Các trường ĐH, CĐ tự chủ kinh phí và chịu trách nhiệm đào tạo

Mô hình hoạt động này sẽ được triển khai rộng rãi tại Việt Nam trong thời gian tới dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.  

Sáng 25/11 tại Hà Nội, Hiệp hội Đại học châu Âu, Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức và tổ chức Hợp tác Quốc tế về Giáo dục đại học (ĐH) của Hà Lan tổ chức Diễn đàn về Quyền Tự chủ, Điều hành và Quản lý trong giáo dục ĐH ở châu Á và châu Âu. Diễn đàn thu hút sự tham gia của khoảng 90 đại biểu đại diện cho các trường ĐH, CĐ có uy tín của 2 châu lục, trong đó có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục-Đào tạo và nhiều trường ĐH, CĐ của Việt Nam.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình hoạt động tự chủ về kinh phí đào tạo, điều hành, quản lý giáo dục.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 320 trường ĐH, CĐ, trong đó có khoảng 1/3 số trường ĐH, CĐ dân lập, hoạt động có sự quản lý của Nhà nước nhưng dưới hình thức tự chủ về kinh phí. Các trường ĐH, CĐ còn lại đều do Nhà nước quản lý và cấp kinh phí hoạt động. Nhằm xây dựng môi trường giáo dục Việt Nam hiện đại theo kịp với sự phát triển của thế giới, đã có nhiều ý kiến từ phía các nhà quản lý giáo dục là để trường ĐH, CĐ có thể tự chủ về kinh phí, điều hành và quản lý.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận: Thông qua diễn đàn này, Việt Nam sẽ có cơ hội học hỏi những kinh nghiệm trong quản lý, điều hành từ phía các trường ĐH, CĐ ở một số nước châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ áp dụng mô hình giáo dục nào thì cần phải có quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đi đưa vào hoạt động chính thức để làm sao mô hình giáo dục của Việt Nam phải mang bản sắc văn hoá Việt Nam chứ không phải là sao chép theo một mô hình của một nước nào đó.

Hiện nay, để cho các trường đại học, cao đẳng tự chủ về kinh phí, Bộ Giáo dục- Đào tạo đã cho phép 3 trường ĐH lớn là: Đại học Thái Nguyên, Đà Nẵng và Huế có cơ chế hoạt động tự chủ như 2 trường Đại học Quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Sắp tới, các trường đại học khác cũng có thể hoàn toàn tự chủ về tổ chức, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế cũng như về tài chính.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình, Giám đốc trường ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: Việc giao cho các trường ĐH, CĐ tự chủ cũng đồng nghĩa với việc các trường có trách nhiệm xã hội với chính những gì mình đang đào tạo và quản lý. Nếu các trường ĐH, CĐ có ý thức và chịu trách nhiệm về những gì mình làm thì các trường sẽ hoạt động có hiệu quả hơn.

Ông Heinz Ludwig Nastansky, Giám đốc Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức cho rằng: Để các trường ĐH, CĐ ở Việt Nam tự chủ khi tạo ra nguồn thu và có kế hoạch chi tiêu, điều hành và quản lý hợp lý là việc làm có ý nghĩa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải chú trọng thu hút các giáo sư, tiến sĩ có kinh nghiệm tham gia quản lý và điều hành hoạt động ở các trường ĐH. Bên cạnh đó cần quan tâm hơn tới vấn đề nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên, nâng cấp xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác quốc tế trong biên soạn giáo trình…

Tại Diễn đàn, các đại biểu còn được nghe một số tham luận trình bày về mô hình hoạt động tự chủ của các trường ĐH ở Singapore, Anh, Mỹ và một số nước châu Âu khác./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên