Chỉ thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học tuyển sinh thế nào?

Chỉ thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học tuyển sinh thế nào?

VOV.VN - Không có kỳ thi THPT Quốc gia, các trường mất đi một thước đo tương đối chuẩn xác để tuyển sinh.

Trước việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra phương án kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chỉ để xét tốt nghiệp, tức là không có kỳ thi “2 trong 1”, căn cứ vào đó để tuyển sinh đại học. Vậy các trường đại học sẽ tuyển sinh như thế nào?

vov_11_neym.jpg
trường Đại học Luật TP. HCM sẽ có 25% chỉ tiêu tuyển thẳng trong năm 2020.

Trong kế hoạch tuyển sinh năm 2020, Trường Đại học Luật TP. HCM có 25% chỉ tiêu tuyển thẳng, 75% chỉ tiêu còn lại tuyển sinh trên cơ sở điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Trước đây, Trường Đại học Luật TP. HCM cũng không không tổ chức thi đánh giá năng lực riêng và năm nay cũng vậy.

Đồng thời, nếu năm nay không có kỳ thi THPT Quốc gia “2 trong 1” thì nhà trường cũng không tổ chức kỳ thi này hay một kỳ thi tuyển sinh riêng. Trường sẽ vẫn tuyển sinh dựa trên kết quả thi THPT. Trường hợp cần thiết, nhà trường sẽ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. HCM để xét tuyển. Bởi theo PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Đại học Luật TP. HCM, việc tổ chức thi riêng chẳng khác nào quay lại những năm trước đây, gây tốn kém, tạo tâm lý bất ổn và vất vả cho học sinh. Thêm vào đó, còn kéo theo số lượng lớn học sinh ra thành phố trong tình hình dịch bệnh.

“Mặc dù mục tiêu chính là để xét tốt nghiệp THPT nhưng ra đề mong muốn rằng phải phân loại tốt, phải có sự phân hóa nhất định, có dễ có khó thì các trường đại học mới dựa vào đó xét được. Nếu mà dễ quá, em nào làm cũng được 8 cả thì làm sao biết ai giỏi, ai không giỏi bằng, tất cả lớp được 10 hết làm sao tuyển, phải tạo cơ sở để các trường xét tuyển”, PGS.TS Trần Hoàng Hải nói.

Đại học Công nghệ TP. HCM có kế hoạch tuyển sinh từ rất sớm với 4 phương thức: kết quả kỳ thi đánh giá năng lực riêng của trường, dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia, kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. HCM và xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn. 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh, Trường Đại học Công nghệ TP. HCM cho biết, với phương án không có thi THPT Quốc gia, gần 6.000 chỉ tiêu tuyển sinh năm nay sẽ được trường tính toán chia cho các phương thức còn lại hoặc kết hợp nhiều phương thức để lựa chọn được đầu vào tốt nhất, nhưng trọng tâm là dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực riêng của trường.

“Kỳ thi đánh giá năng lực thì trường dự kiến hình thức bài thi trắc nghiệm tổng hợp, trong đó bao gồm nhiều kiến thức khác nhau về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, lịch sử cũng như một số kiến thức về ngoại ngữ. Dự kiến kéo dài từ 60-75 phút. Các thầy cô chuyên môn ở Hutech cũng như các thầy cô ở các trường THPT trên thành phố kết hợp ra đề thi và chấm thi”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung nói.

vov_22_nqfb.jpg
Trường Đại học Công nghệ TPHCM sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực để tuyển sinh bên cạnh 3 phương thức tuyển sinh độc lập khác.

Theo kế hoạch ban đầu, năm 2020, với 2.565 chỉ tiêu cho tất cả các ngành đào tạo, Trường Đại học Kinh tế - Tài Chính TP. HCM cũng tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia, kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. HCM và xét học bạ. Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Nhan Cẩm Trí, Phó Hiệu trưởng nhà trường, dù chỉ tổ chức thi THPT để xét tốt nghiệp nhưng trường vẫn lấy kết quả kỳ thi này để làm một phương thức tuyển sinh, trường sẽ xét học bạ lớp 12 với tổ hợp 3 môn và xét học bạ theo tổng điểm trung bình cộng của 3 năm THPT và 4 phương thức xét tuyển sẽ được tiến hành độc lập.

Tiến sỹ Nhan Cẩm Trí cho biết: “Do dịch Covid-19, đến giờ các em chưa đi học lại nên trường sẽ kéo dài thời gian nhận hồ sơ tuyển sinh và có tất cả 6 đợt. Chúng tôi sẽ xét học bạ theo tổng điểm trung bình của 5 học kỳ - Học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12. Điểm trung bình xét tuyển bằng học bạ 5 học kỳ liên tiếp chỉ cần đạt từ 30 điểm trở lên thì có thể trúng tuyển”.

Không có kỳ thi THPT Quốc gia, các trường mất đi một thước đo tương đối chuẩn xác để tuyển sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT và sau đó là tuyển sinh vào các trường đại học 2020 đã cận kề, những sự thay đổi lúc này ít nhiều đều gây xáo trộn, tạo tâm lý bất an cho học sinh. Các trường đại học vẫn dùng điểm thi tốt nghiệp THPT làm một phương thức tuyển sinh mong muốn kỳ thi này được thực hiện nghiêm túc, chuẩn mực, có thể phân loại học sinh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên