Chuẩn giả trong giáo dục: Giáo viên đạt chuẩn, thực tế không chuẩn?
VOV.VN -Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận rằng một số địa phương vì muốn được công nhận nông thôn mới nên đã xin “nợ” chuẩn.
Liên quan đến vấn đề đạt chuẩn và công nhận đạt chuẩn trong ngành giáo dục, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại kỳ họp quốc hội diễn ra sáng nay (6/6), đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi: “Chuẩn giả trong giáo dục, trường đạt chuẩn, giáo viên đạt chuẩn nhưng thực tế không đạt. Các địa phương cho nợ chuẩn, Bộ có biết không? Giải pháp của vấn đề này là gì? Để thi tốt nghiệp và đại học, các cháu chỉ học các môn thi, nhưng để đủ điểm, phụ huynh đến “nộp tiền” cho giáo viên để có điểm đẹp, Bộ trưởng giải quyết vấn đề này như thế nào”?
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, đây là thực trạng có thật trong ngành giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, liên quan đến 19 chỉ tiêu về nông thôn mới, trong đó có 2 tiêu chuẩn về giáo dục. Do đó một số địa phương muốn được nông thôn mới đã xin “nợ” chuẩn.
“Chúng tôi biết. Chúng tôi giám sát, kiên quyết không chấp nhận, đã giải quyết vấn đề và đã làm được”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn thừa nhận những bất cập của ngành trong thời gian qua. |
Chất vấn lại về những nội dung này, đại biểu Cương cho rằng “chuẩn giả” trong giáo dục không chỉ gắn với nông thôn mới mà còn diễn ra tại nhiều địa phương khác nhau. “Trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng lại không có gì đạt chuẩn cả. Trường chuẩn mà sân trường mỗi lần tập trung mỗi lớp chỉ mời 5 cháu xuống. Trường cấp 2 nhưng bàn ghế cấp 1”, đại biểu Cương bức xúc.
Bên cạnh đó, đại biểu này cũng cho rằng việc học tủ học lệch, phụ huynh dùng tiền để chạy cho con em đạt điểm ‘đẹp’ những môn không học không chỉ là vấn đề kiến thức, mà còn là vấn đề về đạo đức, học sinh sẽ nghĩ ra sao về thầy cô?
Trước ý kiến của đại biểu, vị tư lệnh ngành Giáo dục và Đào tạo đồng tình rằng vấn đề chạy điểm còn liên quan đến đạo đức xã hội. Với việc làm này, vô tình cha mẹ đã cho con thấy được những mặt xấu của xã hội. Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Nhạ cho biết, sẽ xử lý kiên quyết những sai phạm, yêu cầu có sự kết hợp, chung tay giữa nhà trường và cả phụ huynh./.
Đưa ra khỏi ngành những giáo viên bạo hành HS, năng lực kém
Cuối năm học cháu nào cũng có giấy khen, Bộ trưởng nói gì?
Bộ trưởng GD-ĐT trả lời chất vấn về chất lượng GD, quản lý GD mầm non