉ lệ người thầy có tâm huyết, trách nhiệm cao, hết lòng vì sự nghiệp dạy học không còn cao như trước. “Chúng ta cần có một đội ngũ thầy giáo có tâm và có tầm, các giải pháp nâng tầm giáo viên đã nêu trong Chiến lược phát triển Giáo dục đến năm 2020 là khá đầy đủ nhưng những giải pháp để làm cho người thầy tâm sáng hơn thì chưa được đề cập một cách cụ thể, trực diện. Mà hiện nay đó là vấn đề then chốt, không được xem nhẹ vì những tiêu cực trong xã hội đã xâm nhập vào một bộ phận không ít giáo viên, những người mà học trò noi gương theo. Do đó, các thói xấu này sẽ được phát tán và nhân lên một cách tự nhiên qua các thế hệ học trò”.
PGS.TS Trần Thị Tâm Đan |
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu cho rằng, phải làm thế nào để người học có động cơ đúng đắn, không phải chỉ để có tấm bằng thật nhưng không có trình độ tương xứng. Vì thế cần có các quy định chặt chẽ để xã hội, trong đó có các bộ máy công quyền và mọi cơ sở sử dụng nhân lực chỉ chấp nhận những người có trình độ tương xứng với bằng cấp mà người đó sở hữu chứ không đơn thuần chỉ đòi hỏi bằng cấp. “Cách mà một số đơn vị tuyển dụng cán bộ chỉ quan tâm hay chú trọng đòi hỏi bằng cấp sẽ không thật phù hợp, không khuyến khích người học thật”.
Theo PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, giáo dục phổ thông là giáo dục nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân với mục tiêu hình thành và phát triển nhân cách của thế hệ trẻ.
Bà cho rằng, để đạt được hiệu quả trong phát triển giáo dục, về nguyên tắc phát triển quy mô gắn liền với đảm bảo chất lượng. Cần phải có đủ điều kiện để đảm bảo chất lượng và một trong những điều kiện đó là có chính sách chăm lo đời sống cho giáo viên và gia đình họ, để họ có điều kiện tự học, phát triển nghề nghiệp thực hiện được chức năng của một chuyên gia giáo dục thông qua “dạy chữ” và “dạy người” và bằng chính phẩm chất nhân cách của mình.
Còn theo GS Hoàng Xuân Sính, giá trị của con người biết chăm chỉ làm việc, biết tiết kiệm trong lối sống mang lại nhiều điều tốt đẹp cho xã hội. Vì thế, gia đình, nhà trường và xã hội cần phải hợp tác trong việc dạy nhân cách cho học sinh, trong đó có việc dạy các em biết tiết kiệm và chăm chỉ trong cuộc sống hàng ngày, trong gia đình và trong nhà trường. Có như vậy với mong có những thế hệ trẻ vừa có năng lực, lại vừa có nhân cách./.