Chất lượng đào tạo sẽ quyết định quyền tự chủ tài chính

Trường nào có chất lượng giáo dục tốt, khả năng tài chính thì sẽ được giao quyền tự chủ tài chính nhiều hơn và ngược lại.  

Một trong những vấn đề được nhiều cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh quan tâm đối với dự án Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 2 là vấn đề giao quyền tự chủ tài chính cho các cơ sở giáo dục. Vấn đề này lại một lần nữa “nóng” lên tại Hội thảo Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập vừa được tổ chức sáng 29/11 tại Hà Nội.

Sinh viên trong lễ trao bằng tốt nghiệp ĐH

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có 440 trường ĐH, CĐ, trong đó có hơn 300 trường công lập. Việc giao quyền tự chủ tài chính cho các trường ĐH công lập là vấn đề không dễ khi mà hiện nay, rất nhiều trường muốn được tự chủ nhưng Bộ Giáo dục-Đào tạo và các cơ quan quản lý tài chính của Nhà nước lại cho rằng, không thể giao quyền tự chủ một cách tràn lan. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV Online phỏng vấn một số cán bộ, giáo viên tại một số cơ quan quản lý, trường ĐH.

Quyền tự chủ nên nghiên cứu dựa vào mức thu học phí

TS Nguyễn Trường Giang, Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính):

Việc giao quyền tự chủ tài chính cho các trường ĐH nên dựa vào nguồn thu học phí. Bởi vì học phí là một nguồn thu quan trọng đối với các cơ sở đào tạo giáo dục ĐH, là nguồn lực tài chính cơ bản để duy trì hoạt động và phát triển của các trường ĐH.

Đối với nước ta, với chủ trương Nhà nước hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ĐH công lập và người học ĐH nên học phí chưa được xác định là giá dịch vụ đào tạo mà chỉ là sự chia sẻ chi phí giữa người học với cơ sở đào tạo công lập. Học phí mới đáp ứng một phần chi phí cần thiết để cung cấp dịch vụ đào tạo ĐH nên chưa tạo điều kiện cho giáo dục ĐH phát triển, ảnh hưởng đến nâng cao chất lượng.

Ông Ngô Thế Chi

Duy trì mức học phí thấp cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cơ sở giáo dục ĐH công lập phải xé rào, ban hành nhiều khoản thu ngoài quy định dẫn đến thiếu công khai, minh bạch trong việc sử dụng nguồn thu. Việc duy trì mức học phí thấp, chưa bù đắp đủ chi phí đào tạo dẫn đến một bất cập trong đổi mới, nâng cao chất lượng. Vì vậy, đối với giáo dục ĐH, việc tính đủ học phí là cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế về giáo dục ĐH. Đây cũng là yếu tố quyết định đến đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục ĐH.

Đến lúc phải hạn chế bao cấp đối với giáo dục ĐH

Ông Ngô Thế Chi (Giáo đốc Học viện Tài chính):

Theo tôi, Bộ Giáo dục-Đào tạo giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục như hiện nay một cách manh mún, nhỏ giọt khiến các trường chưa chủ động trong mọi hoạt động. Ví dụ như một trường ĐH công lập nào đó, máy móc, trang thiết bị đã hư hỏng nay muốn đầu tư, nâng cấp lại thì phải thực hiện cơ chế “xin-cho”, làm giấy phép lên cấp trên xem xét. Nếu được thì tốt nhưng nếu không được hoặc chỉ được nâng cấp một phần thì sự cải tiến đó chỉ mang tính chất dàn trải, nhỏ giọt.

Đến lúc, chúng ta phải nói hạn chế bao cấp đối với giáo dục ĐH. Việc bao cấp chỉ nên thực hiện đối với những học sinh nghèo, đối tượng chính sách, con thương binh liệt sĩ, vùng miền khó khăn.

Giao quyền tự chủ tài chính sẽ giúp cho các trường xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, thu hút giảng viên, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất. Ý kiến của tôi là nên giao quyền tự chủ từng phần cho các trường dưới sự kiểm soát của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Việc giao quyền tự chủ dựa theo nguyên tắc, các trường phải chịu trách nhiệm phần quyền được giao đến đâu, không được “xé rào”.

Ông Đào Trọng Thi

Chất lượng quyết định quyền được giao tự chủ đến đâu

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Chúng ta cần phải có sự quản lý của Nhà nước đối với các trường ĐH. Mở rộng các trường ĐH ngoài công lập nhưng vẫn phải dưới sự kiểm soát của ngành Giáo dục.

Việc giao quyền tự chủ tài chính cho các trường ĐH phải dựa trên sự quản lý, năng lực, chất lượng hoạt động thực sự của các trường như thế nào. Như vậy là trường nào có chất lượng giáo dục tốt, khả năng tài chính thì sẽ được giao quyền tự chủ nhiều hơn và ngược lại.

Hiện tại, chúng ta không thể đổ đồng giao quyền tự chủ cho các trường ngay cùng một lúc vì phải xem xét quá trình hoạt động cho các trường như thế nào. Có như thế thì các trường mới tự cạnh tranh để tồn tại và nâng cao chất lượng vì người học. Quá trình giao quyền tự chủ cho các trường phải có quá trình và sẽ không phải theo cơ chế xin-cho nữa.

Ông Hoàng Văn Châu
Giao quyền tự chủ nên theo hướng giao chỉ tiêu

GS, TS Hoàng Văn Châu (Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương Hà Nội):

 Hiện nay, trường ĐH Ngoại thương Hà Nội đang xin Bộ Giáo dục-Đào tạo cho tự chủ tuyển sinh, tuyển dụng sinh viên đầu vào.

Việc giao quyền tự chủ cho các trường nên theo hướng giao quyền tự chủ trong tuyển dụng giáo viên, chỉ tiêu tuyển sinh, quy định mức học phí. Các trường cũng nên có quyền được sử dụng tiền thu học phí vào việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

Tôi nghĩ, việc giao quyền tự chủ nên xem xét vào hướng giao chỉ tiêu. Trước tiên, nên thực hiện tại một số trường đảm bảo chất lượng giáo dục, chứ không nên giao tràn lan./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên