Các trường tư thục lo lắng trước nguy cơ bị tước quyền điều hành
VOV.VN -Các trường tư thục bày tỏ lo lắng bị tước quyền điều hành nhà trường vì dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.
Xã hội hóa giáo dục là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước nhằm huy động sức dân chung tay xây dựng sự nghiệp giáo dục, giảm gánh nặng biên chế và ngân sách, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nhờ cạnh tranh lành mạnh, đáp ứng nhu cầu đa dạng về giáo dục của nhân dân.
Tuy nhiên, nhiều trường tư thục đang băn khoăn, lo lắng về một số quy định trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, phiên bản ngày 12/4/2019 chưa phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục cũng như cam kết bảo hộ của Nhà nước đối với quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư giáo dục ở các cơ sở giáo dục tư thục.
Cụ thể là 4 nhóm vấn đề: Hội đồng trường, Quyền sở hữu, Chính sách xã hội hóa giáo dục, Quy hoạch mạng lưới và quản lý nhà nước về giáo dục.
Trước vấn đề này, tại "Hội thảo Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi" được tổ chức chiều 8/5 tại Hà Nội, nhiều trường tư thục đã có ý kiến phản biện.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường THCS & THPT Marie Curie (Hà Nội) |
“Không giữ được quyền sở hữu và điều hành, thì tôi sẽ nhảy cầu Thăng Long”
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường THCS & THPT Marie Curie (Hà Nội) đã không giấu nổi bất ngờ khi biết có những điều khoản mới mà đặc biệt là Khoản 3, Điều 56 và Điều 100.
Ông Nguyễn Xuân Khang cũng đã không giấu nổi sự bức xúc: “Nếu không giữ được quyền sở hữu và điều hành, thì tôi sẽ nhảy cầu Thăng Long".
Ông Khang cho rằng, trường tư thục có hai cột trụ của nhà đầu tư để yên tâm đầu tư. Đó là quyền sở hữu, quyền điều hành nhà trường.
Luật Giáo dục năm 2005 được sửa đổi năm 2009 đã xác định rất rõ quyền sở hữu và quyền điều hành của các trường tư thục. Đã giúp cho hoạt động thực tiễn các trường tư thục bình an để phát triển.
Thế nhưng, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, với Khoản 3, Điều 56 gần như tước đoạt quyền điều hành nhà trường của các nhà đầu tư. Thêm nữa, Điều 100 của dự thảo còn “vô tình hay hữu ý” đã tước đoạt quyền sở hữu của nhà đầu tư bởi khái niệm hoàn toàn xa lạ so với luật hiện hành đó là: “Quyền sở hữu trường tư thục thuộc thuộc về pháp nhân nhà trường”.
“Tại sao không dùng “Trường tư thục của các nhà đầu tư” mà dùng một khái niệm mới là của pháp nhân nhà trường. Pháp nhân nhà trường là ai?
Hội đồng trường khoản 3, Điều 56, thành phần ngoài đại diện các nhà đầu tư ra có thành phần có liên quan trong và ngoài nhà trường.
Với một hội đồng trường với nhiều thành phần như vậy làm sao có thể thay thế cho một hội đồng quản trị theo Luật hiện hành có đầy đủ quyền sở hữu và quyền điều hành nhà trường? Nhiều thành viên như vậy sẽ dẫn đến một kịch bản ai cũng thấy là sự rối loạn trong việc điều hành nhà trường.
Trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp xác định rất rõ khái niệm Hội đồng quản trị, tức là hội đồng này có vai trò quản trị đơn vị tư nhân, doanh nghiệp tư và bệnh viện tư và kể cả trường học tư;
Xác định rất rõ về quyền sở hữu, đây là tổ chức đại diện cho nhà đầu tư. Về quyền sở hữu, quyền điều hành đơn vị. Tại sao, một Luật tiến bộ như vậy, nếu không tiến bộ hơn cũng đừng kéo lùi về với Luật Giáo dục năm 1998.
Tôi muốn nói, Luật Giáo dục 2005 được điều chỉnh 2009 tiến bộ hơn rất nhiều so với Luật 1998. Sự tiến bộ này nếu không có tiến bộ hơn thì không nên như dự thảo phiên bản 12/4/2019.
Quy định như vậy là kéo lùi thực tiễn, kéo lùi luật pháp, kéo lùi thực tiễn xã hội đối với hệ thống các trường tư.
Một con người nếu như chặt hai chân, hai tay đi tức là tước quyền sở hữu, quyền điều hành nhà trường thì các trường đã hình thành thì làm sao tồn tại được nữa.
Với Hội đồng trường bao gồm rất nhiều người không có vốn góp liệu thay thế hội đồng quản trị hiện nay được không? Đồng tiền gắn liền khúc ruột”! Nhà đầu tư bị “tước quyền” làm chủ sở hữu trường thì họ còn dám đầu tư nữa không”, ông Nguyễn Xuân Khang nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Khang cũng cho rằng, Hội đồng trường theo dự thảo Luật giáo dục sửa đổi quy định, không thể đại diện cho quyền sở hữu trường; Không thể quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường tư thục..."
