Cần làm rõ chuyện “hai điểm sàn” của Bộ GD-ĐT
(VOV) -Trong khi dư luận phản đối phương án “hai điểm sàn” thì Bộ GD-ĐT cho rằng dư luận đang hiểu sai.
Vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các chuyên gia, lãnh đạo các nhà trường đã thảo luận sôi nổi xung quanh vấn đề liệu có “hai điểm sàn” trong kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay hay không? Nguồn tin về “hai điểm sàn” được cho là do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đưa ra. Tuy nhiên, trong khi rất nhiều ý kiến phản đối phương án có “hai điểm sàn”, thì Thứ trưởng Bùi Văn Ga lại cho biết, dư luận đang hiểu sai về quan điểm của Bộ.
Cách đây vài ngày, rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa tin: Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết dự kiến phương án có 2 điểm sàn, xin ý kiến dư luận và có thể áp dụng ngay trong kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay.
Theo đó, các trường tuyển sinh theo điểm sàn dựa trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng và tổng chỉ tiêu, sau đó nếu còn thiếu chỉ tiêu thì thực hiện mở rộng nguồn tuyển đến ngưỡng giới hạn, gọi là điểm sàn dưới, được xác định là tổng điểm bình quân từng môn của khối thi tương ứng.
Phương án hai điểm sàn trong kì thi “3 chung” được đưa ra đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến không đồng tình, trong đó có nhiều trường đại học ngoài công lập. Giáo sư Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ thể hiện rõ quan điểm: Không nên có thêm một điểm sàn dưới, vì như vậy là đẩy các trường ngoài công lập xuống một thứ hạng khác.
Dù chưa có văn bản chính thức nào từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết cho phương án xét tuyển đại học, cao đẳng. Theo Giáo sư Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng Đại học Hòa Bình, hai điểm sàn cũng có thể là giải pháp tình thế trong hoàn cảnh hiện nay.
“Các trường tốp trên cứ tuyển trước, thậm chí theo tôi phải lấy điểm sàn cao hơn hẳn đi, đừng lấy 14,15 điểm mà lấy đến 20 điểm để chọn được những sinh viên giỏi, phát triển nhân tài cho đất nước, sáng tạo khoa học công nghệ, xây dựng chính sách sau này. Còn những người lao động bình thường nhưng phải có kiến thức đại học thì chờ để lấy ở dưới. Thực ra theo tôi đây cũng chỉ là giải pháp tình thế” – ông Vận nói.
Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng không nên gọi là điểm sàn trên hay điểm sàn dưới, mà các trường thuộc “tốp trên” nên lấy điểm tuyển sinh cao hẳn lên, như trước đây có nhiều trường lấy 24,25 hay 26,27 điểm. Còn với những trường thuộc tốp dưới, Bộ có thể quy định một điểm sàn phù hợp.
Trong trường hợp các trường công ở địa phương hay các trường ngoài công lập tuyển không đủ chỉ tiêu, thì có thể cho phép các trường này tuyển căn cứ vào điểm tốt nghiệp phổ thông, điểm 3 năm học THPT, điểm thi đại học, cao đẳng nhưng xét hệ số của một môn phù hợp nhất với ngành đào tạo.
Theo ông Nhĩ: “Có thể căn cứ vào điểm thi 3 chung của Bộ nhưng không nhất thiết phải điểm sàn. Chẳng hạn Bộ quy định như mấy năm là 13 điểm chẳng hạn, thì có em được 8 điểm Toán vẫn không được vào, nhưng em được 4 điểm Toán nhưng được 4 điểm Lý, 5 điểm Hóa chẳng hạn lại được vào. Rõ ràng em được 4 điểm toán vào học ngành Toán chưa chắc có thể bằng em dưới điểm sàn nhưng được 7, 8 điểm toán. Có thể cho phép lấy điểm đó và hệ số lên”.
Trong khi dư luận đang hết sức băn khoăn về điểm sàn, có nhiều ý kiến đóng góp, thì khi trao đổi với phóng viên VOV, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga lại khẳng định dư luận đang hiểu nhầm về “hai điểm sàn”. Bộ Giáo dục và Đào tạo không bao giờ có chủ trương đặt ra hai điểm sàn để phân biệt trường công lập hay ngoài công lập. Điểm sàn chỉ có một, tuy nhiên về mặt kĩ thuật, sẽ nghiên cứu xét tuyển thế nào để người giỏi có điều kiện trúng tuyển.
Thiết nghĩ, trong khi mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng đang đến gần, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra những thông tin rõ ràng, chính xác, tránh sự hiểu nhầm, hiểu sai của dư luận và khiến cho các nhà trường, phụ huynh, học sinh lúc nào cũng trong tâm trạng lo lắng, bất an./.