Các trường khó tìm kiếm giáo viên tiếng Anh giỏi

Theo khung chuẩn mới, nhiều giáo viên không đạt phải thi tuyển lại hoặc chuyển đổi sang làm các công việc khác.  

Việc dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 bắt đầu thí điểm thực hiện từ năm học 2010-2011 tại 18 tỉnh, thành theo khung chương trình mới tương thích với khung chuẩn châu Âu. Theo đó, để đáp ứng chương trình này, giáo viên bậc Tiểu học phải đạt trình độ theo những tiêu chuẩn quốc tế như các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết phải đạt điểm TOEFL ít nhất là 525 điểm và phải qua kỳ thi sát hạch theo tiêu chuẩn châu Âu thì mới tiếp tục đứng trên bục giảng. Đây thực sự là một thử thách lớn đối với nhiều địa phương khi mà giáo viên dạy ngoại ngữ trong biên chế tương đối nhiều nhưng để đạt trình độ theo tiêu chuẩn mới thì lại rất ít.

Một tiết học tiếng Anh của học sinh Tiểu học

Hải Dương là một tỉnh được chọn thực hiện thí điểm dạy tiếng Anh theo chương trình 10 năm. Mặc dù tỉnh có đủ số lượng giáo viên nhưng trong số 317 giáo viên tiếng Anh bậc Tiểu học chỉ có 14% đạt tiêu chuẩn giảng dạy theo tiêu chuẩn châu Âu. Ở các cấp THCS, THPT, tỷ lệ đạt chuẩn còn thấp hơn (chỉ 6-8%). Nếu tính tổng cộng cả cấp Tiểu học, THCS, THPT, thì có đến 70% giáo viên không đạt tiêu chuẩn để giảng dạy theo chương trình mới từ 3-4 bậc. Số giáo viên này phần lớn nằm trong biên chế của các trường học, nay đang được địa phương cho đi học bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, rồi sau đó sẽ phải qua một kỳ thi, tuyển dụng lại.

Trên đây chỉ là một trường hợp địa phương có đủ giáo viên tiếng Anh nhưng trình độ và chất lượng giảng dạy chưa đạt theo tiêu chuẩn mới. Nhiều cán bộ, giảng viên cho rằng, có đến 70% giáo viên không đạt tiêu chuẩn theo chương trình mới như Hải Dương là một hồi chuông báo động đối với chất lượng giáo viên tiếng Anh hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều địa phương còn hoang mang, lúng túng chưa dám triển khai thực hiện đề án dạy tiếng Anh theo chương trình mới.

Nên có cơ chế trả lương linh hoạt cho giáo viên giỏi

Ông Nguyễn Tiến Dũng

Tại Hội nghị triển khai đề án Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Đào tạo đại cương, Đại học Hà Nội lý giải một trong nguyên nhân khiến chất lượng giáo viên tiếng Anh tại các trường yếu kém là do không tuyển được giáo viên tiếng Anh giỏi. Đó là cơ chế chính sách, đãi ngộ và mức lương cho giáo viên tiếng Anh còn thấp so với nhiều nơi khác.

Hiện nay, một giáo viên tiếng Anh phải dạy gần như kín hết tuần, thu nhập cao nhất chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nhiều tổ chức quốc tế, công ty nước ngoài sẵn sàng trả cho một người giỏi tiếng Anh, có chuyên môn sư phạm với mức lương lên tới 2.000 USD/tháng.

Ngoài ra, tại các trường học, số lượng giáo viên được đào tạo chính quy từ các cơ sở đào tạo về ngoại ngữ có chất lượng còn thấp. Phần lớn là giáo viên được đào tạo không chính quy hoặc chuyển từ tiếng Nga sang tiếng Anh.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, để thu hút người giỏi vào công tác giảng dạy, các địa phương cần tạo điều kiện cho giáo viên tham gia vào những khóa học ngoại ngữ ngắn và dài hạn ở trong và ngoài nước để bồi dưỡng thêm kiến thức. Mặt khác, chúng ta cần một cơ chế trả lương linh hoạt để động viên giáo viên tham gia giảng dạy; cơ chế khen thưởng cho giáo viên có những sáng kiến trong giảng dạy.

Mục tiêu của ngành Giáo dục là từ nay đến năm 2020, phấn đấu đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.

Ông Lê Thanh Cường, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục-Đào tạo Hải Dương) cho rằng, các địa phương cần mạnh dạn tuyển dụng lại hoặc chuyển đổi công việc nếu giáo viên nào không đạt chuẩn trình độ giảng dạy.

Bà Phùng Thị Hoàng Yến, chuyên viên Ngoại ngữ (Sở Giáo dục-Đào tạo Phú Thọ) nêu quan điểm, trước khi thực hiện dạy tiếng Anh theo chương trình 10 năm, các địa phương cần chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Nếu không chuẩn bị chu đáo, địa phương đó sẽ rơi vào cái vòng luẩn quẩn của sự thừa, thiếu giáo viên nhưng chất lượng thì không đáp ứng so với tiêu chuẩn quy định.

Chỉ đạo thực hiện đề án Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Đến năm 2020, nguồn nhân lực Việt Nam phải đạt trình độ chuyên môn, nói thành thạo ngoại ngữ để có thể đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các cơ sở, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải xóa bỏ tuyển dụng, thi cử theo tiêu chuẩn chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C, mà thay vào đó là mỗi một người phải đạt trình độ ngoại ngữ theo tiêu chuẩn chung châu Âu. Làm được điều này thì chúng ta mới tuyển dụng được nguồn lao động giáo viên giỏi làm việc, giảng dạy một cách hiệu quả và thực chất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên