Các trường đại học không dễ dàng tăng học phí khi được tự chủ
VOV.VN - Được giao quyền tự chủ, các trường đại học không dễ dàng tăng học phí mà phải có sự tính toán, cân nhắc, dung hòa với thu nhập của người dân.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ trình bày trước Quốc hội Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (ĐH).
Một trong những điều khiến nhiều đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các trường ĐH quan tâm nhất là vấn đề giao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn cho các trường. Khi các trường cung cấp các dịch vụ đào tạo tốt hơn cho xã hội, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học thì chắc chắn sẽ phải tăng học phí.
Tuy nhiên, vấn đề này lại không dễ dàng nhận được sự đồng thuận của xã hội, vì không phải gia đình nào cũng có thể đóng tiền học cao. Vậy các trường phải làm gì để khi được giao quyền tự chủ vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo và được xã hội chấp nhận mức thu học phí do mình đưa ra?
Không phải trường muốn tăng bao nhiêu thì tăng
Ông Bùi Anh Tuấn |
Người dân không nên băn khoăn nhiều vì các trường đều phải dựa vào thực tế để cân nhắc. Đó là quan điểm của ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương.
Theo ông Anh Tuấn, theo Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ thì khi các trường điều chỉnh học phí vẫn phải đảm bảo cho những người có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên nghèo tiếp tục học tập. Đây là một trong những quy định bắt buộc đối với nhà trường.
Trên thực tế, thời gian qua, việc triển khai Nghị quyết này có điểm sáng là Chính phủ cho phép các trường gửi tiền của mình vào ngân hàng thương mại, dùng lãi suất đó để đưa vào quỹ hỗ trợ sinh viên. Các trường dùng tiền này để hỗ trợ học phí, hoạt động phong trào của sinh viên…Đó cũng là điểm cần nhân rộng, không chỉ trong 23 trường thực hiện Nghị quyết 77 mà các trường khác cũng có thể thực hiện.
Nên thay đổi cách hỗ trợ bằng cách đặt hàng đào tạo
Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội quan tâm nhất trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH là vấn đề tự chủ ĐH. Đây là yếu tố rất quan trọng để các trường nâng cao chất lượng đào tạo, tự chủ trong nghiên cứu, học thuật, bộ máy con người...
Ông Hoàng Văn Cường |
Khi được tự chủ, các trường có thể đưa ra các chương trình đào tạo với mức học phí khác nhau để sinh viên lựa chọn. Sinh viên nào có năng lực, trình độ và đáp ứng được những chương trình đào tạo đưa ra thì có thể đóng học phí cao.
Tuy nhiên, các trường cũng có những chương trình đào tạo phổ thông, đại trà để cho những sinh viên không có đủ kinh phí đóng cho những chương trình ở mức độ cao thì có thể theo học.
Theo ông Hoàng Văn Cường, việc giao cho các trường ĐH được tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư ngân sách. Thay vì cấp ngân sách hàng năm cho các trường thì Chính phủ nên hỗ trợ bằng cách đặt hàng đào tạo sinh viên các trường ĐH theo yêu cầu.
Thông qua thay đổi cách thức hỗ trợ này, các trường cũng sẽ đào tạo theo nhu cầu mà Nhà nước, xã hội cần chứ không phải là đào tạo ngành nghề tràn lan. Về phía các trường ĐH cũng phải có trách nhiệm dành một phần kinh phí để hỗ trợ, cấp học bổng cho những sinh viên nghèo đỗ vào trường, có thành tích xuất sắc trong học tập.
Nhà trường phải có trách nhiệm với đối tượng khó khăn
Môi trường giáo dục thời Liên Xô (cũ) cũng không phổ cập, bao cấp học phí cho tất cả các cấp học mà chỉ phổ cập đến cấp phổ thông. Việc phổ cập đến đâu, công bằng đến đâu phải cân nhắc trong năng lực quốc gia đó.
GS.TS Phạm Huy Dũng |
GS.TS Phạm Huy Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Thăng Long đưa ra ví dụ trên để thấy rằng, để dạy học có chất lượng, có hiệu quả thì phải đầu tư kinh phí rất nhiều.
Câu hỏi đặt ra đối với các trường đại học của Việt Nam được quyền tự chủ có tăng học phí lên mức cao nhất không? GS.TS Phạm Huy Dũng cho rằng, nếu tăng cao nhất phí thì người ta không học.
Như vậy, giữa học phí và người học phải có sự cân đối. Ví dụ, ở ĐH Thăng Long, Hội đồng quản trị họp với nhau đều cho rằng, nếu không tăng thì không có tiền để nâng cấp trường, nhưng tăng đến đâu để các sinh viên có tiền học thì phải cân nhắc kỹ.
Còn về việc hỗ trợ sinh viên nghèo, khó khăn thì nếu thực sự là nhân tài, có năng lực thì Nhà nước sẽ đóng góp. Ngay cả với các trường tư, những em học giỏi vào đó cũng được cấp học bổng, hay những công ty công nghệ lớn như Viettel đều nhận sinh viên khi còn đang học. Nói vậy để thấy, em nào có tài, có năng lực thì vẫn có cơ chế của Nhà nước, nhà trường giúp các em học tiếp.
Theo GS.TS Phạm Huy Dũng, nếu cho các trường ĐH tự chủ để thu phí như thế nào cũng được thì đào tạo không có chất lượng mà thu phí thấp thì họ cũng không học; còn có chất lượng mà thu cao quá thì không có người giỏi học. Đây là sự tính toán, cân nhắc, dung hòa trong xã hội, thu nhập của người dân./.
7 trường đại học Việt Nam lọt top 500 trường châu Á nói lên điều gì?
Nhiều trường đại học bất ngờ tăng học phí: Đích đến của tự chủ?