Ông Nguyễn Xuân Khang có ý kiến, Nhà nước khuyến khích xã hội hóa giáo dục, bảo hộ quyền sở hữu của Nhà đầu tư đối với trường tư thục.
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi cần xác định một tổ chức đại diện của Nhà đầu tư, thành viên là những người có vốn góp, như Hội đồng quản trị của trường tư thục trong Luật Giáo dục hiện hành.
Quyền sở hữu tài sản của các trường tư thục là bước thụt lùi?
Góp ý vào Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy Hà Nội kiến nghị Ban soạn thảo, Ủy ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội giữ nguyên Điều 67 Luật Giáo dục hiện hành, thay thế cho Điều 49 và Điều 100 Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội |
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Trong nhiều năm theo dõi sự phát triển, từng bước đi của hệ thống giáo dục ngoài công lập (NCL) ở Hà Nội, tôi nhận thấy, trước đây, trước khi Luật Giáo dục năm 2005 ra đời, trước khi có điều 67 thì: “Tài sản, tài chính của trường dân lập thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng dân cư ở cơ sở; tài sản, tài chính của trường tư thục thuộc sở hữu của các thành viên góp vốn. Tài sản, tài chính của trường dân lập, trường tư thục được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật” thì các trường NCL và các nhà đầu tư vô cùng lo lắng. Họ lo lắng không biết khối tài chính, tài sản họ đầu tư và vun đắp suốt đời sẽ đi về đâu khi trước đó, trong qui chế các trường NCL có đoạn ghi: Tài sản của các trường NCL là “Tài sản chung”. Vì những qui định chung chung ấy, vì không xác định rõ quyền sở hữu tài sản các trường NCL là quyền sở hữu hợp pháp của các nhà đầu tư mà nhiều người trong số chủ trường NCL đã lo sợ và không dám đầu tư. Họ chỉ làm trường theo lối cầm chừng, thuê mượn địa điểm nay đây mai đó. Hệ thống Giáo dục tư thục Hà Nội không phát triển được, có nhiều mảng tối, không xứng với tầm của giáo dục thủ đô.
Sau khi Luật Giáo dục năm 2005 ra đời cùng với những qui định về quyền sơ hữu trường tư được qui định trong điều 67 và cụ thể hóa trong Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục theo thông tư 13/2011/TT- BGDĐT ban hành thì các trường tư thục của cả nước đã có một bước phát triển mới. Hàng chục trường tư thục ở Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà nẵng, Đồng Nai và nhiều tỉnh trên cả nước đã mạnh dạn đầu tư lớn, xây dựng trường sở hiện đại, thu hút hàng vạn học sinh vào học. Có những trường đã đầu tư tới vài trăm tỉ đồng, thậm chí các tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng xây dựng trường tư thục. Tính trên cả nước, sau luật giáo dục 2005, không biết có bao nhiêu ngàn tỉ đồng từ nguồn lực to lớn xã hội hóa đã được huy động để đầu tư cho giáo dục, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tạo ra diện mạo mới cho giáo dục tư thục, diện mạo mới cho Giáo dục nước nhà. Thực tế đó đã chứng minh rằng, dưới ánh sáng của đường lối xã hội hóa giáo dục vô cùng sáng suốt của Đảng và sự triển khai bằng luật giáo dục 2005 của Quốc hội, các chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục của chính phủ trong suốt mây mươi năm qua mà giáo dục tư thục của cả nước đã có những bước phát triển kì diệu.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, những quy định về quyền sở hữu tài sản và tài chính của các trường tư thục trong Luật Giáo dục hiện hành, Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, là cơ sở pháp lí và sự mở cửa để các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực giáo dục, giảm gánh nặng ngân sách và biên chế cho nhà nước, giảm sĩ số trường công, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân và tạo ra diện mạo mới cho giáo dục nước nhà, bởi quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư được luật pháp bảo hộ.
“Tại sao chúng ta lại không tiếp nối, kế thừa những ưu điểm nổi bật, những quan điểm tiên bộ đã được thực chứng là sáng suốt và phù hợp với thực tiễn suốt 14 năm của luật giáo dục hiện hành về quyền sở hữu tài chính, tài sản của trường tư thục. Tại sao những sửa đổi trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi về quyền sở hữu tài sản, tài chính các trường tư thục sắp được đệ trình Quốc hội lại có bước lùi?”, ông Nguyễn Văn Hòa bày tỏ./.
Nhiều trường tư thục phản ứng cách tuyển sinh “bó hẹp” của Hà Nội
Chính phủ đồng ý hỗ trợ học phí với học sinh mầm non, THCS tư thục