Cần đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm học sinh dân tộc

VOV.VN - Trong các buổi làm việc tại Phú Thọ, Thái Nguyên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cùng nhấn mạnh chủ trương, chính sách về quyền bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, cần đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm học sinh dân tộc…

Trong 2 ngày 24 và 25/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương (Việt Trì, Phú Thọ), Trường PTTH Chuyên Hùng Vương - tỉnh Phú Thọ và trường vùng cao Việt Bắc - tỉnh Thái Nguyên. Tại các buổi làm việc, 2 Bộ trưởng nhấn mạnh chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quyền bình đẳng trong tiếp cận giáo dục nhất quán và tổng thể. Mô hình các trường dân tộc nội trú, dự bị đại học dân tộc ra đời cũng là để thực hiện và phát huy hiệu quả của chính sách.

Trao cơ hội học tập nhiều hơn cho học sinh dân tộc thiểu số

Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương (Việt Trì, Phú Thọ) là trường dự bị đại học Dân tộc đầu tiên của cả nước thực hiện chính sách dân tộc của Đảng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, là loại hình trường chuyên biệt làm nhiệm vụ tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ cao phục vụ sự nghiệp cách mạng ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Hàng năm, sau khi hoàn thành xong chương trình bồi dưỡng dự bị có gần 50% học sinh tiếp tục dự thi đại học và đã đỗ vào các trường có điểm trúng tuyển cao thuộc khối quân đội, công an, kinh tế, sức khỏe…

46 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đào tạo và từ đây hơn 22.000 học sinh người dân tộc thiểu số vào học các trường Đại học, Cao đẳng trong nước và nước ngoài. Trong đó, có những học sinh thuộc dân tộc rất ít người như: Ngái, Lự, Mảng, Sila, Cờ lao, La Chí, Lô Lô... và nhiều học sinh là con liệt sỹ Campuchia. Nhiều thế hệ học sinh của trường đang giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Năm học vừa qua, nhà trường có gần 400 học sinh đỗ các trường đại học, trong đó, có gần 200 học sinh có điểm thi từ 27 điểm trở lên. Hiện, nhà trường có quy mô tuyển sinh hệ dự bị đại học dân tộc lớn nhất cả nước với 1.000 học sinh.

Ghi nhận và đánh giá cao thành tích của Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, trong từng giai đoạn lịch sử, có những khó khăn nhất định nhưng nhà trường luôn tạo được nhiều thành tích nổi bật, xứng đáng với quy mô bồi dưỡng hệ dự bị đại học dân tộc lớn nhất cả nước, là sự lựa chọn hàng đầu của học sinh người dân tộc thiểu số khi các em chọn theo học hệ dự bị đại học.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo nhà trường đã báo cáo một số khó khăn và đề xuất Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện để xây dựng trường trở thành trường nội trú trọng điểm vùng (khu vực phía Bắc), tập trung tạo nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số ở 2 hệ: Hệ THPT chất lượng cao dành cho học sinh thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; hệ bồi dưỡng dự bị đại học dân tộc theo định hướng nhóm ngành. 

Ghi nhận những đóng góp tích cực của Trường dự bị Đại học Dân tộc Trung ương đối với ngành giáo dục nói riêng và đóng góp cho sự phát triển nhân lực, kinh tế xã hội của đồng bào dân tộc nói chung, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng việc mở rộng mô hình, tăng chức năng nhiệm vụ của các nhà trường cần có sự nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng. Đối với những chính sách không còn phù hợp, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Chính phủ để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Chú trọng nhiệm vụ phát triển GD&ĐT, trong đó có giáo dục dân tộc tại địa phương

Tại buổi làm việc với 2 Bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cho biết, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh thời gian qua vẫn duy trì vững chắc trên cả 3 mặt: Quy mô, chất lượng và hiệu quả, đóng góp tích cực vào các mục tiêu kinh tế - xã hội địa phương. Hiện nay toàn tỉnh có 895 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên, đại học, trong đó 847 cơ sở giáo dục công lập, 48 trường ngoài công lập; trên 400 nghìn học sinh, sinh viên.

Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đạt được các kết quả tích cực, luôn đứng vị trí top đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được quan tâm và đạt kết quả cao. Phú Thọ là một trong 6 tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Trên địa bàn tỉnh có 50 dân tộc, có 26 xã và 70 thôn đặc biệt khó khăn. Tổng số học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm trên 19% số học sinh toàn tỉnh. Công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp vùng dân tộc thiểu số và miền núi đáp ứng nhu cầu học tập của con em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đánh giá cao nỗ lực, sự quan tâm, cũng như kết quả của giáo dục Phú Thọ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời mong muốn, tỉnh sẽ tiếp tục dành sự quan tâm, ưu tiên cho giáo dục. Trong đó, quan tâm đảm bảo ngân sách cho giáo dục; tập trung cho việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; quan tâm, hỗ trợ phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú, bán trú để ngày càng có nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số được học tập trong điều kiện tốt; tiếp tục thực hiện mục tiêu kép: an toàn trường học và chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19. 

Đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm học sinh dân tộc

Tới thăm trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc - ngôi trường có bề dày lịch sử, để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp giáo dục trồng người của tỉnh Thái Nguyên, hai Bộ trưởng ấn tượng với nhiệm vụ khó khăn mới mà trường sẵn sàng gánh vác, như thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số đặc biệt ít người. Là ngôi trường Dân tộc nội trú đa hệ, đa dân tộc (có dân tộc ít người như: Ngái, Lự, Mảng, Sila, Clao, La Chí, La Hủ, Cống, Pu Kéo, Bố Y), không qua thi tuyển nên học sinh có mặt bằng kiến thức thấp, không đồng đều.

Tuy nhiên, nhà trường luôn đạt những thành quả cao trong công tác giáo dục và đào tạo, tích cực đổi mới hiệu quả phương pháp dạy học hiện đại, phù hợp với đặc điểm tình hình học sinh của nhà trường nhằm phát triển toàn diện và hình thành nhân cách học sinh theo mục tiêu giáo dục.

Là trường duy nhất của cả nước không thuộc khối trường chuyên mà có đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở các khối đã phản ánh chất lượng chuyên môn của nhà trường, nhiều em đạt thành tích cao ở các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Trong năm học vừa qua, Trường PT Vùng Cao Việt Bắc có 672 em đạt học sinh giỏi các cấp, trong đó có 2 em xuất sắc dành 2 huy chương Vàng cuộc thi Quốc tế "Phát minh và sáng chế công nghệ mới 2021", 100% thí sinh của nhà trường đỗ tốt nghiệp, đặc biệt trong kỳ thi này, em Mạ Thị Quỳnh - học sinh lớp 12A11 người dân tộc Tày có điểm thi khối C00 ở top cao nhất cả nước và đạt điểm cao nhất với tổ hợp xét tuyển vào Đại học của Trường PT Vùng Cao Việt Bắc.

Trong các buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Bộ trưởng Bộ giáo dục Đào tạo thống nhất hướng đi tới của các nhà trường là trao quyền học tập nhiều hơn cho học sinh dân tộc thiểu số, đặc biệt đối với học sinh dân tộc rất ít người và đặc biệt khó khăn, tích cực đổi mới hiệu quả phương pháp dạy học hiện đại, phù hợp với đặc điểm tình hình học sinh nhằm phát triển toàn diện và hình thành nhân cách học sinh theo mục tiêu giáo dục. Xa hơn nữa, là đào tạo cho được đội ngũ cán bộ chất lượng cao ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng quê hương và đáp ứng nhu cầu về công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước./.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sinh viên cần đổi mới phương pháp học từ bị động sang chủ động
Sinh viên cần đổi mới phương pháp học từ bị động sang chủ động

VOV.VN -Sinh viên cần đổi mới phương pháp học từ bị động sang chủ động, thực hiện đúng với Triết lý giáo dục “Học tập vì ngày mai lập nghiệp”.

Sinh viên cần đổi mới phương pháp học từ bị động sang chủ động

Sinh viên cần đổi mới phương pháp học từ bị động sang chủ động

VOV.VN -Sinh viên cần đổi mới phương pháp học từ bị động sang chủ động, thực hiện đúng với Triết lý giáo dục “Học tập vì ngày mai lập nghiệp”.

Đổi mới môn Lịch sử: Đột phá phải từ phương pháp giảng dạy
Đổi mới môn Lịch sử: Đột phá phải từ phương pháp giảng dạy

VOV.VN -Để môn Lịch sử thu hút học sinh, ngoài đổi mới chương trình sách giáo khoa thì cần tạo sự đột phá trong phương pháp giảng dạy của giáo viên.

Đổi mới môn Lịch sử: Đột phá phải từ phương pháp giảng dạy

Đổi mới môn Lịch sử: Đột phá phải từ phương pháp giảng dạy

VOV.VN -Để môn Lịch sử thu hút học sinh, ngoài đổi mới chương trình sách giáo khoa thì cần tạo sự đột phá trong phương pháp giảng dạy của giáo viên.

Đổi mới phương pháp dạy học: Áp lực từ sĩ số lớp
Đổi mới phương pháp dạy học: Áp lực từ sĩ số lớp

VOV.VN -Đổi mới phương pháp dạy học là dạy phân hóa trong chương trình giáo dục mới có thể triển khai thành công khi sĩ số lớp luôn là 50 – 60 học sinh?

Đổi mới phương pháp dạy học: Áp lực từ sĩ số lớp

Đổi mới phương pháp dạy học: Áp lực từ sĩ số lớp

VOV.VN -Đổi mới phương pháp dạy học là dạy phân hóa trong chương trình giáo dục mới có thể triển khai thành công khi sĩ số lớp luôn là 50 – 60 học sinh?

Đổi mới mạnh phương pháp dạy học bậc Tiểu học
Đổi mới mạnh phương pháp dạy học bậc Tiểu học

VOV.VN - Sở GD-ĐT Hà Nội cũng nhấn mạnh việc chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh...

Đổi mới mạnh phương pháp dạy học bậc Tiểu học

Đổi mới mạnh phương pháp dạy học bậc Tiểu học

VOV.VN - Sở GD-ĐT Hà Nội cũng nhấn mạnh việc chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh...