Cấm thi tuyển vào lớp 6: Liệu có gia tăng tình trạng “lách luật”?
VOV.VN - Các Sở GD-ĐT sẽ giải quyết việc có tổ chức tuyển sinh đầu vào lớp 6. Việc tuyển sinh theo hình thức nào sẽ dựa vào nguồn lực, cơ sở vật chất của trường.
Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các Sở GD-ĐT hướng dẫn cụ thể hơn về tuyển sinh lớp 6 đối với các trường trung học cơ sở (THCS) có số lượng học sinh đăng ký vào học vượt nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh.
Trước đó, ngày 3/11/2014, Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học, trong đó có yêu cầu “Không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6”.
Việc tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục phải bảo đảm thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục THCS trên từng địa bàn; tuyển sinh đủ chi tiêu theo kế hoạch, không vượt quá quy định về sĩ số học sinh trên lớp và số lớp so với khả năng đáp ứng của nhà trường về tỉ lệ giáo viên/học sinh, điều kiện phòng học và cơ sở vật chất khác theo quy định hiện hành. Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT quy định: "Tuyển sinh trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển".
Thực hiện các chủ trương và quy định trên, nếu cơ sở giáo dục có số lượng học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, các Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục này căn cứ các quy định hiện hành để xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình cấp có thẩm quyền ở địa phương xem xét quyết định.
Các địa phương, trường học tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII “không tổ chức trường chuyên ở Tiểu học và THCS, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật và thể thao”.
Xung quanh quy định không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã trả lời phỏng vấn báo chí.
PV: Thưa Thứ trưởng, trước yêu cầu các địa phương, trường học tuyệt đối không thi tuyển học sinh vào lớp 6, nhiều ý kiến cho rằng, những trường THCS mọi năm vẫn tổ chức thi tuyển “đầu vào” sẽ “lách luật” bằng cách tuyển học sinh qua hình thức kiểm tra năng lực, chỉ số thông minh của học sinh… Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trường học có nhiều cách đánh giá học sinh nhưng tuyệt đối trên một địa bàn, nhà trường tuyển sinh không được chọn em này mà bỏ em kia vì chúng ta đang thực hiện phổ cập giáo dục THCS.
PV: Lấy ví dụ trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành – đơn vị thực hành trực thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội không chỉ tuyển sinh học sinh trên địa bàn mà mở rộng tuyển học sinh ở khắp cả nước. Tỷ lệ chọi vào lớp 6 hàng năm của trường rất lớn. Vậy ông có lời khuyên nào đối với những trường như thế này không?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Bộ GD-ĐT đã nhất quán tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6. Trước nhu cầu quá lớn của người dân muốn cho con học vào trường THCS nào đó nhưng chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có hạn thì nhà trường muốn chọn lọc thí sinh vào trường thì phải trình phương án lên Sở GD-ĐT ở địa phương xem xét, giải quyết
PV: Mục tiêu của Bộ GD-ĐT vẫn là thực hiện phổ cập giáo dục nhưng tại một số địa phương lại đang tồn tại và hình thành một số mô hình trường học chất lượng cao, phát triển năng lực học sinh, ngoài công lập mở rộng tuyển sinh ở tất cả các tuyến. Ông có thể cho biết chỉ đạo đối với việc tuyển sinh ở những trường này như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trường công lập, ngoài công lập, mô hình trường học nào cần phát triển bao nhiêu lớp học, cần bao nhiêu học sinh đều phải do cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương đó quyết định, chứ không phải trường muốn thích tuyển bao nhiêu thì tuyển. Việc tuyển sinh bao nhiêu thì Sở GD-ĐT ở địa phương phải căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, năng lực đào tạo của trường.
PV: Việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương, trường học tuyệt đối không thi tuyển học sinh vào lớp 6 có phải là bước đi trong lộ trình xóa bỏ trường chuyên lớp chọn ở bậc THCS hay không, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Không phải vậy! Chúng ta đã xóa bỏ mô hình trường chuyên THCS ngay từ khi có Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII yêu cầu “Không tổ chức trường chuyên ở Tiểu học và THCS”.
PV: Vậy những lớp ở bậc THCS thiên về dạy nâng cao một số môn nào đó thì trường đó có được gọi là trường chuyên không, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Những trường đó không được gọi là trường chuyên.
PV: Như ông đã đề cập, chúng ta đã xóa bỏ mô hình trường chuyên THCS nhưng hiện tại ở một số địa phương có mô hình trường chất lượng cao. Vậy những trường theo mô hình chất lượng cao nên được hiểu là như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Mô hình trường học chất lượng cao được Quốc hội cho phép thực hiện nhằm đảm bảo cho chúng ta có được những trường học đạt chất lượng tốt. Những trường này được phép thu học phí cao để đáp ứng nhu cầu giảng dạy chất lượng. Điều này có nghĩa là trường học hoạt động theo mô hình chất lượng cao giảng dạy như thế nào, được thu học phí đến đâu là phải do thỏa thuận và được sự tự nguyện của phụ huynh học sinh. Vì vậy, chúng không thể hiểu đây là mô hình trường học chất lượng cao là trường chuyên được.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.