Các trường vùng cao Lai Châu nỗ lực “níu chân” học sinh sau Tết
VOV.VN - Mặc dù đi học hơn một tuần sau kỳ nghỉ tết, thế nhưng các trường vùng cao ở Lai Châu vẫn đang gặp khó khăn trong việc huy động và duy trì tỷ lệ chuyên cần học sinh. Để đảm bảo sĩ số và chất lượng năm học, hiện nay các nhà trường trên địa bàn đang nỗ lực để “níu chân” học sinh.
Nhiều ngày nay lớp 8A1, trường THCS Tả Lèng, huyện Tam Đường (Lai Châu) có nhiều bàn học trống học sinh. Trong đó, có học sinh đến nay nhà trường vẫn chưa liên hệ được khi đi chơi xa ngoài địa bàn, một số em đã tựu trường nhưng xin nghỉ hoặc ở nhà làm lý đầu năm theo phong tục địa phương, gây khó khăn cho việc duy trì tỷ lệ chuyên cần.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A1, Trường THCS Tả Lèng chia sẻ, lớp thầy chủ nhiệm có 46 em và 100% là học sinh là dân tộc Dao, Mông. Để đảm bảo lịch học đầu năm, thầy đã có mặt ở trường trước 2 ngày so với quy định được nghỉ Têt, rồi xuống các bản để vận động học sinh ra lớp. Thế nhưng, do thói quen và phong tục dân tộc, đến nay lớp thầy vẫn còn thiếu 7 học sinh.
"Sau Tết các em còn mải chơi, nhất là lứa tuổi lớn lớp 8, lớp 9; thứ hai là một số bản đồng bào làm lý cấm bản, nên các gia đình cũng chưa cho các em xuống trường. Đến nay tỷ lệ chuyên cần của lớp mới đạt được 85%, nhà trường cũng đã có kế hoạch triển khai cho các giáo viên chủ nhiệm, kết hợp với chính quyền địa phương, trưởng bản, bí thư bản để tuyên truyền, vận động các em ra lớp", thầy Thảo nói.
Năm học này Trường THCS Tả Lèng có 12 lớp, gần 450 học sinh và 100% học sinh thuộc đồng bào dân tộc Mông, Dao. Trong tuần đầu tiên tựu trường sau kỳ nghỉ Tết, tỷ lệ chuyên cần của nhà trường mới chỉ duy trì được khoảng 85%, trong đó có nhiều em đi chơi xa khỏi địa bàn, nhà trường và gia đình chưa liên lạc được.
Thầy giáo Nguyễn Văn Trưởng, Hiệu trưởng Trường THCS Tả Lèng, huyện Tam Đường cho biết: Sau Tết, nhiều em học sinh các lớp lớn được bố mẹ cho mượn xe máy và các em thường đi chơi xa. Dư âm Tết của các em học sinh vùng cao thường kéo dài, vì vậy nhà trường cũng đã tổ chức nắm bắt tình hình để phối hợp với chính quyền địa phương vận động quay trở lại trường.
"Số học sinh chưa ra lớp thì nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm nắm bắt xem các em đang làm gì, ở đâu. Nếu các em đang không ở trên địa bàn hoặc đi chơi ở các xã khác thì yêu cầu các em quay về để tham gia học tập cho đảm bảo. Thứ hai, nhà trường nắm bắt và thường xuyên báo cáo với chính quyền địa phương, với ban chỉ đạo phổ cập; trên cơ sở đó cũng đề nghị với chính quyền là không tổ chức các điểm, nhóm vui chơi như ném cầu, ném pao nữa, vì chúng ta đã hết tết rồi, không còn chỗ chơi nữa thì các em sẽ quay trở lại trường", thầy Trường cho biết.
Dù ngành Giáo dục và chính quyền các cấp ở địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc huy động học sinh ra lớp, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên VOV, đến nay nhiều trường vùng cao ở Lai Châu mới chỉ huy động được 70- 80% số lượng học sinh sau kỳ nghỉ Tết. Một số trường khi đã huy động được học sinh quay trở lại lớp, nhưng không duy trì được tỷ lệ chuyên cần khi các em tiếp tục nghỉ học với nhiều lý do.
Ông Lò Việt Tuyển, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết: Việc duy trì tỷ lệ chuyên cần với học sinh vùng cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng, để nâng cao chất lượng giáo dục của ngành. Do vậy, ngành đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các tổ chức, cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp ở địa phương cùng với ngành vào cuộc.
"Nội bộ ngành cũng đã chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên tổ chức bám trường, bám lớp, bám bản, rồi tổ chức tuyên truyền đến phụ huynh học sinh trên các phương tiện thông tin; ví dụ như là nhóm zalo, rồi điện thoại để làm sao nâng cao được tỷ lệ chuyên cần, nhất là thời điểm sau nghỉ tết Nguyên đán. Ngành cũng đã xây dựng kế hoạch để tổ chức các đoàn kiểm tra đến các đơn vị trong toàn tỉnh, để làm thế nào nâng cao tỷ lệ chuyên cần của các đơn vị giáo dục trong thời điểm này", ông Tuyển nói.
Quyết tâm duy trì chương trình học và chất lượng giáo dục, các đơn vị trường vùng cao Lai Châu đang huy động tối đa cán bộ, giáo viên, nhân viên bám trường, bám lớp, bám bản để huy động học sinh ra lớp sau kỳ nghỉ Tết. Bằng nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp và tỷ lệ chuyên cần của các nhà trường đang dần được cải thiện, giúp ngành Giáo dục và Đào tạo địa phương tiến gần hơn với việc hoàn thành năm học trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp./.